(Tổ Quốc) - BBC đăng tải, quân đội của hai quốc gia đông dân nhất thế giới đang đối đầu tại Himalayas và có khả năng leo thang xung đột khi hai bên kiên quyết đạt được các mục tiêu chiến lược của mình.
Theo truyền thông Ấn Độ, hàng nghìn binh lính Trung Quốc đã tiến vào thung lũng Galwan tại Ladakh thuộc khu vực tranh chấp Kashmir.
Giới lãnh đạo và các chiến lược gia quân sự Ấn Độ dường như đã bị bất ngờ.
Đầu tháng 5, binh lính Trung Quốc được cho là đã dựng lều, đào hào và chuyển các thiết bị hạng nặng vào sâu vài km trong khu vực mà Ấn Độ vẫn tuyên bố là lãnh thổ của mình. Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ cho xây một con đường dài hàng trăm km nối với một căn cứ không quân được tái vận hành vào năm 2008.
"Tình hình rất nghiêm trọng. Người Trung Quốc đã tiến vào lãnh thổ được họ công nhận là thuộc về Ấn Độ. Điều đó hoàn toàn làm thay đổi tình trạng hiện tại", chuyên gia quân sự người Ấn Ajai Shukla đánh giá.
Trong khi đó, Trung Quốc lại tuyên bố, chính Ấn Độ là bên đã thay đổi nguyên trạng.
Ấn Độ và Trung Quốc chia sẻ đường biên giới dài hơn 3.440km và có một số khu vực tranh chấp lãnh thổ. Đường Kiểm soát Thực tiễn (LAC) phân cách hai bên không được rõ ràng với nhiều sông, hồ và núi tuyết - đồng nghĩa với việc ranh giới rất dễ bị thay đổi. Mặc dù có đôi lúc quân đội hai bên mâu thuẫn với nhau trong quá trình tuần tra biên giới, nhưng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều khẳng định, trong 4 thập kỷ qua xung đột nổ súng không diễn ra.
Căng thẳng quân sự hiện tại không chỉ giới hạn ở Ladakh. Binh lính hai nước từng đụng độ ở Nathu La, thuộc biên giới giữa Trung Quốc và bang đông bắc Ấn Độ là Sikkim. Đầu tháng này, hai bên được cho là đã xảy ra xung đột.
Và còn phải nhắc tới tranh cãi xung quanh một bản đồ mới do Nepal đề ra, trong đó cáo buộc Ấn Độ xâm lấn lãnh thổ khi xây dựng một con đường kết nối với Trung Quốc.
Tại sao căng thẳng nổi lên?
Có một vài lý do – nhưng mâu thuẫn mục tiêu chiến lược nằm ở trọng tâm và hai nước liên tục đổ lỗi cho nhau.
"Con sông Galwan vốn hòa bình giờ trở thành một điểm nóng bởi vì nó là nơi mà đường LAC nằm gần nhất với con đường Ấn Độ mới xây dọc theo sông Shyok tới Daulet Beg Oldi (DBO) – khu vực xa xôi và dễ tổn thương nhất dọc theo LAC tại Ladakh", ông Shukla phân tích.
Quyết định mở rộng hạ tầng cơ sở của Ấn Độ dường như đã làm Bắc Kinh tức giận.
Tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu viết: "Khu vực thung lũng Galwan là lãnh thổ của Trung Quốc và tình hình kiểm soát biên giới địa phương rất rõ ràng".
"Theo quân đội Trung Quốc, Ấn Độ là bên đã tiến vào thung lũng Galwan. Vì vậy, Ấn Độ đang thay đổi nguyên trạng dọc theo LAC – và nó đã chọc giận Trung Quốc", Tiến sỹ Long Xingchun, chủ tịch Viện các vấn đề Thế giới Thành Đô chỉ ra.
Ý kiến trên nhận được sự đồng tình của ông Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson. Ông cho rằng, "động thái triển khai quân đội quy mô lớn là đòn phô diễn sức mạnh của Trung Quốc".
Con đường mới xây có thể gia tăng năng lực và tốc độ di chuyển người và khí tài của Delhi trong trường hợp xung đột xảy ra.
Năm vừa qua, trong các lĩnh vực chính sách khác, hai bên cũng có những khác biệt.
Tháng 8/2019, Ấn Độ gây tranh cãi khi quyết định chấm dứt tình trạng tự trị có giới hạn của Jammu và Kashmir, đồng thời vẽ lại bản đồ khu vực.
Khu vực Ladakh, bao gồm Aksai Chin được Ấn Độ tuyên bố là lãnh thổ của mình nhưng lại nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Một số nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đề cập tới việc lấy lại khu vực Kashmir đang thuộc quyền kiểm soát của Pakistan.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không hài lòng khi Ấn Độ cấm tất cả xuất khẩu dược phẩm và thiết bị y tế ngay khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Tình hình có thể nghiêm trọng tới mức nào?
Báo chí Ấn Độ đưa tin, quân đội hai nước đụng độ ít nhất 2 lần tại Ladakh. Giằng co diễn ra ở ít nhất 3 địa điểm: thung lũng Galwan, khu Hot Springs và hồ Pangong.
"Chúng tôi thường thấy quân đội hai bên vượt qua LAC và những dịp như vậy thường được giải quyết ở cấp độ quân đội địa phương. Tuy nhiên lần này có quy mô lớn nhất", cựu nhà ngoại giao Ấn Độ P Stobdan, một chuyên gia về quan hệ Ấn-Trung nhận xét. "Giằng co xuất hiện ở một số khu vực chiến lược quan trọng cho Ấn Độ, Nếu hồ Pangong bị mất, Ladakh không thể được bảo vệ. Nếu quân đội Trung Quốc được phép ổn định tại thung lũng chiến lược Shyok thì thung lũng Nubra và thậm chí là Siachen có thể bị vươn tới".
Trong tình huống giống như một thất bại của công tác tình báo, Ấn Độ có vẻ một lần nữa mất cảnh giác. Theo truyền thông nước này, binh lính Ấn Độ ít hơn và bị bao vây khi Trung Quốc di chuyển binh lực và thiết bị từ một cuộc tập trận tới khu vực biên giới.
Mọi việc làm dấy lên hồi chuông cảnh báo cho Delhi – và Ấn Độ không có nhiều lựa chọn. Họ có thể tìm cách thuyết phục Bắc Kinh rút quân thông qua đối thoại hoặc cố gắng sử dụng vũ lực để làm điều đó. Cả hai cách đều không dễ dàng.
"Trung Quốc có sức mạnh quân sự lớn thứ hai thế giới. Về kỹ thuật, Trung Quốc mạnh hơn so với Ấn Độ. Hạ tầng cơ sở bên phía kia rất tối tân. Về tài chính, Trung Quốc có thể chuyển hướng các nguồn lực để đạt được mục tiêu quân sự của mình trong khi nền kinh tế Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây và dịch bệnh COVID-19 khiến tình hình càng xấu đi", ông Ajai Shukla chỉ ra.