• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rạn nứt trong thân cận Nga, Trung liệu có bị "khoét rộng" tại khu vực đặc biệt này?

Thế giới 31/07/2019 08:45

(Tổ Quốc) - Mặc dù mối quan hệ Moscow và Bắc Kinh đang không ngừng phát triển, nhưng liệu những mâu thuẫn giữa hai bên có được giải quyết tại Trung Á?

Trong chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga hồi đầu tháng 6, hai nước đã ký kết một tuyên bố chung cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cùng với khoảng 30 hiệp định kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích Mỹ vì áp dụng trừng phạt đối với Trung Quốc và hứa sẽ hợp tác với Bắc Kinh để giảm thiểu áp lực từ Washington. Nga và Trung cũng thống nhất sẽ bắt tay đối phó với những mục tiêu của Mỹ liên quan tới Triều Tiên và Iran.

Trong khi giới phân tích còn đang băn khoăn về việc quan hệ Nga-Trung đã đạt đỉnh hay sẽ còn phát triển, thì trang Nikkei Asian Review cho rằng, Bắc Kinh và Moscow vẫn phải dè chừng và tìm cách giải quyết một số bất đồng giữa hai bên.

NgaTQ

Quan hệ Nga-Trung đã đạt tới đỉnh hay sẽ còn phát triển? (ảnh: getty)

Theo một chuyên gia quân sự Nga, Moscow đang "cảm thấy một nguy cơ tiềm tàng" từ Trung Quốc. Sự khác biệt giữa hai cường quốc đang tiếp tục được mở rộng: GDP của Trung Quốc gấp 8 lần so với Nga, và dân số nước châu Á cũng lớn hơn Nga 10 lần. Nga đặc biệt lo ngại về viễn cảnh tại Trung Á – nơi hầu hết lãnh thổ từng nằm trong Liên Xô và vẫn được Nga nhìn nhận là "sân sau". Tuy nhiên giờ đây ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này lại không ngừng gia tăng.

Điều trên đã xảy ra trước hết là về mặt kinh tế. Năm 2018, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ba nước Cộng hòa Liên Xô cũ là: Uzbekistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan. Trung Quốc là nguồn cung FDI lớn nhất tại Kyrgyzstan và Tajikistan, đồng thời nhà đầu tư lớn thứ tư tại Kazakhstan.

Hiện Nga có thể "làm ngơ" những ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á bởi vì họ hy vọng có thể được hưởng lợi từ những cải thiện hạ tầng cơ sở và phát triển khu vực vùng mà làn sóng đầu tư Trung Quốc đem lại cho khu vực. Tuy nhiên, an ninh là một vấn đề khác.

Tại Uzbekistan, vào giữa tháng sáu vừa qua, các bộ trưởng, quan chức cấp cao và chuyên gia từ Mỹ, châu Âu và các nước láng giềng đã tham gia thảo luận về tình hình khu vực, trong đó những hành động của Trung Quốc là một chủ đề lớn.

Giới chuyên gia địa phương nhận định, môi trường chiến lược bắt đầu thay đổi từ một vài năm trước từ khi Trung Quốc được cho là bắt đầu triển khai quân đội tới Tajikistan. Cho tới hiện tại, Trung Quốc vẫn hạn chế không tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực do xem xét tới lập trường từ Nga. Tuy nhiên, các hành động của Bắc Kinh tại Tajikistan – nhằm ngăn cản những tay súng Hồi giáo cực đoan thâm nhập vào khu tự trị Tân Cương, đã cho thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của cường quốc châu Á.

NgaTQ1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon tại Moscow vào tháng 4/2019 (ảnh: getty)

Theo một nhà phân tích, liên quan tới tình hình biên giới Tajikistan, Trung Quốc có thể đã gửi quân tới nước này để giúp đỡ kiểm soát an ninh. Gần như chắc chắn Bắc Kinh đã được Moscow bật đèn xanh. Nhưng một số nhà ngoại giao địa phương cho rằng, Nga đang ngày càng quan ngại về động thái quân sự của Trung Quốc.

Căn cứ quân sự lớn nhất bên ngoài lãnh thổ của Nga chính là tại Tajikistan theo một hiệp định song phương kéo dài tới năm 2042. Một chiến lược gia về an ninh Trung Á nhận xét, với khoảng 8.000 lính Nga đang đồn trú tại đây, khó có thể tin được rằng quân đội Nga và Trung Quốc sẽ cùng tồn tại ở Tajkistan mà không vấp phải mâu thuẫn nào về lâu dài.

Mục tiêu của Bắc Kinh là có được một vai trò an ninh lớn hơn tại Trung Á mà không "chọc giận" Nga. Nhưng điều này nói dễ hơn làm. Ngoài ra, Moscow cũng đang suy xét về tham vọng của Mỹ tại khu vực.

Các nhà lãnh đao của 5 nước Trung Á từng lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai vào tháng Ba vừa qua. Tuy nhiên, hội nghị bị hủy bỏ do sự thay đổi Tổng thống đột ngột tại Kazakhstan. Mặc dù vậy, Nikkei Asia dẫn lời một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, lý do thực sự là do những người tham dự lo ngại làm dấy lên phản ứng tiêu cực từ Moscow.

Tiến sỹ Farkhod Tolipov, một nhà khoa học chính trị tại Viện nghiên cứu Tri thức Caravan tại Tashkent nhận định, Nga "đang nghĩ một cách sai lầm rằng, nếu Trung Á hòa nhập [với thế giới], khu vực này sẽ dần hướng về Mỹ và thậm chí nằm dưới ảnh hưởng của Mỹ".

Trong trường hợp một rạn nứt trong quan hệ Nga-Trung phát triển, ảnh hưởng của nó tới chính trị toàn cầu sẽ không hề nhỏ. Phương Tây và Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ một trục Nga-Trung "lung lay". Nó cũng sẽ khiến cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Triều Tiên.

Tại một hội nghị đối thoại công-tư giữa Mỹ và châu Âu tại Warsaw, Ba Lan hồi tháng Sáu, từng có một ý tưởng bàn về cách khoét sâu vào mâu thuẫn Nga-Trung, nhằm tạo ra một lợi thế cho phương Tây trong cuộc chạy đua chiến lược với Bắc Kinh.

Một số chiến lược gia quân sự tại Washington đánh giá, châu Âu sẽ không thể hàn gắn được với Tổng thống Putin sau quyết định sáp nhập Crimea của Moscow. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, Mỹ nên cố gắng làm giảm căng thẳng với Nga sau khi ông Putin kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024, từ đó khuyến khích Nga kiềm chế Trung Quốc.

Trung Quốc và Nga chia sẻ đường biên giới dài hơn 4.000 km. Và mặc dù gần như chắc chắn các cuộc đụng độ quân sự từng diễn ra trong quá khứ sẽ không lặp lại, nhưng sự thân cận giữa hai cường quốc nhiều khả năng cũng sẽ không thể kéo dài vĩnh viễn, nhìn vào quan hệ đối thủ địa chính trị truyền thống của hai nước.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ