(Tổ Quốc) - Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ đã chỉ trích những nỗ lực "chưa tới" của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc ngăn cản chiến dịch quân sự của Thổ tại Syria.
Tờ New York Times đăng tải, mới đây một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, ông William V. Roebuck đã nêu lên câu hỏi, liệu biện pháp ngoại giao cứng rắn hơn, các đe dọa trừng phạt kinh tế và gia tăng tuần tra quân sự của chính quyền Mỹ có chặn được Thổ tấn công hay không. Trong quá khứ, những động thái tương tự từng kiềm chế thành công hành động quân sự của Ankara.
"Đó là một nhiệm vụ khó và câu trả lời có thể là không", ông Roebuck viết trong một tài liệu lưu hành nội bộ. "Nhưng chúng ta không biết được vì chúng ta đã không thử làm vậy". Ông chỉ ra một loạt lý do dẫn tới chiến dịch quân sự của Thổ đã không bị ngăn cản: sự hiện diện ít ỏi của Mỹ tại hai cứ điểm biên giới, vị thế lâu năm của Thổ trong vai trò một đồng minh NATO và lực lượng quân đội quy mô được triển khai tại biên giới với Syria…
Ông Roebuck đã có gần 30 năm công tác trong ngành ngoại giao và từng là cựu đại sứ Mỹ tại Bahrain. Tài liệu dài 3.200 chữ của ông được gửi tới đặc phái viên đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách Syria James F. Jeffrey và một số quan chức khác của Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng và Lầu Năm góc Mỹ. Ông Roebuck hiện đang làm việc dưới quyền đặc phái viên Jeffrey.
Bản ghi chép của ông Roebuck là tài liệu chính thức đầu tiên bày tỏ thái độ bất động về vấn đề Syria từ một quan chức trong nội bộ chính quyền Trump – được công bố trước dư luận. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ từng cảnh báo về sự thay đổi đột ngột trong chính sách Syria nhưng các quan chức cấp cao chưa từng công khai thể hiện quan điểm của mình. Các nhận định của ông Roebuck cũng được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang tỏ ra không hài lòng vì một số quan chức Bộ Ngoại giao đã điều trần trước Quốc hội trong cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông liên quan tới chính sách Ukraine.
Từng có gần hai năm làm việc tại miền bắc Syria với lực lượng người Kurd thuộc nhóm SDF, ông Roebuck dành những lời lẽ cứng rắn cho chiến dịch quân sự của Thổ, đặc biệt là việc Ankara triển khai các tay súng Arab Syria.
"Chiến dịch tấn công của Thổ tại miền bắc Syria, với mũi nhọn là các nhóm vũ trang Hồi giáo được trả tiền, đại diện cho một nỗ lực có chủ đích nhằm thảm sát sắc tộc", ông Roebuck viết. "Khi lịch sử ngoại giao được ghi chép, người ta sẽ tự hỏi điều gì đã xảy ra tại đây và tại sao giới chức không làm hơn nữa để dừng nó hoặc ít nhất là tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ hơn nữa…".
Nhà ngoại giao kỳ cựu kêu gọi, bằng việc hành động ngay, Mỹ "có cơ hội giảm thiểu thiệt hại cho bản thân và hy vọng là có thể sửa chữa một vài ảnh hưởng đến từ các chính sách của Thổ trong khi tìm cách thực hiện những chỉ đạo của Tổng thống [Trump]" về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đông bắc Syria.