• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quyết định Jerusalem: Mỹ gián tiếp “bùng lửa” căng thẳng Châu Âu

Thế giới 09/12/2017 07:11

(Tổ Quốc) - Sự chia rẽ nội khối EU về xung đột Israel – Palestine càng được “thổi bùng” với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem đã một lần nữa làm dấy lên căng thẳng giữa các chính phủ Châu Âu. Phần lớn các thành viên EU đều mong muốn một nền hoà bình tại Trung Đông, nhưng thái độ của họ đối với Israel và người Palestines lại không giống nhau.

“Cho đến hiện tại, nước Mỹ đã có thể đảm nhận một vai trò hoà giải trong cuộc xung đột, tuy nhiên, họ đã tự loại bỏ bản thân mình [ra khỏi tình hình] một chút,” Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu hôm thứ Sáu (8/12). “Thực tế là họ đang đứng một mình và bị cô lập trong vấn đề này,” ngài Bộ trưởng trả lời đài phát thanh France Inter.

Trong khi Anh đang “bận rộn” với tiến trình thương lượng Brexit, Pháp không ngừng nỗ lực để dẫn đầu Châu Âu trong các cuộc thương lượng tại Trung Đông. Hồi tháng Một, Paris thậm chí từng tổ chức một hội nghị hoà bình.

Tuy nhiên, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU, bà Federica Mogherini mới là người chính thức thay mặt cho khối này trong “bộ tứ” bao gồm Mỹ, Liên Hợp Quốc, EU và Nga.

Hôm thứ Năm (7/12), bà Mogherini đã cam kết thúc đẩy các bước ngoại giao với Nga, Mỹ, Jordan và một số nước khác – nhằm đảm bảo người Palestine cũng có một thủ đô tại Jerusalem. Bà cũng khẳng định, Mỹ vẫn là người kiến tạo hoà bình chủ chốt.

Tuy nhiên, Hungary đã chặn việc phát đi một thông cáo chung, đưa ra bởi 28 Chính phủ Châu Âu nhằm trả lời cho công bố của ông Trump hôm thứ Tư (6/12) “Không có sự thay đổi trong chính sách về Trung Đông của Hungary so với quá khứ. Chúng tôi đã nói rõ là chúng tôi mong muốn một giải pháp đã được đàm phán,” cựu Ngoại trưởng Italy cho biết, đồng thời từ chối bình luận động thái của Mỹ. “Chúng tôi không coi một thông cáo chung của 28 nước thành viên EU là cần thiết trong vấn đề này.”

Tối thứ Tư, Ngoại trưởng Czech Lubomir Zaoralek nói, nước này sẽ bắt đầu cân nhắc chuyển Đại sứ quán Czech từ Tel Aviv sang Jerusalem “dựa trên kết quả của các cuộc đàm phán với các bên liên quan chủ chốt tại khu vực và trên thế giới”. Nhiều người Israel tại Czech nhìn nhận lời phát biểu cuả ông Zaoralek thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của ông Trump.

Tuy nhiên, hôm qua (8/12), bà Mogherini tiết lộ, Ngoại trưởng Czech khẳng định với bà rằng, những gì ông nói “chắc chắn không phải là hành động ủng hộ” cho động thái của chính quyền Mỹ.

“Ông ấy đảm bảo với tôi, Cộng hoà Czech chắc chắn gắn bó với lập trường vững chãi của Châu Âu,” bà Mogherini chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Jordan.

Theo các nhà ngoại giao, Prague chỉ công nhận chủ quyền của Israel tại Tây Jerusalem. Trong khi đó, người Palestine muốn đặt thủ đô của quốc gia tương lai tại Đông Jerusalem – vùng đất đã thuộc quyền kiểm soát của Israel trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình mà thiếu sự công nhận rộng rãi của quốc tế.

Một người phản đối bị binh lính Israel bắt giữ. Đụng độ đã bùng lên giữa người Palestine và quân đội Israel sau khi ông Trump tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem

EU muốn có sự thống nhất trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel

Bà Đại diện cũng nhấn mạnh, tất cả các chính phủ EU đều thống nhất trong vấn đề Jerusalem, đồng thời tìm kiếm một giải pháp hướng tới một quốc gia Palestine tại các vùng lãnh thổ (Bờ Tây, Dải Gâz và Đông Jerusalem) – do Israel kiểm soát từ 50 năm trước.

EU tin tưởng vào nghĩa vụ nâng cao vị thế cho tiếng nói của khối, trong vai trò nhà tài trợ lớn nhất của Palestine và đối tác thương mại lớn nhất của Israel. Tuy nhiên, những tranh cãi chính trị nội khối đã khiến ảnh hưởng của EU bị sụt giảm ít nhiều.

Các Ngoại trưởng EU thể hiện sự thống nhất trong cuộc gặp gỡ sắp tới với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Brussels hôm thứ Hai (11/12) sắp tới. Một nhà ngoại giao cấp của Pháp nhận định, việc quan trọng là các chính phủ EU phải có được một thông điệp rõ ràng gửi tới Thủ tướng Israel.

“Những gì chúng ta sẽ cố gắng và sẽ làm, chính là thuyết phục các đối tác Châu Âu khi gặp gỡ Netanyahu… để nói với ông ấy rằng, những gì đang diễn ra với Mỹ là một vấn đề nghiêm trọng cho ông ấy, Israel và bất kỳ triển vọng hoà bình nào,” nhà ngoại giao trên nói.

Hôm Chủ nhật (10/12), ông Netanyahu sẽ dừng chân tại Paris và có cuộc đối thoại với Tổng thống Pháp Emanuel Macron.

Các chính phủ EU theo đuổi nhiều lập trường khác nhau về cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine. Trong khi Czech và Đức ủng hộ mạnh mẽ cho Israel, năm 2014 Thuỵ Điển từng đưa ra quyết định thừa nhận nhà nước Palestine tương lai.

Dưới con mắt một số quan chức Israel, EU đang quá “thân cận” với Palestine. Điều này thể hiện ở sự phản đối lâu năm của EU với những khu định cư Israel tại vùng Bờ Tây.

(Theo Reuters)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ