(Tổ Quốc) - Cả Hải quân và Không quân Mỹ đều được trang bị các máy bay chiến đấu. Vậy điểm khác biệt giữa các phi công phục vụ hai quân chủng này là gì?
Trang mạng We are the Mighty đã nêu ra 4 điểm khác biệt giữa phi công Không quân và phi công Hải quân Mỹ.
1. Huấn luyện – Đào tạo
Khóa đào tạo phi công Không quân bắt đầu bằng nội dung bay nhập môn, bao gồm 25 giờ bay thực hành dành cho các ứng viên tốt nghiệp trường Quân đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị (ROTC) hoặc trường đào tạo sĩ quan chưa có bằng phi công dân sự. Giai đoạn đầu tiên cũng bao gồm 25 giờ giảng dạy trên lớp về kỹ thuật bay.
Khóa huấn luyện ban đầu này thường diễn ra tại một trong ba địa điểm: căn cứ Không quân Columbus (Mississippi), căn cứ Không quân Laughlin (Texas), hoặc căn cứ Không quân Vance (Oklahoma).
Sau đó, các ứng viên sẽ tham gia khóa đào tạo phi công chuyên ngành kéo dài 1 năm, thời lượng 10-12 giờ mỗi ngày. Nội dung bao gồm học lý thuyết trên lớp, đào tạo mô phỏng và bay.
Tiếp theo, các ứng viên tham gia 1 trong 4 bài huấn luyện nâng cao, xét theo thứ hạng mà họ đạt được trên lớp học, đồng thời học cách lái một loại máy bay cụ thể như T-1 hoặc T-38.
Trong khi đó, với chương trình huấn luyện của Hải quân, các ứng viên phi công sẽ học lại máy bay Beechcraft T-6B Texan II (JPATS) hoặc T-34C Turbo Mentor. Khóa huấn luyện bay sơ cấp của Hải quân dạy những kiến thức cơ bản về bay trong khoảng 6 tháng.
Sau khi hoàn thành chương trình sơ cấp, các học viên hải quân được chọn 1 trong 4 hướng huấn luyện nâng cao với các loại máy bay như E-6B Mercury, máy bay tuần tra hàng hải đa động cơ, trực thăng, máy bay có móc hãm đà.
Các ứng viên sẽ được chọn dựa trên nhu cầu của Hải quân, thành tích của học viên và nguyện vọng của họ.
Khác biệt lớn nhất trong chương trình huấn luyện của Không quân và Hải quân Mỹ là các phi công Hải quân phải học cách hạ cánh trên tàu sân bay. Quá trình đào tạo này rất khắt khe và đòi hỏi nhiều thời gian.
2. Nhiệm vụ
Hiện nay, các phi công chiến đấu của Không quân Mỹ nhìn chung được chuyên môn hóa và tập trung vào vai trò tác chiến không-đối-không. Do đó, họ tập trung rất nhiều vào hoạt động huấn luyện và đánh chặn, cũng như cận chiến.
Trong khi đó, phi công chiến đấu của Hải quân Mỹ lái máy bay đa nhiệm nên ngoài tác chiến không-đối-không, họ có thể thực hiện thêm một số nhiệm vụ khác.
Các nhiệm vụ của phi công Hải quân thường bắt đầu và kết thúc trên tàu sân bay nên đòi hỏi một mức độ đào tạo và tập trung khác với phi công Không quân Mỹ. Ví dụ như, các phi công Không quân hiếm khi cảm thấy căng thẳng trước các kỹ năng sử dụng cần lái và bánh lái để hạ cánh máy bay phản lực của họ.
3. Nơi hoạt động
Cả Không quân và Hải quân Mỹ đều có các căn cứ nằm rải rác dọc theo các bờ biển của Mỹ. Căn cứ của lực lượng không quân nhìn chung đẹp hơn về cơ sở vật chất, có cả sân golf. Không quân Mỹ cũng có nhiều căn cứ hơn, rải khắp trên thế giới.
Ngoài ra, một lần nữa, sự khác biệt nổi trội giữa hai phía ở đây là phi công chiến đấu Hải quân Mỹ dành nhiều thời gian trên tàu sân bay.
4. Đội bay biểu diễn
Do môi trường hoạt động, các loại máy bay của Không quân Mỹ và Hải quân Mỹ không giống nhau, hoặc khác biệt hoàn toàn, hoặc là hai phiên bản khác nhau của cùng một loại máy bay.
Cả hai quân chủng này cũng có những đội bay biểu diễn riêng để phục vụ các sự kiện lớn. Đội bay biểu diễn Blue Angels của Hải quân Mỹ sử dụng các tiêm kích hạm F/A-18, trong khi đội bay Thunderbirds của Không quân Mỹ gắn liền với các tiêm kích F-16.