(Tổ Quốc) - Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, Nga cũng cho biết sẽ dừng thực hiện hiệp ước này.
Một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Điện Kremlin cho biết, Nga cũng sẽ dừng thực hiện thỏa thuận này. Tổng thống Vladimir Putin cũng được cho là ra tín hiệu sẵn sàng cho những cuộc đàm phán mới.
Theo Điện Kremlin, ông Putin đã thông báo kế hoạch trên trong một cuộc họp hôm thứ Bảy (2/2) với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
Ông Putin nói, Moscow để ngỏ khả năng thỏa thuận mới và hứa sẽ có "một câu trả lời tương tự" tới người đồng cấp Trump. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi cả Mỹ và Nga giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ liên tiếp từ chối các thoả thuận quốc tế (ảnh: Bloomberg)
Vụ việc được đánh giá là một cột mốc trong mối quan hệ Nga – Mỹ và thêm một lần nữa Washington từ chối một hiệp định quốc tế, sau thỏa thuận hạt nhân với Iran và thỏa thuận liên quan tới biến đổi khí hậu.
"Nước Mỹ đã tuân theo hoàn toàn Hiệp ước INF trong hơn 30 năm, nhưng chúng tôi sẽ không duy trì việc bị ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp ước nữa khi mà Nga có các hành động sai trái", ông Trump nói.
Nga luôn kiên quyết phủ nhận cáo buộc vi phạm Hiệp ước INF, đồng thời cảnh báo, quyết định rút khỏi thỏa thuận này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Ông Putin khẳng định, Nga không nên và sẽ không bị hút vào cuộc chạy đua vũ trang đắt đỏ, nhưng để ngỏ cửa thương lượng. Ông cũng nhấn mạnh, tuyên bố của Mỹ tiếp tục nghiên cứu và phát triển có nghĩa là Nga "cũng sẽ làm như vậy".
Nước Mỹ đã tuân theo hoàn toàn Hiệp ước INF trong hơn 30 năm, nhưng chúng tôi sẽ không duy trì việc bị ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp ước nữa khi mà Nga có các hành động sai trái.
Tổng thống Donald Trump
"Cột trụ then chốt"
Lo ngại trên nhận được sự đồng tình từ giới phân tích và các nghị sỹ Đảng Dân chủ Mỹ. Họ cũng cho rằng, tên lửa của Nga là một mối đe doạ, nhưng chính quyền Trump không có chiến lược để kiềm chế nó.
"Việc Nga không tuân theo hiệp ước rất đáng quan tâm, nhưng hủy bỏ một cột trụ then chốt trong khung an ninh phi hạt nhân của chúng ta, sẽ tạo ra các hiểm họa không thể chấp nhận được", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói.
"Tất nhiên, nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước, Nga sẽ không ở lại", Frants Klintsevic, một thành viên của Uỷ ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Nga khẳng định. "Mỹ rời đi để hợp pháp hoá việc đưa tên lửa tới châu Âu. Chúng tôi có những gì cần để tái xác định mục tiêu, như là các tên lửa phóng ở ngoài khơi".
Bloomberg dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Washington chưa có kế hoạch ngay lập tức triển khai tên lửa mới tới châu Âu khi quyết định rút khỏi INF chính thức có hiệu lực vào tháng 8. Theo những người này, sẽ cần thời gian đáng kể để thử nghiệm, mua bán và triển khai những tên lửa như vậy; và hiện tại chính quyền Mỹ chỉ cân nhắc các lựa chọn thông thường và phi hạt nhân.
Tất nhiên, nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước, Nga sẽ không ở lại. Mỹ rời đi để hợp pháp hoá việc đưa tên lửa tới châu Âu. Chúng tôi có những gì cần để tái xác định mục tiêu, như là các tên lửa phóng ở ngoài khơi.
Frants Klintsevic
Phản ứng của Trung Quốc và NATO
Trung Quốc phản đối động thái của Mỹ và mong muốn Washington và Moscow "giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại mang tính xây dựng". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nhấn mạnh, INF là một hiệp ước song phương để kiểm soát và giải giáp vũ khí và đã đóng góp lớn, giúp giảm căng thẳng giữa các nước lớn, củng cố hòa bình khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Bolton từng đánh giá hiệp ước INF là lạc hậu, nhất là khi không nhắc tới nguy cơ ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Không có Hiệp ước INF, an ninh sẽ kém hơn.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas
Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Trump đã ám chỉ sẽ rút khỏi INF. Tuy nhiên, sau khi thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đồng minh khác, hồi tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, Mỹ sẽ cho Nga thêm hai tháng để quay trở lại tuân thủ hiệp ước.
Trên Twitter, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO hoàn toàn ủng hộ hành động của Mỹ. "Nga đã vi phạm Hiệp ước INF và trong 6 tháng tiếp theo, họ phải quay lại tuân thủ hoàn toàn và xác nhận được hoặc chịu trách nhiệm cho hành động của mình", ông Stoltenberg tweet.
Tuy nhiên, từ một số bình luận, người ta cũng có thể nhận ra có vài đồng minh châu Âu không hoàn toàn 100% đồng ý với những gì Mỹ đã thể hiện.
"Không có Hiệp ước INF, an ninh sẽ kém hơn", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu trước báo giới hôm thứ Sáu (1/2) tại Bucharest. "Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng INF đang bị vi phạm từ phía Nga".
Theo Washington, Moscow đã phá hoại INF trong những năm qua bằng việc triển khai tên lửa phóng từ mặt đất có tầm ngắm từ 500 tới 5.500 km.
"Chỉ trích lớn nhất của tôi là Mỹ và NATO hoàn toàn không có kế hoạch B", Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí tại Washington, nhận định. "Việc rời khỏi INF nhằm phản đối những vi phạm của Nga, sẽ không ngăn cản được Nga triển khai thêm nhiều tên lửa".