(Tổ Quốc) - Mặc dù lực lượng chức năng huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình nỗ lực nhằm bảo vệ những khu rừng nguyên sinh, những khu rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng "lâm tặc" vẫn ngày đêm rình rập, lợi dụng sơ hở để vào rừng đốn hạ những cây gỗ quý, có giá trị…
- 13.10.2021 Bắt trạm phó trạm kiểm lâm “nhận hối lộ” để lâm tặc vào khu bảo tồn khai thác gỗ
- 03.06.2020 Phát hiện hàng loạt cây gỗ lớn nằm vô chủ ở nghĩa trang, nghi của lâm tặc tập kết đi tiêu thụ
- 28.08.2018 Khởi tố, bắt giam Hạt trưởng hạt kiểm lâm “sát cánh” cùng lâm tặc
- 08.10.2016 Bị bắt, lâm tặc huy động gần 20 người cướp xe chở gỗ lậu
Mới đây, ông Lê Văn Dạn (SN 1972) là trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 6 (Cầu Cạc) bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày do liên quan đến việc lâm tặc phá rừng trái pháp luật tại Tiểu khu 554, xã Trường Sơn, thuộc địa bàn Trạm bảo vệ rừng số 6 quản lý.
Theo quyết định, ông Dạn bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày, kể từ ngày 7/7. Trong thời hạn tạm đình chỉ công tác, ông Lê Văn Dạn có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ.
Theo đó, thời gian qua "lâm tặc đã đột nhập rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), chặt phá những cây gỗ lớn khiến quang cảnh rừng xanh bị tan hoang… ở khu vực rừng phòng hộ ở thượng nguồn suối Chà Rào, thuộc địa phận tiểu khu 554 do BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý.
Tại hiện trường, những gốc cây có đường kính khoảng 1m vừa nhìn thấy là những loại gỗ dầu rái, trám hồng, sú… nhiều cây rừng đã bị đốn hạ chỉ để lại phần gốc và những tấm bìa sau khi lâm tặc đã cưa xẻ thành phẩm sau đó tẩu tán khỏi địa bàn. Không dừng lại ở đó, theo những đường mòn trong khu vực này, hàng loạt cây gỗ táu bị đốn hạ với nhiều cây có đường kính gần cả mét bị quật xuống không thương tiếc khiến cho một góc rừng tan hoang, xơ xác.
Một số nguồn tin cho rằng, những "lâm tặc" đột nhập được vào rừng do chúng nắm rõ những khu vực có gỗ quý, gỗ cần khai thác theo nhu cầu sử dụng. Mặt khác "lâm tặc" đã nghiên cứu kỹ đường đi lối lại của lực lượng chức năng, chúng nằm trong rừng, chờ lúc hoàng hôn, ít người ra vào, lâm tặc tiến hành hạ cây gỗ lớn, sau đó gùi ra khỏi rừng theo lối mòn trên đá tai mèo.
Trả lời báo chí, đại diện lãnh đạo xã Trường Sơn cho hay: Lâm tặc phá gỗ rừng thuộc tiểu khu 554 với 5 tọa độ, phát hiện các cây gỗ táu, dạ ran, gỗ xoay bị đốn hạ, đa phần đã bị lâm tặc tẩu tán khỏi rừng.
Cụ thể tại tiểu khu 348, lâm tặc phá rừng lấy gỗ tại tọa độ X:544,671; Y:1,909,839, phát hiện có 1 cây gỗ chua bị lâm tặc cưa hạ, đường kính gốc 60 cm, đã bị cắt thành 4 khúc, lâm tặc lấy hết phần thân gỗ, còn lại bìa, cành ngọn. Tại tọa độ X:544.650; Y:1,909,876, phát hiện có 1 cây gỗ chua bị lâm tặc cưa hạ, đường kính gốc 60 cm, đã bị cắt 2 khúc, 1 khúc đã lấy hết gỗ, 1 khúc còn lại tại hiện trường và cành ngọn.
Trao đổi với PV báo Tổ Quốc, ông Nguyễn Thế Sơn, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh cho biết: Chúng tôi đã nhận được các báo cáo từ chủ rừng là BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh và đã tổ chức đoàn kiểm tra vào rừng để kiểm tra thực trạng vụ phá rừng này. Trước hết, đó là trách nhiệm của chủ rừng (BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh – PV) khi đã để xẩy ra tình trạng phá rừng này.
"Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có những đề xuất gửi cấp trên trong việc ngăn chặn "lâm tặc" đốn hạ gỗ rừng ở các tiểu khu 562; 383 và các tiểu khu lân cận có nguy cơ bị xâm hại, đây là những tiểu khu rừng giàu trên địa bàn"... ông Sơn chia sẻ
Rừng là tài nguyên quý giá giúp điều hòa không khí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước cho chúng ta, giúp ngăn chặn các hiện tượng thiên tai… Rừng có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống như vậy nên bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn hay những cánh rừng nguyên sinh đòi hỏi sự vào cuộc của toàn thể chính quyền các cấp và người dân cần ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ rừng, tránh sự xâm hại của "lâm tặc" đến những cánh rừng ở khu vực mình sinh sống.