(Toquoc)-Châu Phi trở thành thị trường buôn bán và đầu tư qua trọng hàng đầu của Trung Quốc phục vụ tái cơ cấu kinh tế
(Toquoc)-Châu Phi trở thành thị trường buôn bán và đầu tư qua trọng hàng đầu của Trung Quốc phục vụ tái cơ cấu kinh tế trong nước.
Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra là năm châu Phi với phương châm 4 chữ “Chân, thực, thân, thành”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) tổ chức tại Nam Phi kết thúc ngày 5/12, hai bên xác định năm trụ cột và 10 kế hoạch hợp tác lớn để thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung Quốc - châu Phi. Trung Quốc cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện chính sách đối với châu Phi. Lần công bố đầu tiên là vào năm 2006 sau khi tổ chức Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi lần thứ nhất tại Bắc Kinh.
Văn kiện lần này đề ra 7 phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác toàn diện: (i) Tăng cường tin cậy chính trị, duy trì giao lưu cấp cao mật thiết, tăng cường giao lưu về kinh nghiệm điều hành đất nước, hoàn thiện cơ chế tham vấn và hợp tác. Chính đảng, quân đội, chính quyền địa phương tăng cường giao lưu; (ii) Làm sâu sắc hợp tác trong các vấn đề quốc tế, tăng cường phối hợp trong các cơ chế quốc tế và các vấn đề quốc tế; (iii) Đi sâu hợp tác kinh tế thương mại, hỗ trợ thúc đẩy châu Phi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường hợp tác tài chính tiền tệ, thúc đẩy tiện lợi hóa thương mại và đầu tư, đi sâu hợp tác về năng lượng và nguyên liệu, mở rộng hợp tác kinh tế biển; (iv) Tăng cường hợp tác phát triển, tiếp tục tăng cường viện trợ phát triển: (v) Đi sâu mở rộng giao lưu và hợp tác về văn hóa, thể thao, du lịch, phát thanh truyền hình, giao lưu học thuật và think tank; (vi) Thúc đẩy hòa bình và an ninh châu Phi, làm sâu sắc hợp tác quân sự, ủng hộ châu Phi ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống; (vii) Tăng cường giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực lãnh sự, di dân, tư pháp, chấp pháp...
Hai bên thông qua các cơ chế đối thoại bình đẳng như hội nghị cấp bộ trưởng, tham vấn chính trị cấp Ngoại trưởng, cũng như liên hệ với ngoại giao đoàn châu Phi tại Trung Quốc.
Công nhân Trung Quốc sang thi công các công trình cơ sở hạ tầng tại các nước châu Phi. Xuất khẩu lao động là một chủ trương không tách rời của các thỏa thuận mà Trung Quốc ký với châu Phi. Một số nước châu Âu và châu Á không thỏa thuận điều này
Trung Quốc “xoay trục” sang châu Phi
Ông Tập Cận Bình đã thăm châu Phi và dự FOCAC từ ngày 1-5/12/2015. Cả ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo châu Phi đều nói về nhau như “những người bạn đáng tin cậy”. Ông Tập Cận Bình mô tả quan hệ của Trung Quốc với Nam Phi như “một người đồng chí và một người anh dem”.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi với khoảng 222 tỷ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ trao đổi trong năm 2014. Với mục tiêu trở thành đối tác chiến lược, Bắc Kinh cam kết sẽ tăng thêm đầu tư của nhà nước để giúp phát triển kinh tế ở châu lục này, phần lớn sẽ được dành cho lĩnh vực năng lượng và giao thông. Theo số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ, trong hơn một thập kỷ qua đã có 29,97 tỷ USD, chiếm 41% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi, được giành cho các dự án năng lượng.
Ước tính quy mô đầu tư của Trung Quốc lên tới 2.500 dự án ở 51 quốc gia thuộc châu Phi với tổng giá trị khoảng 94 tỷ USD.
Nhiều công ty của Trung Quốc đã giành được các hợp đồng béo bở trong lĩnh vực giao thông trị giá hơn 81,1 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua, chiếm 49% tổng giá trị hợp đồng xây dựng của Trung Quốc ở Lục địa Đen. Nam Phi là quốc gia châu Phi nhận được nhiều đầu tư của Trung Quốc nhất với 9,17 tỷ USD, Cộng hòa Dân chủ Congo đứng thứ hai. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển hơn như Nigeria và Algeria cũng đã ký kết nhiều hợp đồng xây dựng lớn với các công ty Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc có các dự án trị giá 24,65 tỷ USD ở Nigeria và 18,69 tỷ USD ở Algeria, trong khi giá trị các dự án trong lĩnh vực này ở Nam Phi chỉ ở mức 380 triệu USD.
Ngoài ra, các quốc gia ở châu Phi cũng đã được hưởng lợi lớn từ nguồn viện trợ nước ngoài của Trung Quốc trong những thập niên gần đây.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngày nay đang nỗ lực tìm kiếm những người bạn gần gũi hơn và những liên minh ngoại giao trên vũ đài thế giới nhằm thúc đẩy việc khẳng định là một cường quốc chính với mục tiêu thoát khỏi kinh tế đơn thuần và coi châu Phi là một nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô đáng tin cậy.
Để góp phần ổn định tình hình châu Phi, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã cam kết cử 8.000 binh sĩ tham gia Phái bộ giữ gìn hòa bình và tài trợ 1 tỷ USD để ủng hộ nhiệm vụ giữ gìn hòa bình ở châu Phi. Việc đóng góp vào lực lượng giữ gìn hòa bình ở châu Phi hay gây quỹ phát triển là những cách thức xây dựng chính sách ảnh hưởng và mở rộng sự thừa nhận là một cường quốc lớn mạnh.
Các hãng tin NHK (Nhật Bản), Tin tức Kinh tế (Đức) bình luận: Việc Trung Quốc đưa ra các sáng kiến mới tại Hội nghị, một mặt nhằm làm sâu sắc vai trò của Trung Quốc trong tiến trình phát triển của châu Phi, mặt khác giúp nâng cao vị trí, vai trò của châu Phi trong trật tự quốc tế. Cho dù có những chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi là một dạng “chủ nghĩa thực dân mới”, quan hệ giữa Trung Quốc với lục địa này cũng đã đạt đến điểm mạnh nhất. Ở thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, Trung Quốc đã thành cứu cánh của châu Phi và châu Phi trở thành thị trường quan trọng của nên kinh tế Trung Quốc đang được tái cơ cấu./.
Hoài Nam