(Tổ Quốc) - Những thiếu sót của quân đội Nga đã được bộc lộ tại Syria – điều chứng minh cuộc xung đột này là một trải nghiệm huấn luyện có giá trị.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga đã hoàn thành sứ mệnh của mình tại Syria và sẽ dần rút quân. Tuy nhiên, trong tương lai gần, giữa tương quan lực lượng giữa các bên, Nga dường như vẫn đang muốn duy trì sự hiện diện quân sự ở đây. Vấn đề này đã là chủ đề chính của một phiên thảo luận gần đây của Trung tâm lợi ích quốc gia (CFTNI) về "Sự can thiệp của Nga tại Syria". Moscow không chỉ thích nghi với việc ở Syria, mà họ cũng đang phát triển những sức mạnh đáng kể ở đó.
Mục tiêu chiến lược của Nga tại Syria
Paul J. Saunders, Giám đốc điều hành CFTNI vạch ra các mục tiêu chiến lược trong kế hoạch can thiệp phủ đầu của Nga, là "ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ Assad" và chống khủng bố bằng cách chiến đấu với "bọn khủng bố" ở Syria thay vì ở Nga. Một "lợi ích phụ" đối với Moscow tìm cách buộc "Hoa Kỳ tiến vào một cơ chế đối thoại chính trị" sau việc Nga bị phương Tây cô lập từ sau khi sáp nhập Crimea.
Và khi "Nga đã tiến vào Syria một cách mạnh mẽ, sau đó, chính phủ Nga và quân đội Nga đã phát triển thêm một số lợi ích ở đó", bao gồm cả việc bảo đảm sự hiện diện quân sự mở rộng, ông Saunders nói thêm.
Nga đã triển khai một lượng lớn khí tài đến Syria. (Nguồn: Reuters)
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc đạt được một trật tự chính trị ổn định ở Syria sẽ vô cùng khó khăn đối với Syria, Nga và Iran nếu không có sự hỗ trợ tài chính bên ngoài đáng kể cho việc tái thiết. Theo ông, các chính phủ phương Tây dường như sẽ khó cung cấp viện trợ cho một chế độ do Bashar al-Assad lãnh đạo và chỉ có ít các chính phủ sẵn sàng chấp nhận việc tài trợ bất kể ai lãnh đạo Syria.
Vì vậy, ông thấy rằng, Mỹ có thể còn nhiều lợi thế hơn khi tính toán về tương lai chính trị của Syria so với việc ông Trump có kế hoạch rút đi hiện tại. Trong khi đó, việc giải quyết vấn đề về các tay súng người nước ngoài còn ở lại Syria cũng sẽ là một thách thức lớn vì có rất ít các chính phủ muốn chấp nhận sự hồi hương của họ, ông Saunders nói.
Nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm phân tích hải quân Michael Kofman cũng nêu ra một cái nhìn tổng quan về chiến dịch quân sự ở Syria. Từ quan điểm của Nga, ông nói, "Syria thực sự bị chia thành ba cuộc chiến." Đầu tiên là "chiến dịch Reconquista (tái chinh phục) của chế độ Assad", thứ hai là "xung đột tồn tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd" và thứ ba là "cuộc chiến mở giữa Israel và Iran". Theo Kofman, cuộc xung đột thứ hai là nguy hiểm nhất đối với Nga vì đó là "cuộc chiến của Trung Đông mà Nga không đến Syria vì điều đó". Đồng thời, một sự leo thang trong cuộc xung đột Iran - Israel cũng sẽ buộc Nga phải phá vỡ lời hứa với một hoặc cả hai bên, và gây nguy hiểm cho vị thế của nước này là thế lực duy nhất có được mối quan hệ tốt đẹp với Iran và Israel.
Lợi thế quân sự và thách thức còn lại
Ông Kofman cũng đã thảo luận về tác động của cuộc xung đột Syria đối với các chiến thuật quân sự và khả năng hoạt động của Nga. Ông đã mô tả Syria là "cuộc xung đột mang tính chuyển đổi chính hướng tới một nước Nga và quân đội Nga ngày nay." Ông lưu ý rằng, cuộc xung đột này "đang mang lại rất nhiều kinh nghiệm và sự cải tiến mới, và đối với quân đội Nga, đó là một cuộc chiến hạnh phúc" – nơi đã là sân khấu để các lực lượng Nga gặt hái kinh nghiệm chiến đấu hoạt động. Khoảng hai phần ba tài sản không quân chiến thuật của Nga đã từng được đưa đến Syria. Các sĩ quan, nhân viên, và binh lính Nga rời Syria đều đã đạt được những bài học quý giá về tác chiến hiện đại và phát triển những ý tưởng mới để thực hiện trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Kofman quan sát thấy rằng "chiến thuật quân sự được phát triển bởi những tiến bộ công nghệ và tình hình tương lai", và sự đổi mới về chiến thuật của Nga rất hạn chế trước khi Moscow can thiệp vào Syria. Ông đã so sánh hiệu suất của máy bay chiến đấu Nga ở Syria với cuộc xung đột Nga-Georgia năm 2008 như là một sự "thay đổi giữa đêm và ngày".
Kofman nói, "đây là một trong nhiều lý do tại sao quân đội Nga thực sự thích Syria và muốn ở lại Syria. Họ không thể có được một trận đấu về mặt công nghệ chống lại công nghệ Hoa Kỳ theo cách thực tế như vậy ở bất cứ nơi nào khác".
Còn Đại tá về hưu Robert Hamilton thì đưa ra nhận định về những thách thức sắp tới của Nga tại Syria. Theo ông, thách thức chính đối với Nga ở Syria, đó là "làm thế nào để chuyển dịch sự hủy diệt quân sự đối thủ thành thắng lợi trong các mục tiêu chính trị - điều tạo nên giá trị của cuộc chiến từ thời điểm đầu tiên?" Trước đó, kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan đã không cho thấy đường thẳng giữa thành công quân sự và kết quả chính trị mong muốn của các bên tham chiến.