• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rộ tin bàn tay Tổng thống Trump tháo ngòi nổ chiến sự Qatar?

Thế giới 20/09/2017 21:54

(Tổ Quốc) - Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã xem xét hành động quân sự trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar.

Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã xem xét hành động quân sự trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng quan hệ với Qatar. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với các nhà lãnh đạo của cả hai nước này và cảnh báo họ rút lại ý tưởng trên, Bloomberg dẫn lời hai nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận của Tổng thống Mỹ.

Sức mạnh Iran khiến Mỹ nghĩ lại?

Hai nguồn tin trên – yêu cầu giấu tên- cho biết, Saudi và UAE đã tìm cách để loại bỏ chế độ Qatar với cáo buộc tài trợ khủng bố và đang tăng cường quan hệ với Iran. Tuy nhiên, ông Trump đã nói với các nhà lãnh đạo Saudi và UAE rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và điều đó sẽ chỉ có lợi cho người Iran.

Lập trường của Tổng thống Trump về cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar đã thay đổi khi tính tới ảnh hưởng của Iran trong khu vực. (Nguồn: AP)

Gần đây hơn, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã lặng lẽ gửi các thông điệp cấp cao tới Saudi Arabia và UAE để cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng ngoại giao. Theo một quan chức Mỹ gần gũi với ông Trump, Tổng thống Mỹ  - người ban đầu nghiêng về lập trường với Saudi, đã có một sự thay đổi lập trường khi thấy rằng căng thẳng kéo dài với Qatar sẽ là một lợi thế cho Iran.

Tổng thống Trump giờ đây đã quyết định muốn cuộc khủng hoảng này được giải quyết sớm. Ngoại trưởng Rex Tillerson, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy vấn đề Iran ngày càng trở nên quan trọng và nhất trí rằng vấn đề Qatar đang mở ra cơ hội cho Iran.

Ông Trump đã gặp emir Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York ngày 19/9. Trong cùng ngày ông Trump cũng nói rằng Mỹ đang thúc đẩy việc chấm dứt tranh chấp vùng Vịnh. Ông nói: "Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề ở Trung Đông. "Tôi có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng vấn đề này sẽ được giải quyết, và khá nhanh chóng." Tuy nhiên, khi được phóng viên hỏi rằng liệu có từng cảnh báo Saudi Arabia và UAE về hành động quân sự với Qatar thì ông Trump trả lời là “Không”.

Trong khi đó, một quan chức khác của Hoa Kỳ, người cũng yêu cầu giấu tên, nói rằng ông Trump đã gây sức ép lên tất cả các bên và khuyến khích Qatar tiếp cận với nhóm do Saudi dẫn đầu. Tổng thống Mỹ đã có một số cuộc gọi với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh, nói rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao đã làm phân tán các đồng minh của Mỹ trong việc xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Iran.

Cho tới nay, căng thẳng vẫn chưa được giải quyết, bất chấp những nỗ lực của Kuwait để hòa giải. Ông Trump đã đẩy mạnh tiến trình tháo gỡ căng thẳng về Qatar trong tháng này, sau cuộc hội đàm tại Washington với Emir Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmed Al-Sabah.  Nói về những nỗ lực hòa giải của mình trong một cuộc họp báo với ông Trump, Sheikh Sabah nói: "Cảm ơn Chúa, điều quan trọng là chúng tôi đã ngăn chặn bất cứ hành động quân sự nào."

Liên minh do Saudi Arabia sau đó đã đáp trả bằng một tuyên bố nói rằng "giải pháp quân sự chưa bao giờ và sẽ không bao giờ được xem xét."

Về phần Qatar, Sheikh Tamim phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/9 rằng việc phong tỏa đất nước ông là một nỗ lực "bất công" gây mất ổn định đối với một quốc gia có chủ quyền. Ông nói Qatar cởi mở với việc đối thoại, nhưng sẽ không bị thống trị.

Sự quyết đoán của Saudi

Hiện chưa rõ thời điểm nào các cuộc đối thoại về việc có thể thực hiện hành động quân sự đã diễn ra. Saudi, được sự ủng hộ của UAE và hai đồng minh khu vực khác, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đầu tháng 6, áp đặt lệnh cấm vận kinh tế và cắt giảm hoạt động đi lại. Qatar phủ nhận tất cả các cáo buộc và buộc tội Saudis đang tìm cách thống trị các nước láng giềng nhỏ hơn.

Về phía Saudi Arabia, họ bác bỏ thông tin trên. Theo một quan chức Saudi Arabia thân cận với vấn đề, các cáo buộc này là hoàn toàn không chính xác và không có gì hơn là sự tuyên truyền của Qatar nhằm gây hiểu nhầm vấn đề.

Còn các quan chức UAE đã nói trước đó rằng vấn đề Qatar chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp chính trị, chứ không phải quân sự. Một phóng viên Bloomberg yêu cầu bình luận đã được thông báo là xem lại những tuyên bố trước đó.

Sự căng thẳng vùng Vịnh đã mở ra các đường đứt gãy mới ở Trung Đông – vốn đã rối rắm bởi các cuộc xung đột Syria và Yemen. Ai Cập và Bahrain đã tham gia cuộc tẩy chay do Saudi dẫn đầu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn hỗ trợ Qatar khi các tuyến đường nhập khẩu của họ bị đóng cửa. Qatar là một quốc gia giàu hàng đầu thế giới và cũng là nhà cung cấp khí đốt hoá lỏng lớn nhất toàn cầu.

Theo Bloomberg, chiến dịch chống lại Qatar là một phần trong một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Saudi Arabia trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ sự vươn lên của Thái tử Mohammed Bin Salman tới sự thay đổi các vị trí quan trọng trong chính phủ của nước này. Saudi cũng ủng hộ lực lượng nổi dậy trong cuộc nội chiến Syria, và đã tiến hành một chiến dịch không kích và trên bộ nhằm trấn áp các lực lượng liên hệ với Iran ở khu vực lân cận Yemen.

(Theo Bloomberg)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ