• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rò rỉ tin Nga sắp trang bị UAV "mới tinh" cho tàu sân bay Kuznetsov - Chuyên gia nói gì?

Thế giới 17/06/2022 13:43

(Tổ Quốc) - Trong bài viết được Vz.ru đăng tải mới đây, nhà phân tích Alexander Timokhin cho rằng Hải quân Nga đang đi đúng hướng với ví dụ lấy từ... Hải quân Mỹ.

"Đô đốc Kuznetsov" sắp được trang bị UAV?

Mới đây trong cuộc phỏng vấn của Zvezda (thuộc Bộ Quốc phòng Nga), người đứng đầu Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (USC) Alexei Rakhmanov cho biết rằng tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (hiện đang được sửa chữa và hiện đại hóa) "sẽ hoàn toàn khác".

Ông Rakhmanov nói thêm rằng "điều này không chỉ áp dụng cho bản thân con tàu mà còn cho cả lực lượng không quân của nó".

Cần lưu ý rằng trước đó TASS dẫn nguồn từ hải quân cho biết "chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của máy bay không người lái (UAV) cất hạ cánh từ boong (tàu) mới nhất được lên kế hoạch vào năm 2025.

Việc sản xuất hàng loạt khí tài này để trang bị cho các tàu của Hải quân Nga sẽ bắt đầu vào năm 2026".

Nếu hai thông điệp này được kết nối với nhau - có thể cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang chế tạo 1 UAV đặc biệt cho Đô đốc Kuznetsov.

Rò rỉ tin Nga sắp trang bị UAV mới tinh cho tàu sân bay Kuznetsov - Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Tàu sân bay (chính xác hơn là tuần dương hạm mang máy bay) Đô đốc Kuznetsov tại Murmansk. Ảnh được nhiếp ảnh gia O.Filonok chụp vào ngày 31/5.

Ý tưởng về việc chế tạo hẳn 1 UAV dành riêng cho Kuznetsov có vẻ kỳ lạ chủ yếu chỉ là do sự không chắc chắn về số phận của chính con tàu này. Việc trở lại biển của Kuznetsov đã một lần nữa đã bị hoãn lại - lần này là đến năm 2024.

Bỏ qua Kuznetsov, một số người đã đưa ra ý tưởng thông qua Internet rằng những UAV nói trên được phát triển dành cho các tàu đổ bộ tấn công lớp Đề án 23900 trong tương lai - được cho là đang được đóng ở Crimea.

Nhưng thực tế là mặc dù việc đặt đóng chính thức những con tàu nói trên đã diễn ra cách đây gần hai năm (20/7/2020) hiện vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng bằng ảnh nào cho thấy hoạt động này đang diễn ra.

Có thể có nhiều lý do giải thích cho thực tế nói trên - nhưng rõ ràng để nói về việc chế tạo một UAV cho các con tàu này gần như là vô nghĩa. Và đó cũng là lý do tại sao tất cả các rò rỉ về việc tạo ra các UAV chuyên dụng trên tàu sân bay hoặc tàu chiến - đều là không chính thức.

Nhưng có thể thấy Hải quân Nga rất cần UAV - điều này được chứng minh thông qua kinh nghiệm của người Mỹ.

Rò rỉ tin Nga sắp trang bị UAV mới tinh cho tàu sân bay Kuznetsov - Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Một đồ họa về tàu đổ bộ tấn công lớp Đề án 23900 Ivan Rogov có lượng giãn nước 40.000 tấn. Tàu được cho là có thể mang theo 21 trực thăng (Ka-27/29/31/52K/65) và 4 UAV S-70 Okhotnik-B.

Hải quân Nga phải học các "đối tác" Mỹ điều gì?

UAV hải quân đặc biệt đầu tiên trên thế giới là Gyrodyne QH-50 DASH - một UAV dạng trực thăng chống ngầm của Mỹ.

Chiếc máy bay này được chế tạo vào cuối những năm 1950 và được Hải quân Mỹ đưa vào trang bị từ năm 1963 nhằm thay thế các trực thăng chống ngầm có người lái trên các khu trục hạm không có khả năng trang bị trực thăng chống ngầm có người lái.

Gyrodyne QH-50 DASH đã chứng minh được 2 điều. Đầu tiên là giải pháp này đã thực sự hoạt động và có hiệu quả nhất định - các camera trên UAV đã truyền hình và điều chỉnh hỏa lực pháo binh trong Chiến tranh Việt Nam.

Và thứ hai là các UAV dạng trực thăng không thể so sánh về năng lực với trực thăng có người lái và đã được thay thế bởi "đối thủ" trên các thế hệ khu trục hạm hiện đại hơn.

Rò rỉ tin Nga sắp trang bị UAV mới tinh cho tàu sân bay Kuznetsov - Chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

UAV Gyrodyne QH-50 DASH.

Cuộc chiến thứ hai mà UAV của Hải quân Mỹ tham chiến là Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. UAV AAI RQ-2 Pioneer cất cánh từ các thiết giáp hạm lớp Iowa đã giúp điều chỉnh hỏa lực của hải pháo 406 mm vào các vị trí đối phương trên bờ biển Iraq.

Sau đó, tầm quan trọng của UAV đối với Hải quân Mỹ là gần như không thể tranh cãi.

Hiện họ đang trang bị nhiều loại UAV khác nhau - thú vị nhất có lẽ là UAV dạng trực thăng Northrop Grumman MQ-8 Fire Scout.

Ban đầu MQ-8 được thiết kế để trinh sát (chủ yếu là các mục tiêu ven biển) và sau đó đã được sử dụng ở Afghanistan. Hiện người Mỹ đang có kế hoạch trang bị radar cho các UAV này để bổ sung năng lực trinh sát trên biển.

So sánh với "kho" UAV của Hải quân Mỹ, rõ ràng Hải quân Nga có rất nhiều việc để làm.

Rò rỉ tin Nga sắp trang bị UAV mới tinh cho tàu sân bay Kuznetsov - Chuyên gia nói gì? - Ảnh 4.

UAV Northrop Grumman MQ-8 Fire Scout với hậu cảnh là tàu đổ bộ vận tải Nashville trong chuyến thử nghiệm ngoài khơi Maryland vào năm 2006.

Hải quân Nga sẽ cần tới 2 UAV?

Hải quân Nga bắt đầu sử dụng hàng loạt UAV vào những năm 2010, khi những UAV Orlan đầu tiên xuất hiện trong hạm đội.

Năng lực của Orlan là lý tưởng cho trinh sát các mục tiêu mặt đất và điều chỉnh hỏa lực pháo binh hải quân. Nó cũng có thể được sử dụng để trinh sát trên biển, nhưng hiệu quả rất thấp - UAV loại này không được chế tạo cho các nhiệm vụ như vậy.

Vậy Hải quân Nga cần gì và làm thế nào để đạt được điều này?

Đầu tiên, đối với các hoạt động quân sự ven bờ - cần 1 UAV trinh sát được tối ưu hóa để hoạt động trên mặt đất - như Orlan nhưng không có những nhược điểm của Orlan (chẳng hạn như việc bị radar phòng không đối phương bám bắt).

Nếu có thể, khí tài này sẽ hoạt động được ở tầm xa - thậm chí tìm và và chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu chiến.

Điều này có vẻ không cần thiết ở hiện tại vì Nga đang chiến đấu ngay gần biên giới - nhưng điều này sẽ quan trọng nếu tác chiến ở các chiến trường xa hơn.

Rò rỉ tin Nga sắp trang bị UAV mới tinh cho tàu sân bay Kuznetsov - Chuyên gia nói gì? - Ảnh 5.

UAV Orlan-10 đang được Lục quân Nga sử dụng tích cực cho mục đích trinh sát và chỉ thị mục tiêu ở Ukraine, Syria, Nagorno-Karabakh.

Thứ hai, Hải quân Nga cần một khí tài trinh sát chuyên dụng trên biển - và có thể tham khảo cách người Mỹ phát triển các UAV chống ngầm. UAV loại này cũng cần được phát triển một loạt các cảm biến thích hợp như trạm trinh sát điện tử, radar và sonar.

UAV sẽ giúp phát hiện tín hiệu radar trên tàu đối phương, đến gần một phân đội tàu địch, phân loại mục tiêu và có thời gian để truyền dữ liệu mục tiêu đến tàu của chính nó trước khi bị hạ - với cách này, vấn đề quan trọng về chỉ định mục tiêu có thể được giải quyết.

Đối với nhiệm vụ săn ngầm, sử dụng camera nhiệt UAV có thể phát hiện vùng "khả nghi" - khu vực nước ấm giữa vùng nước lạnh - và thả sonar để kiểm tra xem có sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân hay không.

Rò rỉ tin Nga sắp trang bị UAV mới tinh cho tàu sân bay Kuznetsov - Chuyên gia nói gì? - Ảnh 6.

UAV S-70 Okhotnik-B và vũ khí được cho là 2 tên lửa chống hạm Kh-31 (Ảnh: Sputnik).

Kết luận

Việc trang bị UAV cho tàu hải quân của Nga là rất quan trọng - nhưng cho tới nay vẫn chưa được làm rõ.

Và UAV được phát triển cho "Đô đốc Kuznetsov" - nếu là thật sẽ có một ý nghĩa đặc biệt nếu nhìn lại phi đội máy bay của con tàu.

Những chiếc Su-33 và MiG-29K đã không thể trở thành hình mẫu về hiệu quả chiến đấu trong 30 năm qua - ngược lại rất nhiều tiền đã được chi cho cơ sở hạ tầng liên quan, bảo trì và huấn luyện.

Không thể loại trừ khả năng một số sai lệch đã xảy ra. Ví dụ như chế tạo một UAV hạng nặng cho một con tàu chưa được đóng - đồng thời, có thể UAV sẽ không thể cất cánh từ các khinh hạm và hộ tống hạm hiện có trong trang bị.

Tuy vậy tư duy về việc chế tạo các UAV đặc biệt cho chiến tranh trên biển là hoàn toàn chính xác.

Không có gì nghi ngờ gì rằng chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraine sẽ là lý do cho những điều chỉnh đáng kể về ý tưởng và cách thức trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga - bao gồm cả không quân trực thuộc hải quân.

Rò rỉ tin Nga sắp trang bị UAV mới tinh cho tàu sân bay Kuznetsov - Chuyên gia nói gì? - Ảnh 7.

Việc Moskva - soái hạm của Hạm đội Biển Đen bị chìm vào tháng 4 rõ ràng là "hồi chuông báo động" cho Hải quân Nga.

Hoài Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ