• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quan hệ Myanmar- Trung Quốc sau bất ổn vùng biên giới

Thế giới 26/04/2015 07:07

(Toquoc)- Hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng xung đột ở biên giới tiềm ẩn ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ song phương.

(Toquoc)- Hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng xung đột ở biên giới tiềm ẩn ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ song phương.

Bạo lực bùng phát

Xung đột ở Kokang, khu vực biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc nổ ra vào ngày 9/2, sau khi Peng Jiasheng, nhà lãnh đạo của quân đồng minh dân tộc dân chủ Kokang (MNDAA) trở về và tìm cách giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ ở khu tự trị Kokang và sự công nhận của chính phủ Myanmar. Các cuộc xung đột leo thang một cách nhanh chóng thành một cuộc chiến khốc liệt giữa MNDAA và Tatmadaw (quân đội Myanmar) để kiểm soát Laukkai, thủ phủ của khu tự trị Kokang.

Ngày 15/4 vừa qua, một chiến dịch quân sự của Tatmadaw giành lại một cứ điểm quan trọng từ tay MNDAA kéo dài 10 ngày mới kết thúc, theo báo "The Mirror".Thông cáo của quân đội cho biết, 16 quân nhân “đã hy sinh tính mạng vì đất nước và 110 người lính cùng sĩ quan bị thương” và hai người trong phe nổi dậy bỏ mạng.

Xung đột tại bang Shan, miền Bắc Myanmar và sát với biên giới Trung Quốc cũng đã bùng phát trở lại từ tháng 2/2015. Ngày 31/3 tại Yangon, chính phủ Myanmar và 16 nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số nước này đã ký sơ bộ dự thảo Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA), nhưng lực lượng của người Kokang không nằm trong danh sách này.



Hơn 30.000 người Myanmar tị nạn đã chạy trốn sang tỉnh Vân Nam,  tạo ra khủng hoảng về vấn đề nhân đạo và bất ổn an ninh cho Trung Quốc

Dấy lên căng thẳng

Nhiều quan chức ở Naypyitaw đã nghi ngờ Trung Quốc có sự hỗ trợ cho các nhóm vũ trang dọc theo biên giới của nó, bao gồm Kokang và Quân đội Độc lập Kachin (KIA). Myanmar cũng cáo buộc Bắc Kinh đã tiếp tay cho chỉ huy quân đồng minh dân tộc dân chủ Kokang (MNDAA) cũng như trong lực lượng vũ trang Myanmar có các cựu binh Trung Quốc được tuyển dụng thành lính đánh thuê. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.

Kokang, không giống như các nhóm vũ trang khác vùng biên giới, là người dân tộc Hán, nói tiếng Trung Quốc và có những mối liên hệ cá nhân lẫn thương mại rất mật thiết với người Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam. Myanmar cho rằng phiến quân Kokang có thể đã tìm thấy nơi trú ẩn ở Trung Quốc và hiện tại quay lại để gây bất ổn khu vực.

Tổng thống Thein Sein, trong buổi ban hành thiết quân luật có hiệu lực 90 ngày tại Kokang, cũng tuyên bố "không để mất một tấc lãnh thổ Myanmar," nếu như các trận chiến ở Kokang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của đất nước.

Về phía Trung Quốc, từ khi xung đột nổ ra, hơn 30.000 người Myanmar tị nạn đã chạy trốn sang Vân Nam, Trung Quốc. Trong các cuộc xung đột nổ ra trước đó ở khu vực biên giới, năm 2009, 2012, 2013,  Trung Quốc đã bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp về vấn đề nhân đạo. Lần này, Trung Quốc đã nhanh chóng hành động, thiết lập các trại tị nạn và điều một loạt máy bay chiến đấu đến vùng biên giới, củng cố sự hiện diện của quân đội nước này dọc theo biên giới. Điều này báo hiệu rằng Bắc Kinh coi vấn đề này thực sự nghiêm trọng.

Đồng thời, sự thù địch gia tăng giữa phiến quân và Tatmadaw có thể thổi bùng chủ nghĩa dân tộc Hán ở Trung Quốc. Theo kết quả tạm thời của các điều tra dân số năm 2014, vùng Kokang có dân số khoảng 95,000 người chủ yếu là dân tộc Hán. Và đặc biệt khi Peng Jiasheng tăng cường kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân Trung Quốc cho “những người anh em”.

Đầu tháng 3, máy bay của quân đội Myanmar đã thả bom xuống khu vực Lâm Thương, tỉnh Vân Nam làm chết 4 nông dân và bị thương 9 người khác. Ngày 15/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra một lời khiển trách gay gắt quân đội Myanmar về vụ đánh bom này. Cùng ngày, Tân Hoa Xã cũng dẫn lời Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long trực tiếp điện đàm với Tổng tham mưu trưởng quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing nói rằng quân đội Myanmar nên “kiểm soát nghiêm ngặt” binh lính của mình và ngăn chặn không để bất cứ vụ nào tương tự xảy ra. Nếu không, Trung Quốc sẽ “phản ứng mạnh”.

Trung Quốc: Cân bằng nguyên tắc không can thiệp và lợi ích cốt lõi

Trong khi xung đột vũ trang thực tế giữa Myanmar và quân đội Trung Quốc là không thể xảy ra, sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước, trước đây là đối tác gần gũi, đã được mở rộng sau tiến trình dân chủ, mở cửa của Myanmar từ năm 2011.

Việc mở cửa Myanmar, (dù vì lí do kinh tế hơn về chính trị) được xem để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Một trong những quyết định đầu tiên của Tổng thống Thein Sein sau khi được bổ nhiệm là đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone khổng lồ, một dự án thủy điện do Trung Quốc tài trợ trên sông Irrawaddy ở miền bắc bang Kachin do những quan ngại về môi trường và tác động xã hội.

Tuy nhiên, Myanmar vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy ảnh hưởng và lợi ích của Trung Quốc. Nước này đã đầu tư mạnh mẽ vào các đường ống dẫn dầu và khí đốt ở Myanmar, như một tuyến đường năng lượng thay thế, giúp giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào vận chuyển năng lượng qua eo biển Malacca. Việc chính thức khai trương tuyến đường ống dẫn dầu thô từ cảng nước sâu Maday ở Kyaukphyu của Myanmar tới điểm đến cuối cùng là thành phố Côn Minh, Trung Quốc ngày 30/1 vừa qua là một bước tiến của chiến lược này.

Với việc xây dựng các cảng tại Khu kinh tế đặc biệt Kyaukphyu (SEZ), tuyến đường sắt Vân Nam - bang Rakhine, Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng tại Myanmar để phục vụ cho an ninh năng lượng của mình. Myanmar cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến lược “Nhất đới nhất lộ” của Trung Quốc và là một đối tác quan trọng trong sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” được xúc tiến bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một cách chiến lược, trong bối cảnh Mỹ, Nhật và Ấn Độ đang tăng cường quan hệ với Myanmar thì Trung Quốc cần thiết duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Myanmar.  “Myanmar là công cụ giảm sốc chiến lược và hàng rào an ninh của Trung Quốc…. Bắc Kinh cần duy trì mối quan hệ song phương ổn định và tốt đẹp với Myanmar” - Đới Vĩnh Hồng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Myanmar của Đại học Tứ Xuyên cho biết.

 Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Myanmar sẽ là chiến lược chủ đạo của Bắc Kinh, tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi giữa các nhóm vũ trang thiểu số Myanmar và khu vực Vân Nam có thể tạo ra một sự rạn nứt trong mối quan hệ song phương. Để tránh điều đó, Trung Quốc theo dõi sát sao tình hình chính trị của Myanmar và tìm chiến lược mới để thực hiện nguyên tắc không can thiệp (vào công việc nội bộ của quốc gia khác) và yêu cầu bức thiết giải quyết các vấn đề đang nổi lên dọc theo biên giới, đe dọa ổn định và lợi ích cốt lõi của nước này.

An Bình (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ