• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ranh giới Trung Á sau khi Mỹ rời khỏi Afghanistan

Thế giới 15/10/2021 15:59

(Tổ Quốc) - Giới quan sát cho rằng, kế hoạch "ngoài đường chân trời" của Mỹ tại Afghanistan dường như chỉ là giấc mơ viển vông.

"Giấc mơ viển vông"

Theo tờ Wall Street Journal, trong cuộc họp giữa ông Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và ông Valery Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng của Nga ở Helsinki vào ngày 24/9, hai bên đã thảo luận về việc quân đội Mỹ sẽ sử dụng các căn cứ của Nga ở khu vực Trung Á vào thời gian tới. Để chắc chắn, trước thềm cuộc gặp ở Helsinki, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng C5+1 vào ngày 22/9 nhằm thảo luận về vấn đề Afghanistan. 10 ngày sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng đã đến Tashkent và tìm hiểu xem liệu Uzbekistan có kế hoạch sẵn sàng cho phép Lầu Năm Góc mở một số căn cứ ở nước này hay không? Tuy nhiên, vẫn chưa có tín hiệu nào từ các động thái trên.

Phát biểu về cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tại Moscow vào ngày 13/10 trên hãng tin TASS , Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, sẽ không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Trung Á cho dù vì lý do gì.

Nga vạch ra ranh giới ở Trung Á sau sự rời đi của Mỹ khỏi Afghanistan - Ảnh 1.

Tajikistan và quân đội Nga tiến hành một cuộc diễn tập quân sự chung gần biên giới Afghanistan-Tajikistan vào ngày 25/11/2020. Ảnh: AFP

"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Á là không thể chấp nhận dưới bất kỳ hình thức nào", ông Ryabkov khẳng định.

Tại cuộc họp, ông Ryabkov đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, tại thượng đỉnh Mỹ -Nga hồi tháng Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng căn cứ của Nga ở khu vực Trung Á nhằm thực hiện hoạt động tác chiến "ngoài đường chân trời" trong tương lai đối với Afghanistan. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng nhấn mạnh, Mỹ không có lý do gì để tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Á. Các tuyên bố của ông Ryabkov diễn ra sau khi đã đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc và Iran nhưng không có sự tham gia của Mỹ. Bên cạnh đó, trong tuần này, Tehran tiết lộ sẽ sớm tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao lần thứ hai giữa các nước láng giềng của Afghanistan và tìm cách mở rộng quy mô này thành những cuộc họp đặc biệt, bao gồm cả Nga. Điều đó có nghĩa rằng, các cuộc họp có sự tham gia của Iran, Pakistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Trung Quốc và Nga sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian tới. Nhận định của ông Ryabkov đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức Taliban và phái đoàn Mỹ do Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương dẫn đầu ở Doha vào cuối tuần trước. Cũng chính trong cuộc họp này, Taliban đã lên tiếng bác bỏ các hình thức hoạt động quân sự đơn phương của Mỹ ở Afghanistan cho dù bất kỳ vì lý do gì.

Trong khi đó, phía Pakistan cũng từ chối hỗ trợ các hoạt động của Mỹ đối với vấn đề Afghanistan. Mặc dù Ấn Độ đang càng ngày đóng vai trò đối tác cấp dưới của Mỹ về vấn đề an ninh khu vực nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng giữ im lặng trước các vấn đề liên quan tới chính phủ lâm thời Taliban. Điều này có nghĩa rằng, kế hoạch "ngoài đường chân trời" mà Lầu Năm Góc đã phát động chỉ là "giấc mơ viển vông". Các bình luận của ông Ryabkov minh chứng cho sự cảnh giác của Moscow đối với bất kỳ sự hiện diện quân đội hay hoạt động tình báo nào của Mỹ ở hoặc quanh Trung Á – động thái khiến Nga nhận thấy mối đe dọa an ninh.

"Nga dường như đang thể hiện sự thận trọng đối với các động thái từ Mỹ", giới quan sát nhận định.

Theo Thời báo châu Á (Asia Times), cả Trung Quốc và Iran cũng có suy nghĩ tương tự.

Nhìn chung, các quốc gia Trung Á hiện đang chú ý đến các ảnh hưởng gia tăng của Mỹ ở khu vực sau khi nước này quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Các quốc gia trong khu vực này dường như đang từ chối đi theo sự dẫn dắt của Washington.

Tính hợp pháp của chính phủ lâm thời Taliban

Đáng chú ý, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tham gia cuộc họp nhóm các nền kinh tế phát triển G20 về vấn đề Afghanistan vào ngày 13/10 do Italy chủ trì. Sáng kiến của Italy đặt mục tiêu huy động sự hỗ trợ quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Giới quan sát đang hướng chú ý đến sự công nhận của quốc tế đối với chính phủ lâm thời Taliban. Tài liệu tóm tắt kết quả cuộc họp G20 cũng "mập mờ" trước việc công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban. Tuy nhiên, kết quả cuộc họp lại "bật đèn xanh" cho phép sự tham gia của chính quyền Taliban ở phạm vi toàn diện.

Bản tóm tắt nêu rõ: "Các giải pháp phải xác định cam kết đảm bảo cung cấp dịch vụ cơ bản – đặc biệt là giáo dục và y tế, thay vì chỉ viện trợ khẩn cấp. Điều kiện nêu ra là dịch vụ phải đảm bảo cho tất cả người dân. Hoạt động của hệ thống thanh toán và sự ổn định tài chính chung cũng cần phải giải quyết nhanh chóng".

"Các nước G20 sẽ hợp tác với tổ chức quốc tế, các cơ chế tài chính, bao gồm ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức nhân đạo trong lĩnh vực này. G20 sẽ mời Ngân hàng Thế giới tham gia lộ trình tìm kiếm các khả năng khả thi, hỗ trợ cho cơ quan quốc tế có mặt tại quốc gia này đảm bảo hỗ trợ nhân đạo", bản tóm tắt nêu rõ.

Câu hỏi lớn đặt ra là việc công nhận ngoại giao của các quốc gia khu vực đối với chính quyền Taliban. Pakistan mong muốn các quốc gia trong khu vực nên đưa ra quyết định chung. Thực tế, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Văn hóa trong chính phủ lâm thời Taliban - Zabihullah Mujahid đã nói rằng: "Chúng tôi đang đàm phán với Nga, chủ yếu là việc công nhận chính phủ của chúng tôi và nối lại hoạt động của các đại sứ quán. Giải quyết các vấn đề này sẽ mở đường cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa", ông Zabihullah Mujahid nói./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ