• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ

Thế giới 26/08/2024 20:00

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia kinh tế cho biết, sau hơn một thập kỷ, tình trạng phân biệt giới tính vẫn tồn tại ở Ấn Độ và đây được xem là rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Theo trang CNBC, vụ cưỡng hiếp và giết hại một bác sĩ thực tập 31 tuổi vào đầu tháng này tại một trường cao đẳng y khoa ở Kolkata đã khiến các bậc phụ huynh và số lượng lớn nữ giới ở Ấn Độ thêm lo lắng về sự an toàn của họ. Trước vụ việc này, Tòa án Tối cao Ấn Độ mới đây đã thành lập lực lượng đặc nhiệm toàn quốc, với sự tham gia của đông đảo đội ngũ bác sĩ nhằm đưa ra các đề xuất về cách đảm bảo an toàn tốt hơn cho phụ nữ tại nơi làm việc.

Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Ấn Độ có 468 triệu nữ giới đang ở độ tuổi lao động nhưng chỉ có 38,2 triệu nữ giới tham gia vào lực lượng lao động của đất nước. Ảnh: Imagesbazaar | Photodisc | Getty Images

Năm 2023, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Ấn Độ là 33%, tăng 27% so với thập kỷ trước. Mặc dù con số đó có xu hướng tăng dần, nhưng tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động tại quốc gia Nam Á này vẫn còn kém xa so với Mỹ (56,5%), Trung Quốc (60,5%), Nhật Bản (54,9%) và Đức (56,5%).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ đô la vào cuối thập kỷ này và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết Ấn Độ sẽ vẫn gặp khó khăn để đạt được mục tiêu nếu đất nước không nỗ lực thúc đẩy nữ giới tham gia vào lực lượng lao động.

Bà Sunaina Kumar, thành viên cấp cao tại Quỹ nghiên cứu Observer có trụ sở tại Delhi ghi nhận tỷ lệ biết chữ của phụ nữ đã tăng lên, tỷ lệ sinh đã giảm, quá trình đô thị hóa đang được cải thiện và nền kinh tế đang phát triển. Nhưng những yếu tố này không làm gia tăng được sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động của đất nước.

Mối lo ngại về mức độ an toàn

Bà Kumar tin rằng mối lo ngại chung về mức độ an toàn đối với phụ nữ ở nơi công cộng đã góp phần khiến số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp.

Nhiều trẻ em gái hoặc phụ nữ lo lắng khi họ đi đến trường hoặc tham gia các chương trình đào tạo, chứng tỏ nỗi sợ hãi vẫn là rào cản lớn. Nỗi sợ hãi về việc bị tấn công tình dục được xem là rào cản lớn để phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Nhận xét của bà Kumar cũng được lặp lại trong một bài báo nghiên cứu năm 2021 của nhà kinh tế học tại Ngân hàng Thế giới Girija Borker, người đã báo cáo về cách các nữ sinh viên ở Delhi theo học tại một số trường học có chất lượng thấp hơn để tránh bị quấy rối tình dục khi đến và rời khỏi trường. Điều này có nghĩa là họ phải chọn các trường học gần nhà hoặc một tuyến đường thuận tiện hay phương tiện đi lại an toàn nhằm tránh những rủi ro gặp phải.

Tuy nhiên, những hạn chế như vậy có thể ngăn cản phụ nữ giành được cơ hội tốt trong cuộc sống.

"Lực lượng lao động có trình độ cao được cho là động lực tăng trưởng kinh tế đất nước trong những năm tới. Tuy nhiên, khi các bậc phụ huynh biết được về vụ hiếp dâm và giết người gần đây liên quan đến một phụ nữ có trình độ học vấn cao, họ đã có những suy nghĩ và lo sợ con cái gặp phải tình huống tương tự.

Thống kê cũng ghi nhận hơn 31.500 vụ hiếp dâm được báo cáo ở Ấn Độ vào năm 2022. Mặc dù con số này đã giảm nhẹ so với năm trước, nhưng vẫn cao hơn so với giai đoạn từ 2010 đến 2013, khi các vụ việc được báo cáo dao động từ khoảng 22.000 đến 24.000 trường hợp.

Đảo ngược chuẩn mực giới

Theo Jayati Ghosh, Giáo sư kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, bất bình đẳng giới trong xã hội vẫn tiếp tục là một trở ngại mà Ấn Độ cần phải vượt qua nếu muốn đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế.

"Vấn đề bất bình đẳng giới tính vẫn tồn tại trong xã hội Ấn Độ. Điều đó cần phải được khắc phục để thúc đẩy phát triển đất nước", ông Ghosh nói.

Theo Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Ấn Độ xếp hạng 129/146 về bình đẳng giới, sau các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ ( vị trí thứ 43), Trung Quốc ( vị trí thứ 106), Nhật Bản (vị trí thứ 118) và Đức ( vị trí thứ 7).

"Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động sẽ giúp cho nền kinh tế Ấn Độ phát triển hơn và thể hiện vai trò bình đẳng hơn trong gia đình", ông La Ferrara từ Đại học Harvard nhận định.

Bên cạnh đó, một số nhà kinh tế cũng tỏ ra nghi ngờ về mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ tướng Modi để đưa Ấn Độ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047. Các chuyên gia cho rằng để khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, chính phủ Ấn Độ phải có các biện pháp bảo vệ phụ nữ tốt hơn để họ cảm thấy an tâm hơn khi tham gia các hoạt động xã hội. Điều đó có thể bắt đầu từ việc giáo dục trẻ em trai từ khi còn nhỏ.

"Những định kiến về giới tính trong xã hội Ấn Độ đã tồn tại từ rất lâu và sẽ mất hàng thập kỷ để thay đổi điều này. Chúng ta cần phải cải thiện tâm lý của trẻ em trai và định hướng thay đổi những định kiến từ thời cha ông trước đó", ông Kotwal nhấn mạnh.

Chuyên gia Ghosh lập luận rằng chính phủ cũng cần tăng chi tiêu và cải thiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia lực lượng lao động hơn./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ