(Tổ Quốc) - Đến thời điểm này (19h ngày 26/9) ảnh hưởng của bão NORU đã làm 1 ngư dân Quảng Bình mất tích khi đưa tàu cá của mình về nơi trú ẩn. Người dân và lực lượng chức năng ở các địa phương ven biển đã huy động lực lượng chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn tài sản và hạn chế tối đa những thiệt hại do bão NORU gây ra khi đổ bộ vào đất liền…
- 26.09.2022 Thừa Thiên Huế: Huy động lực lượng, sẵn sàng ứng phó với siêu bão Noru
- 26.09.2022 Khách sạn ven biển Đà Nẵng cấp tốc phòng chống bão Noru, đảm bảo an toàn cho du khách
- 26.09.2022 Bão Noru: Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu kiên quyết sơ tán, có phương án tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch
Theo đó, vào khoảng 10h ngày 26/9, Đồn Biên phòng Nhật Lệ nhận tin báo của anh Hồ Văn Hờn (SN 1982) trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch là chủ tàu kiêm thuyền trưởng của tàu cá QB 92005 về việc một thuyền viên trên tàu rơi xuống biển mất tích.
Tàu cá này xuất lạch cửa Nhật Lệ (TP Đồng Hới) vào khoảng 7h30 để tới Cảng Gianh (huyện Bố Trạch) neo đậu. Trên tàu cá có 6 thuyền viên. Đến 9h40, khi tàu cách cửa Nhật Lệ khoảng 2 hải lý thì thuyền viên N.Đ.N (SN 1972) trú thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch không may bị rơi xuống biển mất tích.
Để ứng phó với bão NORU, ngày 26/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện số 9/CĐ-UBND về việc triển khai ứng phó với bão số 4 trong đó yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ liên tiếp, kéo dài. Phòng chống bão số 4 và mưa lớn theo phương châm "4 tại chỗ"; căn cứ tính chất công việc, diễn biến và dự báo bão số 4 chủ động quyết định việc đình hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách.
Hiện tại, Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão NORU và mưa lớn, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới kịp thời triển khai các kế hoạch ứng phó với mưa bão. Các đồn biên phòng tuyến biển tổ chức kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, tàu thuyền đang neo đậu tại các âu thuyền, trên sông kịp thời vào bờ tránh trú an toàn.
Được biết, toàn tỉnh Quảng Bình có tổng số 6.689 phương tiện với 22.263 lao động đánh bắt thủy sản trên biển. Đến 12h ngày 26/7, đã có trên 6.500 phương tiện cập bờ tránh, trú bão, còn gần 200 phương tiện/1.877 lao động lao động đang hoạt động trên biển. Hiện nay, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã nắm được thông tin của bão, hiện đang trên đường vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đại tá Hồ Thanh Sơn, Phó chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình cho biết: Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh đã chủ động rà soát, bổ sung phương tiện và các phương án phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong thời gian diễn biến mưa bão phức tạp ở tuyến phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong thời gian diễn biến mưa bão phức tạp ở tuyến biển, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh đã chỉ huy các đơn vị tuyến biển chủ động lên phương án đảm bảo cho ngư dân.
Đại tá Hồ Thanh Sơn, Phó chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình nói về công tác phòng chống bão NORU
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc sở NN và PTNN tỉnh Quảng Bình: "Chúng tôi đảm bảo phương tiện, vật tư cũng như phân công trực ban 24/24 giờ trong trường hợp có mưa bão lớn để xử lý kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại". Trước diễn biến thất thường của thời tiết, tỉnh Quảng Bình cũng đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Tại các địa phương, lực lượng chức năng và chính quyền cũng đã chủ động phương án sơ tán người dân, tài sản, tiến hành rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để có phương án ứng phó kịp thời.