(Tổ Quốc) - Ra mắt cuốn sách "Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19"; Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; Điều tra việc mất trộm cổ vật trên địa bàn thành phố… là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại thành phố Hà Nội.
- 30.04.2020 Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- 30.04.2020 Tuyên truyền về vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em
- 29.04.2020 Phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Khánh Hòa"
- 29.04.2020 Thái Bình tiếp tục đóng cửa, dừng đón khách tham quan các di tích đến hết ngày 03/5/2020
"Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19"
Là chủ đề cuốn sách đầu tiên nói về chiến dịch phòng, chống Covid-19 tại nước ta "Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19" do Nhà Xuất bản Lao động xã hội xuất bản ra mắt sáng 29/4.
Ý tưởng ra đời cuốn sách được hình thành từ tâm huyết của nhà báo Ngọc Niên (nguyên Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận) và doanh nhân Nguyên Đức Cây, với mong muốn sớm có một cuốn sách ghi lại những diễn biến của cuộc chiến chống dịch quyết liệt, kiên cường tại nước ta, để kịp thời động viên các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và cũng là tư liệu sống động cho mai sau.
Ban soạn thảo cuốn sách gồm nhà báo Ngọc Niên (chủ biên) và các nhà báo, biên tập viên giàu kinh nghiệm như Trần Đình Thảo, Lưu Trần Luân, Bùi Đức Toàn, thực hiện gấp rút trong vòng 20 ngày, trong thời gian cả nước thực hiện cách ly xã hội.
Cuốn sách dày 280 trang, in màu toàn bộ, gồm các chương: "Mệnh lệnh của Tổ quốc", "Các chiến binh vào trận", "Cuộc chiến sinh tử 15 ngày đêm", "Toàn dân ra trận", "Thế giới ca ngợi Việt Nam"...
Trong đó, mở đầu cuốn sách là những văn bản của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với những quyết sách kịp thời, nhạy bén chỉ đạo cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
Các nội dung tiếp theo là những trang viết mang tính thời sự, hơi thở thời cuộc về sự vào cuộc chống dịch của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những ngày tháng căng thẳng dập dịch ở các điểm nóng, có ổ dịch lớn.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng khắc họa hình ảnh những lực lượng xung kích ở tuyến đầu quên mình vì tính mạng của bệnh nhân; sự đồng hành của những tấm lòng đóng góp tiền bạc, vật chất cho lực lượng chống dịch và các khu cách ly, tạo sự khâm phục của dư luận quốc tế...
Ban biên soạn cuốn sách đã triển khai công việc nhanh chóng, nghiêm túc để hoàn thành cuốn sách vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), đồng thời chúc mừng những thắng lợi trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cuốn sách được chính thức phát hành trên cả nước vào ngày 30/4.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
Ngày 29/4, Sở Du lịch Hà Nội có Công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 28-4 của UBND thành phố, Hà Nội mở lại hoạt động du lịch nội địa gắn với an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Sở Du lịch đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã; tổ chức, cá nhân quản lý các điểm tham quan, du lịch tại các địa bàn được hoạt động trở lại (trừ huyện Mê Linh và Thường Tín) phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Cụ thể, các địa phương phải trang bị phòng hộ cho nhân viên, nhắc nhở khách du lịch và nhân viên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi tham gia các dịch vụ du lịch; thường xuyên vệ sinh, khử trùng các điểm tham quan; bố trí chỗ rửa tay hoặc cung cấp nước sát khuẩn cho khách; đo thân nhiệt khách tham quan; bảo đảm giãn cách và không tập trung đông quá 20 người tại cùng một khu vực.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải bố trí đường dây nóng, bố trí người hỗ trợ khách du lịch. Nếu thấy khách có vấn đề về sức khỏe phải khẩn trương báo cáo cơ quan chức năng. Các cơ quan liên quan cũng phải kịp thời báo cáo về tình hình đón khách trong dịp nghỉ lễ này.
Các điểm tham quan du lịch tiếp tục dừng tổ chức các hoạt động, các dịch vụ tại cơ sở, gồm: Khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, internet, nhà hát, rạp chiếu phim... Các khu, điểm tham quan du lịch thực hiện chế độ báo cáo tình hình hoạt động trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Điều tra việc mất trộm cổ vật
Ngày 29/4, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Giám đốc Công an Thành phố và Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) về việc điều tra việc mất trộm cổ vật trên địa bàn thành phố.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng mất trộm cổ vật tại các di tích quốc gia, trong đó có nhiều cổ vật có giá trị cao. Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra tình trạng trộm cắp cổ vật, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân (nếu có) liên quan đến việc bảo vệ di tích trên địa bàn; tăng cường tuần tra, canh gác, hướng dẫn việc lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.
UBND thành phố cũng giao Giám đốc Sở VHTT đôn đốc, thực hiện nghiêm túc việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Sở VHTT Hà Nội đề nghị truy tìm số cổ vật, hiện vật bị mất vừa qua tại 4 di tích ở huyện Thanh Oai.
Bộ VHTTDL đề nghị Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp thông tin về hiện vật cho cơ quan chức năng để phục vụ điều tra. Đồng thời, kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp; đề xuất biện pháp bảo vệ di tích.
Bộ VHTTDL cũng yêu cầu Sở VHTT báo cáo UBND thành phố chỉ đạo cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng tổ chức truy tìm để trả lại hiện vật bị mất cắp cho di tích; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc.
Về tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý với tổ chức quản lý di tích. Đồng thời tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.
Trong vòng chưa đầy 1 tháng từ khoảng giữa tháng 3 cho tới nửa đầu tháng 4, trên địa bàn huyện Thanh Oai đã xảy ra 4 vụ mất trộm với tổng số 26 cổ vật đã bị đánh cắp.
Ngày 13/3, kẻ gian đột nhập chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng) lấy đi 1 pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen, chiều cao 70-80 cm. Đây là lần thứ 3, pho tượng này bị kẻ gian lấy cắp. 2 lần mất trước đều được tìm thấy nguyên trạng và trả lại cho chùa.
Ngày 16/3, đình Đại Định (thôn Đại Định, xã Tam Hưng) bị kẻ gian cắt khóa, phá cửa đột nhập lấy đi hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc cùng 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng và 1 bình sứ cổ.
Ngày 29/3, tại chùa Dư Dự (xã Thanh Thủy) kẻ gian cắt khóa lấy trộm 1 chuông đồng, 2 bát bình hương.
Đến ngày 11/4, kẻ gian tiếp tục đột nhập vào chùa Từ Châu (xã Liên Châu) lấy trộm 1 chuông đồng có chiều cao 1 m, đường kính 0,6 m.