(Tổ Quốc) - Trong thời điểm du lịch Việt Nam đã mở lại hoàn toàn, các chuyên gia hy vọng rằng Quảng Ninh sẽ là địa phương mở đầu cho những thay đổi tích cực của ngành du lịch Việt Nam trong năm nay.
- 22.03.2022 Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ven biển Đà Nẵng “làm mới” sản phẩm để đón du khách
- 22.03.2022 Phát động mở lại hoạt động du lịch "Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn"
- 21.03.2022 Hàng loạt chương trình đặc sắc chỉ đến Huế mới có
- 20.03.2022 Thừa Thiên Huế mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế và nội địa
- 20.03.2022 Nhịp sống bình thường mới trở lại trên nhiều tuyến phố đêm ở Hà Nội
Quảng Ninh hướng tới du lịch 4 mùa
Chia sẻ tại tọa đàm của hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch "Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Sun Group, Tổng Công ty hàng không Việt Nam- Vietnam Airlines và báo điện tử VnExpress tổ chức, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Tỉnh đang cùng với các doanh nghiệp phấn đấu xây dựng du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến bốn mùa: xuân, hạ, thu đông, tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, ví dụ như khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh hay các sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm cao ở khu vực biên giới để thu hút khách…
"Ngoài việc tham quan du lịch, nghỉ đêm trên Vịnh, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động thêm nhiều sản phẩm mới như: du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch khám phá…" - ông Phạm Ngọc Thủy chia sẻ.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Thủy cho rằng doanh nghiệp trong ngành xác định du lịch trong thời điểm này vẫn cần đề cao tính an toàn, du lịch phải có tính liên kết. Liên kết từ quảng bá du lịch đến liên kết gói sản phẩm, tạo sức hút cụm liên vùng. Ngoài ra cần đẩy mạnh chuyển đổi số hiệu quả, khi có sản phẩm mới và truyền thông thì nâng cao chất lượng như đào tạo nguồn nhân lực...
Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Nguyện – Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun Group chia sẻ: “Muốn Quảng Ninh trở thành kỳ quan bốn mùa, để du khách đến Quảng Ninh không chỉ nghỉ hè mà còn nghỉ đông, nghỉ thu, nghỉ xuân… cần có thêm những sản phẩm để phát huy lợi thế của thiên nhiên, để khắc phục yếu tố mùa vụ và Hệ sinh thái du lịch chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề này
Cũng theo bà Nguyện, tại Quảng Ninh, Sun Group tạo ra một chuỗi trải nghiệm khép kín đầy đủ nhất: từ hạ tầng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đón tiễn khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sau này sẽ là mua sắm, tận hưởng không gian hưởng thụ đẳng cấp tại những dự án bên vịnh biển sang trọng... Những lễ hội, sự kiện đẳng cấp cũng sẽ được chúng tôi không ngừng bồi đắp cho điểm đến, để Quảng Ninh không ngừng mới, không ngừng hấp dẫn trong du khách.
“Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, có lẽ chúng ta vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng biển, rừng, đảo còn bỏ ngỏ của Quảng Ninh- một điểm đến được ví như Việt Nam thu nhỏ. Hệ sinh thái đó sẽ còn tiếp tục được bổ sung với những trải nghiệm, sản phẩm độc đáo hơn nữa, đưa điểm đến tiến xa hơn và phát triển bền vững hơn, khi có sự tham gia của những nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, với sự hỗ trợ tạo điều kiện của tỉnh Quảng Ninh” – bà Trần Nguyện chia sẻ.
Cần lộ trình rõ ràng, chủ động hơn
Phát biểu tại Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch "Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn", PGS.TS, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia an toàn nhất bởi năng lực tiêm vắc xin tốt. Tuy nhiên, bản thân chúng ta vẫn đang rụt rè, chưa quyết đoán trong việc mở cửa bởi những tổn thất nặng nề của Covid-19 trong 2 năm vừa qua, đặc biệt là với ngành du lịch và hàng không.
Theo ông Trần Đình Thiên, ngành du lịch cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam là điểm đến an toàn, sẵn sàng để đón tiếp du khách.
Đánh giá việc miễn thị thực cho 13 quốc gia và thời hạn tạm trú 15 ngày vẫn thể hiện tinh thần “quá thận trọng” khi mở cửa, PGS.TS Trần Đình Thiên kiến nghị Chính phủ cần tăng số lượng các nước được miễn thị thực và tăng số ngày du khách có thể lưu trú, để tận dụng được cơ hội hồi phục mạnh mẽ hơn.
"Chúng ta cần tận dụng được thời cơ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Phải tính đến quan hệ lợi ích và chi phí, phải bỏ chi phí trước để thu về lợi ích sau này", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Tư vấn cho du lịch tỉnh Quảng Ninh, ông Thiên cho rằng cần phát huy và thay đổi nhiều hơn nữa, không chỉ du lịch mùa hè mà còn cả mùa đông, hướng tới du lịch 4 mùa. Khát vọng thay đổi của du lịch Quảng Ninh rất mạnh, đang làm rất tốt. Ông hy vọng Quảng Ninh sẽ là địa phương mở đầu cho những thay đổi tích cực của ngành du lịch Việt Nam trong năm nay.
Bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao cho biết, dư luận quốc tế đánh giá rất cao và quan tâm đến chính sách mở cửa du lịch của chúng ta.
Từ góc độ theo dõi xu thế trên thế giới, bà Hằng cho rằng việc mở cửa du lịch trong thời gian này có nhiều thuận lợi lớn, đầu tiên là việc các nước trên thế giới đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Thứ hai là đã có khoảng 50 nước trên thế giới tiến hành mở cửa du lịch với các chính sách dỡ bỏ hoàn toàn các quy định về phòng chống dịch, điều này tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc kết nối với các nước này trong việc khôi phục lại mạng lưới du lịch.
Thêm nữa, nhu cầu về du lịch đang tăng rất cao. Theo báo cáo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, qua khảo sát 80% người dân Mỹ có kế hoạch đi du lịch trong 6 tháng tới. Bên cạnh du lịch thì nhu cầu đi lại của các doanh nghiệp để thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư cũng rất lớn.
Ngoài ra, đà phục hồi kinh tế trong nước được thúc đẩy mạnh trong năm nay và các phương án triển khai cho việc mở cửa du lịch đã khá thông thoáng.
Bà Nguyễn Minh Hằng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, cách doanh nghiệp để triển khai một cách an toàn, hiệu quả chủ trương mở cửa du lịch thông qua mạng lưới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tăng cường cung cấp thông tin về những xu hướng, đánh giá tình hình, nhu cầu du lịch của các nước đến các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan./.