• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quân sự NATO đột phá mạnh sau Chiến tranh Lạnh

Thế giới 09/11/2017 21:02

(Tổ Quốc) - Quyết định lập thêm 2 bộ chỉ huy quân sự mới của NATO, là Bộ chỉ huy Đại Tây Dương và Bộ chỉ huy hậu cần mang ý nghĩa quan trọng.  

Các Bộ trưởng Quốc phòng khối NATO ngày 8/11 đã thông qua kế hoạch nhằm tăng cường khả năng trong việc theo dõi các tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương, nơi hệ thống thông tin liên lạc dưới đáy biển có nguy cơ bị ảnh hưởng. 

Các quan chức quốc phòng của khối cũng cam kết thiết lập một sở chỉ huy để giảm thiểu các rào cản – trước đó hạn chế việc quân đội NATO được triển khai nhanh chóng trên toàn châu Âu trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Họ cũng cho biết các vũ khí an ninh mạng hiện tại sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hoạch định chính sách của NATO so với súng và xe tăng.

Quyết định cụ thể về vấn đề trên, được 29 quốc gia thành viên NATO ủng hộ rộng rãi, sẽ thành lập hai bộ chỉ huy khu vực mới – là bộ chỉ huy Đại Tây Dương và bộ chỉ huy hậu cần, nâng số lượng bộ chỉ huy NATO hiện tại lên 9.

Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO trong cuộc họp ngày 8/11. (Nguồn: Lecocq/Epa-Efe/Rex/Shutterstock)

Chưa có quyết định về số lượng nhân viên hoặc nơi đặt trụ sở các bộ chỉ huy mới, mặc dù Đức và Ba Lan thường là nơi được lựa chọn cho các bộ tư lệnh hậu cần và Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ và Pháp là nơi “ưa chuộng” cho các căn cứ tập trung vào đại dương.

Cải tổ cơ chế hoạt động NATO

"Quyết định này sẽ đảm bảo rằng NATO tiếp tục thích ứng với thế kỷ 21 để chúng ta có thể bảo vệ an toàn cho người dân trong một thế giới đầy thách thức hơn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu ngày 8/11 tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng..

Những nỗ lực này là nhằm cải tổ cấu trúc hoạt động trong chiến tranh của NATO- đã bị suy yếu trong thời bình thời sau Chiến tranh Lạnh. NATO đã từng là một tổ chức lớn với 22.000 lính và 33 bộ chỉ huy. Sau khi cắt giảm nhiều trong thập kỷ này, NATO thu hẹp xuống còn 7.000 binh sĩ và bảy bộ chỉ huy.

Nhiều lỗ hổng đã xuất hiện trong lá chắn quốc phòng của NATO khi liên minh này “chuyển mình” trong những năm sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991. Cho đến khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, NATO đã trở thành một liên minh chỉ tập trung vào việc triển khai và hoạt động hạn chế ở xa lãnh thổ của họ.

Hiện tại, trong khi cuộc xung đột ở phía Ukraine vẫn đang diễn ra, các nhà lãnh đạo NATO đã quay lại với việc lên kế hoạch cho kịch bản chiến tranh trong khu vực.

Các chỉ huy NATO đang lo ngại về khả năng của Nga trong việc triển khai quân đội nhanh chóng tại khắp lãnh thổ đất nước - điều khiến lực lượng Nga có một lợi thế đáng kể. Các xe tăng của Mỹ đã phải chờ đợi nhiều giờ trong suốt mùa hè qua để khu vực biên giới được bố trí đủ thông thoáng cho họ tới tham gia tập trận quân sự. Ở một số quốc gia NATO, yêu cầu di chuyển quân đội và thiết bị cần phải được nộp trước 30 ngày.

"Chúng tôi đang tập trung nhiều hơn vào việc vận chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng trên khắp châu Âu. Sau Chiến tranh Lạnh, chúng tôi đã không chú ý nhiều đến điều đó," ông Stoltenberg nói.

Tăng cường sức mạnh phòng thủ an ninh mạng

Các quốc gia NATO dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra xung đột khu vực nói rằng động thái này sẽ giúp cải thiện hệ thống phòng thủ của họ. Khối NATO đã triển khai khoảng 4.000 quân trong năm nay tới ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania, cùng với Ba Lan, tất cả đều có đường biên giới với Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Raimondas Karoblis nói rằng, bất cứ sự trì hoãn nào trong việc tăng cường triển khai quân đội và vũ khí ở châu Âu "có nghĩa là nhiều thương vong, thêm rủi ro và tổn thất" trong trường hợp có chiến tranh.

"Thời gian là rất quan trọng ở đây," ông nói thêm rằng tốc độ mà NATO có thể phản ứng trước bất kỳ cuộc xung đột nào có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc bảo vệ biên giới và việc phải giành lại những khu vực đã bị mất.

Bên cạnh đó, quyết định thiết lập một trung tâm hoạt động về an ninh mạng cũng sẽ mở rộng khả năng hành động của NATO trước nhiều mối nguy hiểm từ các lực lượng vũ trang Taliban ở Afghanistan và nhóm Nhà nước Hồi giáo IS.

Điển hình, các chỉ huy quân sự của NATO có thể sử dụng một vũ khí mạng để vô hiệu hóa một trang web Taliban.

"Bây giờ chúng ta có thể củng cố các nhiệm vụ và hoạt động của NATO cùng với năng lực về không gian mạng", ông Stoltenberg nói. "Chúng tôi biết rằng không gian mạng sẽ là một phần quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự tiềm ẩn nào."

Trong ngày 9/11, các bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến sẽ thảo luận về các hoạt động của Hoa Kỳ và NATO ở Afghanistan và nỗ lực đối phó với IS ở Iraq và Syria. Các cam kết của quân đội đối với hoạt động chiến dịch của NATO tại Afghanistan dự kiến sẽ bao gồm việc tăng quân số thêm khoảng 3.000 người, trong đó, một nửa số binh lính đến từ Hoa Kỳ và một nửa đến từ các quốc gia và đối tác khác của NATO.

(Theo Washington Post)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ