• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quan hệ Việt - Đức đột phá ấn tượng: Mở đường gắn kết quân sự, an ninh

Thế giới 14/01/2022 16:30

(Tổ Quốc) - Theo tờ The Diplomat, sự đồng thuận về lợi ích ngày càng tăng đã thúc đẩy hai quốc gia mở rộng quan hệ đối tác chiến lược sang lĩnh vực hợp tác quốc phòng và an ninh.

Ngày 6/1, khinh hạm Bayern của Đức đã cập cảng TP.HCM, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Đức ghé cảng Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Việt Nam là một trong 10 điểm dừng mà tàu khu trục cỡ nhỏ này đến thăm trong suốt 7 tháng triển khai ở Ấn Độ - Thái Bình Dương từ tháng 8 năm ngoái. Những nơi khác là Sừng châu Phi, Pakistan, Australia, Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka và Ấn Độ.

Một thông cáo báo chí do Đại sứ quán Đức tại Hà Nội công bố cho biết việc triển khai Bayern "nhấn mạnh yếu tố an ninh trong định hướng hành động tại Ấn Độ - Thái Bình Dương của nước này, được thông qua vào tháng 9 năm 2020. Thông cáo báo chí dẫn lời Đại sứ Đức nói rằng chuyến thăm của tàu khu trục nhỏ là một biểu hiện của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Đức.

Dấu ấn 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược

Năm 2011, Việt Nam và Đức đã nâng "mối quan hệ hữu nghị" lên thành quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Hà Nội. Tuyên bố này bao gồm một kế hoạch hành động chiến lược (SAP) nêu rõ năm lĩnh vực hợp tác được ưu tiên. Đó là hợp tác chiến lược về chính trị - ngoại giao; thương mại và đầu tư; hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường và hợp tác phát triển; và hợp tác xã hội, truyền thông, văn hóa, công nghệ, khoa học và giáo dục.

Quan hệ Việt - Đức đột phá ấn tượng: Mở đường gắn kết quân sự, an ninh - Ảnh 1.

Khinh hạm Bayern của Đức đã cập cảng TP.HCM ngày 6/1. Ảnh: VNA.

Để thúc đẩy hợp tác chiến lược, hai bên nhất trí thành lập Nhóm chỉ đạo chiến lược (SSG) do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Đức đồng làm Trưởng nhóm. Nhóm này dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp định kỳ để đánh giá việc thực hiện SAP trong khuôn khổ các cuộc tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là hợp tác quốc phòng và an ninh không phải là một ưu tiên mà được đề cập đến như một trọng tâm thứ yếu trong quan hệ đối tác chiến lược của hai nước.

Việc không chú tâm vào hợp tác quốc phòng và an ninh phản ánh các ưu tiên chiến lược của hai nước vào thời điểm đó. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều biến động.

Trung Quốc đang "trỗi dậy" với nhiều hành động cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, sự bành trướng quân sự, sức mạnh chính trị toàn cầu và tham vọng ngày càng rõ ràng nhằm tạo ra một trật tự thế giới mới theo các quy tắc riêng của họ. Sức mạnh của Trung Quốc đã trở thành một động lực đặc biệt để cả Việt Nam và Đức xem xét lại các chính sách quốc phòng và an ninh của họ đối với khu vực.

Các hướng dẫn chính sách của Đức đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã công nhận vai trò quan trọng của các tuyến vận tải qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và Biển Đông đối với hoạt động ngoại thương của thế giới và nền kinh tế của cả Liên minh Châu Âu (EU) và Đức. Mặc dù Đức không phải là một quốc gia trong khu vực, nhưng Đức có vai trò trong việc EU tham gia vào các động lực tăng trưởng của Châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, họ tự coi mình là một tác nhân và đối tác định hình trong khu vực, tìm cách duy trì các chuẩn mực toàn cầu và cấu trúc khu vực.

Hướng trọng tâm tới quốc phòng và an ninh

Theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, nhiệm vụ của khinh hạm Bayern là đóng góp một cách hữu hình vào việc bảo vệ và gìn giữ trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chuyến đi qua Biển Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS, quy định về tự do hàng hải và hàng không trong các vùng biển quốc tế, cũng như quyền đi lại qua các vùng nước ven biển. Đức luôn tán thành quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Sự đồng thuận về lợi ích này đã tạo ra động lực rõ ràng để Việt Nam và Đức mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh theo hướng thực chất hơn, mặc dù tiến độ trong lĩnh vực này còn chậm.

Năm 2003, Việt Nam bổ nhiệm Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Berlin, trong khi người đồng cấp Đức thường trú tại Bangkok. Năm sau, trong chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tới Đức, một biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa hai Bộ Quốc phòng, mở đường cho Việt Nam cử các quan chức quân sự sang Đức đào tạo. Kể từ đó, đội ngũ sĩ quan quân đội Việt Nam đã tham gia các khóa đào tạo hàng năm tại các căn cứ quân sự của Đức. Kể từ năm 2011, hợp tác quốc phòng Việt-Đức đã được mở rộng sang lĩnh vực quân y và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cũng như ghi nhận nhiều hơn các chuyến thăm của các quan chức quân sự cấp cao. Việt Nam đã cử hai thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Berlin vào các năm 2012 và 2019. Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã thăm Việt Nam. Đặc biệt, vào năm 2019, Đức bổ nhiệm tùy viên quốc phòng thường trú đầu tiên tại Hà Nội, động thái cho thấy phạm vi hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn nữa trong tương lai.

Cho đến nay, SSG Việt - Đức đã tổ chức sáu cuộc họp, mặc dù các nội dung liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh đã không được thảo luận chính thức cho đến cuộc họp thứ năm và thứ sáu của nhóm lần lượt vào các năm 2019 và 2021. SAP trong giai đoạn 2019-2022 cũng ghi nhận hợp tác quốc phòng và an ninh là một ưu tiên mới của hợp tác song phương.

Chuyến thăm của tàu Bayern đến Thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày đầu tiên của năm 2022 là một bước đi cụ thể báo hiệu mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân. Tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng sẽ là bước tiếp theo trong việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược hiện tại lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian 3 năm tới, khi hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trên nền tảng là Đức và Việt Nam đều là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong EU và ASEAN.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ