• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam có nhiều bước tiến về xây dựng thị trường carbon

Kinh tế 31/03/2023 20:15

(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam-briefing, Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng một thị trường mua bán carbon nhằm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải.

Tại hội nghị khí hậu COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Và thị trường carbon (thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính) là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.

Trong bối cảnh thế giới hướng tới giảm phát thải, các doanh nghiệp tạo ra nhiều khí thải trong quá trình sản xuất có 4 lựa chọn: Nộp phí phạt hoặc thuế; tự giảm phát thải tại cơ sở sản xuất; mua tín chỉ giảm phát thải trên thị trường; đầu tư, thực hiện dự án giảm phát thải carbon tại nước khác. Trong đó, việc mua tín chỉ có thể được thực hiện trong thị trường carbon.

Toàn cầu đang nỗ lực bắt kịp xu hướng phát triển thị trường carbon. Năm ngoái, giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã vượt quá 909 tỷ USD. Tại Việt Nam, thị trường carbon cũng đang dần có sức hút, cả với các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.

Kế hoạch thị trường carbon của Việt Nam

Từ năm 2015 đến năm 2020, Việt Nam là thành viên của Chương trình Quan hệ đối tác xây dựng thị trường (PMR). Chương trình này được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ và nhằm giúp các quốc gia thiết lập các khung pháp lý và xây dựng thị trường carbon thí điểm kết nối với các thị trường carbon quốc tế.

Việt Nam có nhiều bước tiến về xây dựng thị trường carbon - Ảnh 1.

Việt Nam đang nỗ lực phát triển thị trường carbon. Ảnh: tapchitaichinh.

Tiếp theo đó, vào ngày 21/12/2021, chính phủ đã ra Quyết định số 2157/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chịu trách nhiệm đảm bảo Việt Nam thực hiện đúng cam kết đã đưa ra tại COP26. Đây là bước đi pháp lý đầu tiên của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của mình. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đưa ra Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục các lĩnh vực và cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, bao gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, quy trình công nghiệp và nông-lâm nghiệp.

Gần đây nhất, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 đã quy định rõ ràng về phát triển thị trường carbon Việt Nam, vạch ra hai giai đoạn chính: Đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Và giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028 và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Như vậy, từ năm 2028, nếu các nhà máy, doanh nghiệp không thể giảm sản lượng carbon, họ sẽ phải mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải. Nếu không làm như vậy, các công ty đó có thể bị phạt hành chính.

Việt Nam đã bước đầu tham gia thị trường carbon

Việt Nam đã gián tiếp tham gia vào các hoạt động mua bán tín chỉ carbon thông qua một số đề án, dự án như Cơ chế phát triển sạch (CDM) - được thông qua theo Nghị định thư Kyoto tháng 12/1997 và Cơ chế mua bán khí thải của Liên minh châu Âu (EU-ETS).

Dự án CDM hướng đến giúp các nước đang phát triển như Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững. Theo cơ chế phát triển sạch, các quốc gia phát triển có mức phát thải khí nhà kính cao có quyền đầu tư kinh phí và công nghệ vào các nước đang phát triển để giảm thiểu 6 loại khí nhà kính. Sau đó, các nước phát triển được quyền mua bán lượng khí nhà kính giảm thiểu được trên thị trường thế giới và quốc gia mình. Tính đến tháng 6 năm 2020, Việt Nam đứng thứ 4 về số dự án CDM trên thế giới với 257 dự án.

Việt Nam cũng thể hiện sự tích cực thông qua việc tham gia Cơ chế tín chỉ chung (JCM) với Nhật Bản và Chương trình Giảm phát thải thông qua giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) là cơ chế Nhật Bản đề xuất đối với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải carbon thấp để hướng tới tăng trưởng xanh ở nước sở tại và hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản.

Kể từ khi thực hiện JCM vào năm 2013, Việt Nam đã tạo ra 10 triệu tấn tín chỉ carbon mỗi năm cho Nhật Bản thông qua 28 dự án. Việt Nam cũng đứng thứ 4 về số lượng tín chỉ trong số các nước tham gia và đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải của Nhật Bản.

Cuối năm 2018, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương được công nhận đủ điều kiện thanh toán cho các nỗ lực giảm phát thải dựa trên kết quả trong chương trình REDD+.

Triển vọng thị trường carbon của Việt Nam

Việc xây dựng thành công một thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và quan trọng hơn là cả môi trường.

Bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, một thị trường mua bán carbon thành công sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết COP26 đồng thời tạo điều kiện cho các cá nhân và doanh nghiệp thu lợi từ việc bán các khoản tín chỉ carbon ra nước ngoài.

Mặc dù hiện tại Việt Nam chưa có thị trường carbon, nhưng nền tảng xây dựng thị trường đang được phát triển và chính phủ cũng đang nỗ lực quản lý khí thải carbon để hướng đến xây dựng thị trường Những động thái này là rất cần thiết để Việt Nam đạt được các cam kết về khí hậu và cũng để đảm bảo Việt Nam tiếp tục kết nối với thương mại quốc tế.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ