• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Trị tháng 7 máu và hoa: Bài cuối: Một ngày trong 70 năm

Thời sự 25/07/2017 10:00

(Tổ Quốc) - Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, thế nhưng có những cuộc chia ly phải sau hàng chục năm đến bây giờ mới có ngày hội ngộ. Và dường như lúc nào cũng vậy, những cuộc hội ngộ trong những ngày tháng 7 tại Quảng Trị bao giờ cũng đong đầy cảm xúc.

Chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị) trong những ngày mà cả nước đang hướng đến Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017). Càng đến gần lễ, dòng người đổ về đây để tri ân các anh hùng, liệt sỹ ngày một đông hơn.

Trong không gian trang nghiêm và linh thiêng của nghĩa trang, đã có những cuộc hội ngộ và những câu chuyện đọng lại khiến nhiều người không khỏi bồi hồi, xúc động.

 Càng gần đến lễ 27/7, dòng người đến viếng thăm Nghĩa trang LSQG Trường Sơn ngày càng đông hơn.

Hơn cả Vọng phu

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn một ngày tháng 7. Trong dòng người đến viếng thăm, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ lặng lẽ giữa những hàng mộ liệt sỹ. Hình ảnh người phụ nữ đã lớn tuổi loay hoay tìm một điều gì đó giữa những hàng bia mộ khiến nhiều người không khỏi tò mò.

Có lẽ vì mắt không còn nhìn được rõ nên mỗi lần thắp xong một nén hương, bà lại ghé thật sát để có thể đọc hết những thông tin trên từng tấm bia mộ. Thế nhưng, hết hàng mộ này đến hàng mộ khác mà chưa tìm được điều mình cần, khuôn mặt của bà hiện rõ một nỗi buồn.

Qua trò chuyện được biết, bà là Cao Thị Đê (69 tuổi, quê Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là lần đầu tiên bà Đê đến thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Chuyến đi lần này đối với bà không chỉ đến để viếng thăm các anh hùng, liệt sỹ mà còn thực hiện một tâm nguyện suốt bao nhiêu năm bà vẫn ấp ủ trong lòng.

 Bà Cao Thị Đê (bên trái) kể về câu chuyện của mình.

Trầm ngâm một lúc, bà Đê kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình. Cũng như bao người khác, những năm tháng tuổi trẻ bà Đê cũng có một tình yêu rất đẹp. Anh là Đặng Ngọc Khóm, một chàng trai khôi ngô sống cùng làng. Mến nhau từ thời chăn trâu cắt cỏ, thế nhưng mãi đến cái tuổi cặp kê hai người mới dám tỏ bày tình cảm. Nhà gần, lại thường xuyên lui tới nên tình cảm đó ngày càng đậm sâu.

Yêu nhau được hơn một năm thì đến năm 1968, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Khóm lên đường nhập ngũ.  

"Ngày tiễn anh đi, chúng tôi cũng hứa hẹn bao điều. Anh hứa ngày hòa bình nhất định sẽ trở về tìm tôi. Trong phút giây bịn rịn, kỷ vật trao tay chỉ có tờ tiền in hình cô gái ôm bông lúa như nhắc anh rằng có người con gái luôn đợi anh ở quê nhà”, bà Đê kể lại.

Thế rồi trong những ngày tháng chiến tranh, những cánh thư tay qua về từ hai đầu chiến tuyến là cách liên lạc duy nhất. Bẵng đi một thời gian sau đó, bà Đê không còn nhận được bức thư nào của người yêu nữa. Linh cảm của người phụ nữ mách bảo bà về điều chẳng lành, nhưng bà vẫn luôn tự trấn an mình rằng chiến tranh đang trong giai đoạn ác liệt, chắc anh bận chiến đấu nên không kịp viết thư về.

“Một thời gian dài sau bức thư cuối cùng nhận được từ anh, tôi chết lặng khi biết tin anh hy sinh khi đang chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Đêm nào cũng nằm mơ thấy anh, tôi chỉ còn biết khóc”, kể đến đây bà Đê nghẹn giọng.

 Nghĩa trang LSQG Trường Sơn hiện là nơi yên nghĩ của hơn 10.000 anh hùng liệt sỹ, nhưng không có phần mộ mà bà Đê cần tìm.

Thương cho người yêu ra đi khi còn quá trẻ, suốt thời gian dài bà Đê nuốt nước mắt ở vậy để tang, nhất định không đi lấy chồng. Thời gian qua đi, mãi đến sau này thương cha mẹ già bà Đê mới nghe theo lời khuyên nhủ của mọi người để lập gia đình.

Tuy đã có gia đình và luôn làm trọn phận sự của một người vợ, nhưng bà Đê vẫn không thôi xót thương cho người xưa đang còn nằm nơi chiến trận. Bà luôn ấp ủ tâm nguyện một ngày được vào Quảng Trị tìm và thắp cho người yêu một nén hương để thỏa lòng thương nhớ.

Tiếc rằng trong lần ghé thăm này, có rất nhiều liệt sỹ cùng quê đang nằm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn nhưng không có phần mộ của liệt sỹ Đặng Ngọc Khóm.

“Dù không tìm thấy anh ở đây nhưng tôi cũng thỏa một phần tâm nguyện được một lần vào nơi mà anh đã từng chiến đấu. Được thắp cho các đồng đội của anh một nén hương. Tôi nhớ lời trong một bài hát “dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che”. Có thể giờ anh đang nằm lại ở đâu đó, nhưng nơi anh ngã xuống sẽ mãi rực cháy một màu hoa đỏ cho hôm nay”, bà Đê tâm sự.

Hạnh phúc vỡ òa

Dọc theo khuôn viên của Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn trong những ngày này, chúng tôi cũng may mắn được chứng kiến những cuộc hội ngộ đầy cảm xúc. Như trường hợp của gia đình liệt sỹ Trần Văn Hiền (quê Kim Động, tỉnh Hưng Yên) là một trong rất nhiều cuộc hội ngộ như vậy.

Hơn 40 năm sau ngày hòa bình lập lại, những con người ruột thịt mới lại tìm thấy nhau. Bên nấm mộ của bố mình, hình ảnh ông Trần Văn Tiến (con trai liệt sỹ Hiền) bật khóc nức nở: “Bố ơi! Sau bao năm tìm kiếm con mới tìm thấy bố nằm đây. Chiến tranh mà bố ơi, hãy tha lỗi cho mẹ con con!”.

Tiếng khóc xé lòng khiến những chứng kiến người chực rơi nước mắt. Đó không chỉ là nước mắt đau thương, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc của những con người đang được sống trong hòa bình.

 Tháng 7 về, Nghĩa trang LSQG Trường Sơn còn là nơi “hội ngộ” của những người lính từng chiến đấu cùng nhau.

Tìm hiểu về hoàn cảnh được biết, liệt sỹ Trần Văn Hiền có 10 anh em thì có 6 người lên đường nhập ngũ. Trong các anh em của mình, liệt sỹ Hiền không may hy sinh còn 2 người khác cũng là thương binh sau ngày trở về từ cuộc chiến.

Cựu chiến binh Trần Văn Chương (em trai liệt sỹ Hiền) cho biết, cả ông và liệt sỹ Trần Văn Hiền đều là bộ đội Trường Sơn thuộc Đoàn 559 từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, tuy nhiên hai anh em ở hai đơn vị khác nhau. Giữa năm 1971, liệt sỹ Hiền lên đường nhập ngũ thì khoảng một tháng sau ông hy sinh. Từ lúc hy sinh đến nay gia đình cũng mất tin, người nhà cố tìm kiếm thông qua các đồng đội nhưng vẫn chưa tìm được.

Việc gia đình tìm thấy liệt sỹ Hiền cũng hết sức tình cờ. Trong một lần đến thăm viếng Nghĩa trang Trường Sơn, những cựu chiến binh gần nhà thấy thông tin trên một bia mộ giống với liệt sỹ Hiền nên đã báo về cho gia đình.

“Biết tin gia đình mừng lắm, nhưng mãi đến hôm nay mới có điều kiện để vào tìm. Vào thì đúng là anh tôi đang nằm ở đây. Vậy là sau 46 năm, gia đình cũng tìm được anh rồi”, ông Chương vui mừng.

 Hơn 45 năm xa cách, thân nhân liệt sỹ Trần Văn Hiền khóc nghẹn trong cuộc hội ngộ “đặc biệt”.

Vui mừng vì tìm được người thân, ông Chương cho hay gia đình cũng cảm thấy an ủi phần nào khi thấy nhiều năm qua phần mộ của người thân và nhiều liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây luôn được chăm sóc, hương khói đầy đủ. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia cũng ngày càng nghiêm trang, sạch đẹp hơn.

Điều này cho thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với các anh hùng, liệt sỹ.

“Tìm được anh, thấy anh được yên nghỉ ở nơi đây gia đình tôi rất yên tâm. Giờ gia đình cũng mong muốn anh nằm lại đây với đồng đội. Hàng năm cả nhà sẽ đưa con cháu vào để thăm anh”, ông Chương bày tỏ tâm nguyện.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng vẫn còn đó những mất mát, đau thương, những trăn trở khôn nguôi. Theo thống kê trên toàn quốc có hơn 1 triệu liệt sỹ, đến nay dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn còn rất nhiều hài cốt của các anh đang nằm lại đâu đó nơi con suối, góc rừng.

Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều gia đình tìm được người thân như trường hợp của liệt sỹ Trần Văn Hiền. Sẽ còn nhiều cuộc hội ngộ khác như những cuộc hội ngộ vẫn âm thầm diễn ra trong suốt 70 năm qua.

Thế Trung - Đức Hoàng

Đức Hoàng - Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ