(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với một nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu để phát triển một vũ khí mới có khả năng ngăn chặn các tên lửa siêu thanh.
Đây cũng là loại vũ khí mới mà Moscow cũng vừa bổ sung vào kho vũ khí đang phát triển của mình.
Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA) đã trao cho công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Northrop Grumman một hợp đồng trị giá 13 triệu USD vào thứ ba để phát triển chương trình vũ khí Glide Breaker.
Mỹ tăng tốc vũ khí siêu thanh
Chương trình này được DARPA mô tả là đã được khởi động từ năm 2018 "để phát triển và vận dụng các công nghệ cho phép phòng thủ chống lại các hệ thống siêu thanh". Lầu Năm Góc cũng cho biết hợp đồng mới sẽ cấp nguồn đầu tư để phát triển những khả năng như vậy.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hợp đồng này là để nghiên cứu, phát triển và vận dụng một công nghệ rất quan trọng nhằm kích hoạt năng lực của một thiết bị đánh chặn tiên tiến trong việc đối phó với các mối đe dọa siêu thanh trong bầu khí quyển phía trên.
Hoa Kỳ đã chạy đua để phát triển cả năng lực tấn công và phòng thủ siêu thanh trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đã triển khai các tên lửa mà họ tự hào có thể di chuyển nhanh hơn năm lần tốc độ âm thanh. Bên cạnh đó đó, các hệ thống phòng thủ của Moscow được cho là cũng đã đạt được tốc độ siêu thanh mới.
Valery Slugin, nhà thiết kế chính các hệ thống phòng không thuộc bộ phận chế tạo vũ khí của tập đoàn Rostec, đã nói với hãng thông tấn chính thức của Nga TASS hôm thứ Tư rằng hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir – S của họ đã nhận được một bản nâng cấp siêu thanh mới.
"Có hai loại tên lửa đối phó được với toàn bộ phạm vi mục tiêu. Một là hệ thống tiêu chuẩn trong khi loại kia được phát triển gần đây và có tính chất siêu thanh: nó có thể tiếp tục phát triển ở tốc độ Mach 5 và hơn nữa", ông Slugin nói. "Bên cạnh đó, không cần phải nạp một lượng lớn chất nổ vào đầu đạn của tên lửa để phát tán các mảnh vỡ tên lửa: tốc độ va chạm càng cao, hiệu quả của các mảnh vỡ tên lửa càng lớn."
Nga, Trung "đi trước" vũ khí siêu thanh
Hệ thống tên lửa tầm trung Pantsir cơ động, được quân đội phương Tây NATO do Mỹ dẫn đầu gọi là "SA-22 Greyhound", được thiết kế để tiêu diệt cả tên lửa và máy bay. Nền tảng này đã được triển khai trong và ngoài nước, bao gồm cả các khu vực chiến sự như Syria, nơi Slugin nói rằng loại vũ khí này "tỏ ra hiệu quả" khi nhắm tới các mục tiêu cực đoan đang di chuyển.
Slugin cho biết, ngoài việc đối phó với một loạt các hệ thống tên lửa và súng cối, Pantsir còn có thể được sử dụng để phòng thủ chống lại cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cũng như vũ khí siêu thanh. Ông nói rằng Pantsir cũng có khả năng chống tàu và đôi khi có thể được trang bị tên lửa nhỏ hơn để đối phó với máy bay không người lái mini.
Nga đã triển khai hai loại vũ khí siêu thanh: tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal phóng từ trên không và tổ hợp Avangard, loại khí tài được cho là có khả năng di chuyển khắp thế giới với tốc độ cao gấp 27 lần âm thanh. Ít nhất một loại nữa, tên lửa hành trình phóng từ biển 3M22 Tsirkon, hiện đang được phát triển. Tất cả ba hệ thống này đều có thể được trang bị vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến các vũ khí này trong các bài phát biểu liên bang kể từ năm 2017, cho rằng chúng được phát triển để đáp trả việc Mỹ hướng tới rời khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí và phát triển lá chắn tên lửa toàn cầu. Trong bài phát biểu liên bang hai tuần trước, ông gọi tiến trình này của quân đội Nga là mang tính lịch sử.
"Lần đầu tiên trong lịch sử vũ khí tên lửa hạt nhân, kể cả thời Liên Xô và thời hiện đại, chúng tôi không phải đuổi theo bất kỳ ai, mà ngược lại, các quốc gia hàng đầu khác vẫn chưa tạo ra vũ khí mà Nga đã sở hữu", ông Putin nói.
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố hồi đầu tháng này rằng "nhiều tên lửa siêu thanh" đang được phát triển tại Hoa Kỳ Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cũng nói với tờ Newsweek vào tháng 11 năm ngoái rằng quyết định của các đối thủ của Washington về vũ khí hóa công nghệ siêu thanh "đã tạo ra một sự bất đối xứng trong tác chiến mà chúng tôi phải giải quyết". Và, chưa đầy một tháng sau, Lầu Năm Góc đã trao cho Lockheed Martin một hợp đồng trị giá gần 1 tỷ USD để phát triển một tên lửa siêu thanh không đối đất, được gọi là Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183A.