(Tổ Quốc) - Tốc độ tăng GDP quý 1 năm nay đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 58/63 tỉnh, thành có chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực trung ương (GRDP) tăng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế – xã hội ba tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn.
Trong đó có lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự tại Ukraine kéo dài.
Trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
"Kinh tế – xã hội quý 1 năm 2023 của nước ta tuy chưa đạt được mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước phát huy hiệu quả", báo cáo của Tổng cục Thống kê có đoạn.
Cơ quan thống kê nêu các điểm sáng của kinh tế Việt Nam quý 1/2023. Cụ thể, kinh tế quý 1/2023 của nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng nhiều quốc gia suy thoái. Tốc độ tăng GDP quý 1 năm nay đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Đáng lưu ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực trung ương (GRDP) quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng GRDP ở mức cao so với tốc độ tăng GDP như Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình tăng 8,45%; Tuyên Quang tăng 8,42%; Bắc Giang tăng 8,40%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm: Bình Dương tăng 1,15%; TP. Hồ Chí Minh tăng 0,7%; Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.
Quý 1 năm 2023, ước tính xuất siêu đạt 4,07 tỷ USD
Sản lượng một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Quý 1/2023, sản lượng thu hoạch nhiều loại cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm 2022 do thời tiết thuận lợi, giá bán sản phẩm ổn định. Trong đó, sản lượng chè búp tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu tăng 1,5%; cao su tăng 2,9%; điều tăng 7,4%; sầu riêng tăng 27,8%; cam tăng 5,9%; quýt tăng 4,1%; chuối tăng 2,6%; xoài tăng 1,9%…
Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý I ước tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sữa bò tươi tăng 8,6%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tăng 7,5%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước tăng 4,2%; sản lượng trứng gia cầm ước tăng 4,5%.
Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I/2023 ước tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tăng 3,2%, tôm tăng 3%.
Cán cân thương mại hàng hóa quý 1 năm 2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD, trong đó xuất siêu của một số mặt hàng là: Điện thoại các loại và linh kiện 11,04 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 2,39 tỷ USD; thủy sản 1,08 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 763 triệu USD; rau quả 501 triệu USD.
Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Tính đến ngày 30/3, cả nước có 590 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 có 322 dự án, tăng 37,6%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều dự án đăng ký mới nhất với 174 dự án (cùng kỳ năm trước có 84 dự án cấp mới).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1/2023 theo giá hiện hành tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 11,5% cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, nhằm tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 giảm 0,23% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2023, CPI tăng 4,18%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm quý 1/2023 phục hồi tích cực; đời sống nhân dân được đảm bảo; công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2023 ước tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước giảm 0,21 điểm phần trăm; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 578.000 đồng.