• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Ngãi không phát triển kinh tế bằng mọi giá

Kinh tế 12/04/2019 12:31

Việc Bộ Tài nguyên- Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm vật chất nạo vét từ cảng nước sâu Dung Quất với hơn 15 triệu m3 bùn cát, đã làm dấy lên những lo ngại về một thảm họa môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng biển Quảng Ngãi. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Đức Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nguyên quyền Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy khối cơ quan Kinh tế Trung ương.

Phóng viênThưa đồng chí, đồng chí nhận định như thế nào về Quyết định của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho phép nhận chìm "quả núi" gồm hơn 15 triệu m3 vật chất nạo vét từ cảng Hòa Phát xuống biển Dung Quất?

Đồng chí Võ Đức Huy: Việc nhấn chìm vật chất từ quá trình nạo vét ở cảng Dung Quất đã từng diễn ra, khi chúng ta xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất và cảng nước sâu Dung Quất. Tuy nhiên, lúc đó khối lượng ít, thời gian kéo dài. Việc nhận chìm 15 triệu m3 cát, bùn sét nạo vét cảng Hòa Phát trong phạm vi rộng lớn, lên đến 180 ha ở vùng biển Dung Quất, chắc chắn có ảnh hưởng xấu đến môi trường biển và đời sống các loài sinh vật biển. Hàng chục triệu m3 bùn, sét có trong vật chất nạo vét, khi tiến hành nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu, dòng chảy của sông Trà Bồng… có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển không chỉ ở Quảng Ngãi, mà còn có thể lan đến Quảng Nam và Bình Định.

Phóng viênVậy những nguy cơ có thể xảy ra đối với môi trường là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Đức Huy:  Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế (QL KKT) Dung Quất, hiện có khá nhiều dự án đang rất cần được nạo vét trong thời gian sớm nhất, chứ không riêng gì cảng Hòa Phát. Dưới tác động của sóng biển, dòng hải lưu và nước từ cửa sông đổ ra rất lớn vào mùa mưa, thì gần như toàn bộ bùn, sét sẽ hòa tan trong nước biển và làm nước biển bị ô nhiễm, vẩn đục.. Như vậy, mức độ ô nhiễm có thể xảy ra không chỉ vùng biển Quảng Ngãi, mà có thể lan dưới đáy ra Quảng Nam, theo dòng hải lưu lan dọc bờ biển Quảng Ngãi vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, và dưới tác động liên tục của sóng, chất bùn sét rất chậm lắng đọng, mà chủ yếu sẽ vào các khu vực đầm, phá ven biển. Và đây đều là những vùng kinh tế trọng yếu về nuôi trồng thủy sản hoặc du lịch của các địa phương. Nếu bị ô nhiễm, môi trường biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản, thiệt hại đến kinh tế, ảnh hưởng đời sống nhân dân vô cùng lớn. Trước mắt, trực tiếp là đời sống hàng chục vạn ngư dân ven biển.

Quảng Ngãi không phát triển kinh tế bằng mọi giá - Ảnh 1.

Ông Võ Đức Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nguyên quyền Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy khối cơ quan Kinh tế Trung ương.

Một nguy cơ nữa là kể cả khi không gây ra ô nhiễm môi trường biển hay hiện tượng cá chết, thì hàng triệu m3 bùn sét lan tỏa ở vùng biển Lý Sơn, lắng đọng dưới đáy biển, chắc chắn ảnh hưởng môi trường biển, ảnh hưởng đến Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh. Còn ảnh hưởng như thế nào thì chỉ trong thực tế, có nghiên cứu đánh giá cụ thể mới nói được, vì bình thường, mang cát, bùn đổ bất cứ chỗ nào cũng gây ô nhiễm chứ không riêng gì công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, câu trả lời là rất rõ.

Phóng viên: Vậy theo đồng chí cần làm gì để giảm nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đời sống nhân dân?

Đồng chí Võ Đức Huy: Phương án nhận chìm chỉ là một cách chọn lựa mang tính kinh tế nhiều hơn là xã hội, cộng đồng. Tôi thiết tha đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xem xét, đánh giá lại phương án này. Thực tế hiện nay nhân dân vùng bị tác động bởi việc nhấn chìm hơn 15 triệu m3 chất bùn, cát không được biết về thông tin đánh giá tác động môi trường, không biết lộ trình nạo vét, nhấn chìm vào thời gian nào, địa điểm cụ thể nào. Nhìn chung rất không minh bạch, nhân dân, cán bộ đảng viên lo lắng. Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá về môi trường biển. Vụ xả thải của Fomosa, nhấn chìm bùn cát ở Vĩnh Tân - Bình Thuận…

Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Gần đây Thủ tướng lại luôn nhắc phát triển kinh tế phải đi đôi với chăm lo những vấn đề xã hội; giữ vững môi trường biển là kinh tế, là an ninh quốc phòng, là ổn định lòng dân, ổn định xã hội. Đừng để ngoài tai những tâm tư, lo lắng của dân, dễ dẫn đến những bức xúc của dân làm cho xã hội mất ổn định. Tôi rất mong lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lắng nghe và nghiên cứu tìm phương án tối ưu báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường có hướng giải quyết sớm việc nạo vét, nhấn chìm 15 triệu m3 bùn cát cho nhân dân được yên lòng.

Phóng viênVậy liệu có các giải pháp thay thế nào hiệu quả hơn, an toàn hơn hay không?

Đồng chí Võ Đức Huy: Tôi hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần mạnh dạn, quyết liệt và sự tính toán dài hơi của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khi chủ động giao các cơ quan chức năng tìm giải pháp tối ưu hơn, thay thế cho việc nhận chìm vật chất từ quá trình nạo vét cảng Dung Quất. Lãnh đạo tỉnh mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi khảo sát hiện trường, làm việc với các cơ quan liên quan, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, các cơ quan chức năng.

Để giảm ô nhiễm, cách hiệu quả nhất là đưa vật chất nạo vét lên bờ. Còn đưa ở đâu, dùng vào việc gì cần có tính toán cụ thể. Tôi được biết Ban QL KKT Dung Quất đã đề xuất nên tận dụng khối lượng cát nhiễm mặn trong quá trình nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào các khu vực cảng Dung Quất để san lấp một số vị trí dự án đã được quy hoạch tại Khu kinh tế Dung Quất thành các dự án sản xuất công nghệ cao, dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, khu dân cư, khu đô thị...

Quảng Ngãi không phát triển kinh tế bằng mọi giá - Ảnh 2.

Tàu hút cát hiện đại sẵn sàng hoạt động.

Thực ra việc đưa vật chất nạo vét lên bờ không có gì mới. Trước đây chúng ta đưa một phần cát nạo vét cảng Dung Quất lên san lấp xây dựng mặt bằng một số dự án trong KKT Dung Quất, rồi cảng Hào Hưng. 

Mới cách đây hai năm, chính Hòa Phát cũng dùng cát nạo vét để san lấp nội bộ dự án của mình, mang lại hiệu quả rất tốt khi vừa giảm chi phí, vừa không gây tác động xấu đến môi trường. Ngay cả Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng khuyến khích việc này, mà bằng chứng rõ nhất là Quyết định số 439 ngày 27-02-2019 về việc Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án "Nâng cấp và mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất", tại Điểm e, Khoản 3, Điều 1 ghi rõ: Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật để giải quyết vật chất nạo vét phát sinh từ quá trình cải tạo, nâng cấp cảng xuất sản phẩm; chỉ thực hiện việc nhận chìm khi không có giải pháp khác". 

Và cũng theo Quyết định này, toàn bộ vật chất nạo vét của dự án này được đưa lên bờ. Nên với 15 triệu m3 bùn cát của cảng Hòa Phát, với tinh thần quyết tâm bảo vệ môi trường biển, sẽ có nhiều giải pháp tích cực hơn để giảm thiểu việc phải nhấn chìm xuống biển.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Thanh Tùng (Báo Nhân Dân)

NỔI BẬT TRANG CHỦ