(Tổ Quốc) - Trong ngày 26/9, các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân đội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường lực lượng đến các khu vực xung yếu hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; chuẩn bị cơ sở hạ tầng sẵn sàng di chuyển người dân đến nơi tránh trú an toàn trước khi bão Noru đổ bộ vào đất liền.
Sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn
Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Noru, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã gấp rút triển khai các phương án phòng chống bão với 100% cán bộ chiến sỹ tham gia ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng trước các tình huống đột xuất, bất ngờ.
Tại cuộc họp khẩn phòng chống bão, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương triển khai tăng cường lực lượng về địa bàn cơ sở nắm tình hình, tham mưu, phối hợp thực hiện các công việc theo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương. Trong đó, chủ động nắm chắc tình hình, xác định ngay khu vực trọng điểm ven biển, đầm phá, hồ đập, ven suối, khu vực có nguy cơ sạt lở.. để nắm hộ, nắm người và triển khai di dời, sơ tán dân.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng Công an các huyện, thị xã, thành phố nhất là lực lượng tại cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai công tác chằng, chống nhà cửa, đảm bảo an ninh trật tự nơi đi và nơi đến khi sơ tán dân, bố trí lực lượng ứng trực 24/24h tại đơn vị để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Cùng với đó, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ, lực lượng Cảnh sát giao thông chủ động phối hợp với Công an các đơn vị địa phương tổ chức cắm biển, hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông tại các khu vực đang thi công, khu vực xung yếu, chủ động các phương án phối hợp cứu hộ giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa…
Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 2.062 phương tiện, với 11.350 lao động hoạt động khai thác trên biển, đến thời điểm hiện tại, tất cả tàu, thuyền trên địa bàn tỉnh đã được kêu gọi vào bờ. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chuẩn bị 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền. Các địa phương trong tỉnh cũng có nguồn dự trữ riêng để chủ động phân phát tới người dân khi cần thiết.
Chiều cùng ngày, Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học vào các ngày 27, 28/9 để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão Noru gây ra.
Chằng chống các di tích trước bão
Ngày 26/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đã tổ chức kiểm tra các công trình di tích để có phương án bảo vệ các công trình di tích xuống cấp; nhắc nhở các đơn vị thi công gia cố hệ thống bao che các công trình di tích đang thi công do đơn vị mình quản lý nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất trước ảnh hưởng của mưa bão.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khẩn trương kiểm tra hệ thống cây xanh tất cả các điểm di tích để cắt tỉa, chống đỡ những cây dễ gãy đổ, tránh bật gốc, gây thiệt hại cho người và các công trình di tích.
Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến hành hạ các trụ đèn tại Quảng trường Ngọ Môn; hạ hệ thống các chậu cây cảnh trên các đôn giá xuống vị trí an toàn dưới đất, giằng néo, chốt, nêm các cột, cửa và các công trình di tích, đảm bảo an toàn tối đa cho người và các công trình trước khi bão đổ bộ.
Đưa 14 thuyền viên gặp nạn trên biển vào bờ
Chiều 26/9, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa phối hợp với các đơn vị cứu hộ thành công một tàu nước ngoài cùng 14 thuyền viên gặp nạn trên vùng biển địa phương.
Trước đó, ngày 25/9, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế nhận được thông tin từ thuyền trưởng tàu CHINA BOARD 1 (Quốc tịch Panama, trọng tải 4914,5 DWT, tàu không có hàng) đang hành trình từ Vũng Tàu đi Macau gặp sự cố máy chính vào khoảng 10 giờ cùng ngày. Tàu thả trôi, trên tàu có 14 thuyền viên (5 người Việt Nam và 9 người Trung Quốc).
Sau khi nhận được thông tin, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên lạc, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực II, Sở Ngoại vụ hỗ trợ cứu nạn 14 thuyền viên.
Đến 15h ngày 26/9, tàu SAR 412 đến hiện trường tiếp cận tàu bị nạn, tiến hành đưa tất cả thuyền viên tàu bị nạn lên tàu SAR412 của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Khu vực II và đưa về cập Cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế).
Được biết, trên tàu CHINA BOARD 1 còn khoảng 5 tấn dầu DO, 21 tấn dầu FO và 1200 lít dầu LO. Trước khi rời tàu, thuyền trưởng đã chỉ đạo các bộ phận đóng tất cả các hệ thống an toàn và khóa toàn bộ van két nhiên liệu của tàu.