• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quan hệ Ấn Độ - Mỹ chuyển dịch

Thế giới 24/01/2015 06:25

(Toquoc)- Chuyến thăm tuần tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Ấn Độ chấm dứt chiến lược ngoại giao “không liên kết” của nước này.

(Toquoc)- Chuyến thăm tuần tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Ấn Độ chấm dứt chiến lược ngoại giao “không liên kết” của nước này.

Sau nhiều năm lạnh nhạt, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang được khôi phục. Tổng thống Obama sẽ có chuyến thăm đến Ấn Độ vào ngày 25/1 và trở thành khách mời chính tại lễ diễu hành nhân kỷ niệm Ngày Cộng hòa (26/1), ngày quốc khánh của nước này. Nhiều thỏa thuận quan trọng giữa hai nước đang hi vọng được kí kết trong chuyến thăm, điều sẽ giúp uy tín của Thủ tướng Narendra Modi, người đã định hướng lại chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong 8 tháng qua, gia tăng đáng kể.

Bước ra từ chủ trương “không liên kết”

Từ trước đến nay, Chính phủ nhiều khóa của Ấn Độ đều thực hiện chính sách ngoại giao cơ bản “không liên kết”, chiến lược được cho là có thể bảo đảm được lợi ích của Ấn Độ. Hai năm trước đây, một số nhà hoạch định chính sách ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ đã đưa ra một chiến lược mới với tựa đề “Không liên kết 2.0”, phản ánh một tư duy ngoại giao truyền thống.

Tuy nhiên, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Ấn Độ năm 2011, Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) đã phá vỡ nét truyền thống này và tạo ra sự bất đồng với các đảng chính trị cánh tả ở Ấn Độ, bao gồm cả Đảng Quốc đại- cầm quyền lâu năm nhất ở nước này.

Theo ông Modi, chủ trương không liên kết đã khiến các chính phủ trước của Ấn Độ bỏ qua nhiều lợi ích chung với các đối tác quan trọng như sự rời rạc trong quan hệ giữa Ấn Độ với Washington trong vài năm qua. Ông Modi đang tập trung vào khẳng định quan hệ đối tác của Ấn Độ với nhiều bên quan trọng.

Trong suốt gần 30 năm qua, chưa có một nhà lãnh đạo Ấn Độ nào tới thăm Australia. Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm cấp cao nhất tới Australia, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mối quan hệ song phương trong việc thúc đẩy một nền hòa bình và ổn định của khu vực. New Delhi cũng đang tăng cường quan hệ cởi mở với Israel qua cuộc gặp giữa ông Modi và người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu bên lề hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York (Mỹ) trong tháng 9/2014 cũng như nhiều chuyến thăm cấp cao khác trong vài tháng qua.



Tổng thống Obama  tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm tháng 9/2014

Hồi sinh quan hệ Ấn Độ- Mỹ

Trong chuyến thăm tới Washington tháng 9/2014 của ông Modi, tuyên bố chung Mỹ- Ấn Độ đã được kí kết, tái khẳng định mối quan tâm chung trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định - những yếu tố quan trọng để duy trì, phát triển sự thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm việc duy trì ổn định trên Biển Đông, bất chấp động thái phản đối từ phía Trung Quốc.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 ở Myanmar, chính quyền của ông Modi cũng đã kí kết thỏa thuận với Mỹ, được gọi là “Điều khoản hòa bình” để bảo vệ sự thu mua hàng hóa và chương trình trợ cấp của Ấn Độ. Mỹ sẽ ủng hộ hoạt động thương mại thuận lợi cũng như quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế của Ấn Độ.

Theo đó, lời mời ông Obama tới lễ kỷ niệm Ngày Cộng hoà năm nay của Ấn Độ là một biểu tượng chính trị. Ấn Độ, theo truyền thống, mời các vị khách đến dự ngày Cộng hòa, những người nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước và đến từ các nước Ấn Độ quan hệ chiến lược chặt chẽ. Năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản là người được mời, nhấn mạnh sự chuyển đổi chiến lược trong quan hệ New Delhi-Tokyo.

Đây là lần đầu tiên một người đứng đầu nhà nước của Mỹ được trao vinh dự này của Ấn Độ và phản ánh mức độ nồng ấm Delhi trong quan hệ với Washington.

Nội dung hợp tác chính

Các cuộc đối thoại song phương bên lề lễ kỉ niệm ngày Cộng hòa được cho là sẽ tập trung vào hoạt động quốc phòng, năng lượng và chống khủng bố. Đây là những nội dung nhạy cảm của hầu hết các chính phủ, và chiều sâu của các cuộc thảo luận sẽ phản ánh sự gần gũi trong quan hệ giữa hai nước.

Năm 2014, hai nhà lãnh đạo đã làm mới Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn Độ được ký năm 2005, mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác quốc phòng song phương mở rộng phạm vi của quan hệ quốc phòng bằng những tuyên bố quan hệ đối tác trên các lĩnh vực bao gồm "chuyển giao công nghệ, thương mại, nghiên cứu, hợp tác sản xuất hợp tác phát triển chung.”

Chuyến thăm tháng 9/2014 của ông Modi cũng đã tạo đà mới cho sáng kiến công nghệ và thương mại quốc phòng Ấn Độ-Mỹ, ban đầu được đưa ra năm 2012, thúc đẩy hợp tác công nghệ hợp tác phát triển các hệ thống phòng thủ quan trọng, từ các tên lửa chống tăng đến triển khai các hệ thống hoạt động của tàu sân bay. Ấn Độ cũng có thể tiếp nhận một số công nghệ và hệ thống vũ khí từ Mỹ, trong khi nước này đặc biệt quan tâm đến máy bay không người lái và công nghệ tàu sân bay để có thể tăng cường khả năng triển khai sức mạnh không quân và hải quân.

Hợp tác an ninh khu vực giữa Washington New Delhi cũng có khả năng được mở rộng. Chính phủ Modi ủng hộ sự tham gia của Ấn Độ trong các chiến dịch chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Và nếu ông Modi có những bước đi thực tế và mạnh dạn, sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong “thế giới quan” của New Delhi. Trước đó, Ấn Độ không tham gia vào chiến dịch không kích chống IS của Mỹ và đồng minh tại Iraq và Syria.

Trong lĩnh vực năng lượng, hai chính phủ đang xem xét cải thiện việc cung cấp nhiên liệu hóa thạch và ngăn chặn ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu.

Ông Modi và ông Obama là các nhà lãnh đạo đề cao tầm quan trọng của quá trình nóng lên toàn cầu. Mỹ, vì thế là một người ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Ấn Độ với các kế hoạch về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2014 giữa hai nước cũng đã đề cập đến các nguồn năng lượng xanh.

Ông Obama cũng muốn ông Modi đưa ra các cam kết ràng buộc về lượng khí thải carbon của Ấn Độ. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy Ấn Độ thay đổi chính sách bảo hộ hạt nhân và những khuôn khổ trách nhiệm mà chính phủ Ấn Độ đặt ra để đối phó với tai nạn hạt nhân, điều giúp Mỹ và các nước khác thực hiện các giao dịch về lò phản ứng hạt nhân dân sự cho nước này.

Bên cạnh đó, chống khủng bố là một nội dung quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương.  Ấn Độ có sự cảnh giác với mức độ hợp tác tình báo giữa Mỹ với đối thủ trong khu vực của Ấn Độ Pakistan. Khi cơ quan tình báo Ấn Độ Hoa Kỳ hợp tác chung, cái bóng từ Pakistan sẽ ít ảnh hưởng hơn đến mối quan hệ giữa 2 nước. Ấn Độ cũng đang nhận thức rõ ràng một lỗ hổng an ninh của nước này về an ninh mạng và hiểu được sự cần thiết phải có sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ và Mỹ cũng nhìn thấy sự gia tăng thương mại song phương gấp 5 lần từ năm 2001 đến năm 2014. Tiếp tục những cam kết kinh tế đạt được từ tháng 9/2014, Hiệp ước đầu tư song phương Mỹ- Ấn Độ có thể là bước tiếp theo mà hai bên đang xúc tiến để hoàn thành.

Tuy vẫn còn nhiều bất đồng về chính sách đối với Afghanistan Pakistan, nhưng giữa Ấn Độ và Mỹ ngày càng có nhiều điểm tương đồng trong quan điểm đối với Đông Nam Á và Trung Quốc.

Trong hai năm cuối của nhiệm kì, Tổng thống Obama có thể bắt đầu tạo dựng một trong những di sản đối ngoại của mình bằng bằng việc đặt Ấn Độ như một ưu tiên hợp tác, cũng như góp phần khẳng định mối quan hệ Mỹ - Ấn sẽ là “một trong những quan hệ đối tác xác định của thế kỷ 21”.

An Hoa

NỔI BẬT TRANG CHỦ