(Tổ Quốc) - EU đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển quốc phòng nhằm đưa châu Âu trở thành siêu cường quân sự toàn cầu.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/6 đã công bố một kế hoạch chưa từng có về ngân sách quốc phòng chung cho khối để giúp châu Âu đứng vững như một sức mạnh quân sự trên toàn cầu.
Brussels đã đề xuất 5,5 tỷ euro cho ngân sách 1 năm của EU nhằm tạo động lực mới cho hợp tác quốc phòng sau khi cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 đã làm rung chuyển châu Âu. Động thái này theo sau nỗ lực đi đầu của Pháp và Đức tập trung vào việc nâng cao sức mạnh an ninh và quốc phòng của khối.
Châu Âu đang gia tăng sức mạnh quốc phòng trong bối cảnh cam kết an ninh từ Mỹ đang cho thấy nhiều tín hiệu chưa rõ. (Nguồn:AP) |
Chia sẻ với Sputnik Radio về vấn đề này, Federico Petroni, biên tập viên tại Tạp chí Limes và đồng sáng lập trang web iMerica cho biết, “những động lực chính cho điều này là khá rõ ràng: Brexit và sự giảm sút sức mạnh của Anh trong an ninh châu Âu, chính sách mới của ông Trump và sự quyết đoán của Nga ở Đông Âu” .
Một động cơ chính cho việc mạnh mẽ thúc đẩy ý tưởng trên đến từ chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và những chính sách mới của ông hiện nay – luôn thúc giục các đối tác châu Âu tăng cường chi tiêu quân sự trong khi đang đẩy mạnh chiến lược “Nước Mỹ là trên hết”.
AFP cũng cho biết, yếu tố gia tăng thêm vào sự phức tạp hiện nay là một nước Nga quyết đoán hơn và một loạt các cuộc tấn công đẫm máu do nhóm Nhà nước Hồi giáo IS thực hiện tại Pháp, Bỉ và Anh.
Nỗ lực quân sự đáng gờm của EU
Ngân quỹ mới của EU sẽ bao gồm hai nội dung. Phần một là tài trợ cho các quốc gia thành viên về nghiên cứu quốc phòng trong các lĩnh vực như điện tử, mã hoá phần mềm, robot và máy bay không người lái.
Một dự thảo được công bố vào cuối năm 2016 đã dự kiến một chương trình nghiên cứu với ngân sách hàng năm khoảng 500 triệu euro từ sau năm 2020.
Phần thứ hai của quỹ sẽ tập hợp các nguồn lực để mua sắm các vũ khí quân sự như xe tăng, máy bay trực thăng và máy bay không người lái. Hoạt động này sẽ nhận được ngân sách 5 tỷ euro mỗi năm – được cung cấp chỉ trong một lần – do có nhiều lo ngại các nước thành viên sẽ lãng phí từ 25-1—tỷ euro nếu ngân sách bị chia tách riêng lẻ.
Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini nói: "Đây không phải là việc thay thế lực lượng cho cả liên minh hay Mỹ, mà vấn đề là tập trung vào những gì chúng ta có thể làm được cho các mục tiêu của chính chúng ta, vì lợi ích riêng của chúng ta. "
Kế hoạch quân sự của EU sẽ là một phần quan trọng trong động thái này, bà Mogherini nói, mặc dù nhấn mạnh rằng lực lượng này sẽ không chồng chéo lên liên minh quân sự của NATO.
Bà Federica Mogherini cũng cho biết EU vẫn sẽ tiếp tục "khuyến khích người bạn Mỹ của chúng tôi hiện diện tại trường quốc tế - tôi biết rằng điều này có vẻ lạ lùng khi thấy Brussels gửi lời này đến Washington nhưng đó là thực tế hiện tại".
Câu hỏi đồng thuận và phản đối
Những câu hỏi lớn vẫn đang đặt ra là ngân sách của EU sẽ chi như thế nào cho các kế hoạch quốc phòng mới. Khối này sẽ sớm phải đối mặt với một lỗ hổng ước tính khoảng 10 tỷ euro với sự ra đi của người đóng góp lớn là Anh, trong khi đó, cũng cần phải đáp ứng yêu cầu của ông Trump rằng tất cả các quốc gia NATO cần thực hiện cam kết chi tiêu 2% GDP vào quốc phòng.
Bình luận về việc ai sẽ chấp nhận và ai sẽ phản đối kế hoạch trên, Federico Petroni cho rằng động thái này sẽ nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng chủ yếu, như Đức, Pháp và Italy.
Động thái này cũng sẽ được chào đón nồng nhiệt bởi Tây Ban Nha và Hà Lan cũng như sự ủng hộ ở các quốc gia thường liên minh với Berlin, như Phần Lan. Các nước này cũng đang dẫn đầu một số vị trí phòng thủ quan trọng bên trong EU, chẳng hạn như các cấu trúc chiến tranh lai ghép.
Về phía phản đối, nước Anh vẫn là một nhân tố chính, ông Petroni cho biết.
London theo lịch sử lo ngại rằng sự hợp tác quá chặt chẽ ở châu Âu về các vấn đề quân sự sẽ làm giảm vai trò trung tâm của NATO – liên minh do Mỹ dẫn đầu đối với an ninh của châu Âu.
Các nước thành viên EU hồi tháng trước đã nhất trí thành lập một bộ chỉ huy quân sự cho các nhiệm vụ đào tạo, tuy nhiên, sự phản đối của Anh buộc họ phải dừng việc tạo ra một trụ sở chính đầy đủ chức năng. Brussels đã nhiều lần phủ nhận rằng họ đang tạo ra một "quân đội EU".
Tuy nhiên, Pháp và Đức, các cường quốc của EU, đã yêu cầu châu Âu nắm bắt tiến trình Brexit như là một cơ hội để thúc đẩy hợp tác quốc phòng hơn nữa.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận thêm về các vấn đề quốc phòng tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 6 tới. Mặc dù kế hoạch tài trợ trên sẽ chỉ được thực hiện sau tiến trình Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn có quyền tham gia vào các cuộc thảo luận này.
(Theo AFP, Sputnik)