(Tổ Quốc) - Viện Bảo tồn di tích, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa phối hợp ra mắt 3 cuốn sách mới, gồm: "Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích"- tập 3, "Kiến trúc đền Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích" và "Kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích".
Nội dung các cuốn sách giới thiệu tư liệu bản vẽ, ảnh và bài viết về các di tích do Viện Bảo tồn di tích thực hiện trong 40 năm qua. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số di tích đề cập trong các cuốn sách hiện chỉ còn giữ được thông tin trong hồ sơ lưu trữ, di tích đã bị biến đổi hoặc thậm chí phá hủy. Tại buổi lễ, các độc giả, nhà nghiên cứu đã đánh giá cao nghĩa cử của Viện Bảo tồn di tích khi công bố các tư liệu quý hiếm này.
Ba cuốn sách cung cấp những thông tin xác thực nhất về hiện trạng, quá trình tồn tại và phát triển của di tích. Những cuốn sách mới phát hành kết tinh nghiên cứu dày công trong nhiều năm của Viện Bảo tồn di tích, đặc biệt có những bản vẽ tư liệu quý giá là công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ cán bộ kỹ thuật. Đây là những tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà quản lý, giới nghiên cứu và độc giả yêu di sản kiến trúc.
Việc xuất bản các ấn phẩm này là một nỗ lực lớn của Viện Bảo tồn di tích xuất phát từ mong muốn được chia sẻ và trao đổi với các bạn đọc, các nhà nghiên cứu những tư liệu quý về di tích Việt Nam
Ngay sau khi ra mắt, các cuốn sách đã được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao, khẳng định đây là nguồn tư liệu cần thiết cho tất cả những ai quan tâm nghiên cứu về kiến trúc, văn hóa truyền thống của người Việt.
Đến nay, Viện đã xuất bản được chín cuốn sách, chọn giới thiệu những di tích tiêu biểu thuộc các loại hình kiến trúc: đình, chùa, đền, nhà thờ công giáo, hình tượng linh vật. Những tư liệu đó đã gây nhiều hào hứng với các nhà nghiên cứu kiến trúc cổ, nghệ thuật, mỹ thuật truyền thống… cả trong và ngoài nước cũng như những người quan tâm. Viện sẽ tiếp tục cho ra mắt các tập tiếp theo với các chủ đề mới như các làng cổ điển hình ở các miền, các loại hình kiến trúc ở miền trung và miền nam.
Những tài sản - di sản vật chất của văn hóa cổ truyền mong manh trước áp lực đời sống hiện đại, dễ bị hư hỏng, mất mát không chỉ bởi thiên nhiên, thời gian, mà còn bởi những sự can thiệp của con người vô tình hay hữu ý, đi ngược với những nguyên tắc của bảo tồn.
Qua nửa thế kỷ, Viện Bảo tồn di tích đã có khoảng 135 m giá hồ sơ của hơn 7.000 di tích đã được khảo sát, đo vẽ và lưu trữ, với hơn nửa triệu trang tài liệu, trong đó khoảng 1.200 hồ sơ di tích đã được số hóa.