(Tổ Quốc) - "Chăm sóc về thể chất (bằng robot) có thể dễ dàng, nhưng chăm sóc tinh thần thì khó hơn nhiều", theo ông Lee Kyoung-jun, giáo sư quản lý kinh doanh tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người lớn tuổi sống một mình bị cô lập với thế giới khi giãn cách xã hội làm gián đoạn hoạt động của các trung tâm chăm sóc và các dịch vụ cộng đồng khác.
Để lấp đầy khoảng trống này trong việc chăm sóc người cao tuổi, chính phủ và các tổ chức của Hàn Quốc đã triển khai các robot đồng hành.
Một nhà phát triển robot tại nước này cho biết, chức năng chủ yếu của chúng là hỗ trợ những người lớn tuổi sống một mình và giúp giảm bớt sự cô đơn của họ.
Hyodol, được phát triển bởi một công ty khởi nghiệp cùng tên, là một trong những robot đồng hành AI nổi tiếng nhất dành cho người cao niên tại Hàn Quốc.
Với sự kết hợp của các cảm biến, internet vạn vật và công nghệ máy học, robot này sẽ thông báo cho người giám hộ khi không phát hiện thấy chuyển động nào của người cao tuổi trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, nó cũng có thể gửi tin nhắn văn bản và cuộc gọi điện thoại khẩn cấp khi người cao tuổi nhấn và giữ tay trong hơn ba giây.
Trong số các tính năng của Hyodol, người sử dụng rất ưu thích chức năng báo thức bằng giọng nói, vì nó nhắc nhở họ uống thuốc, Lee Yae-seul, một đại diện của công ty Hyodol cho biết.
Dù vậy, Lee Kyoung-jun, giáo sư quản lý kinh doanh tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, tỏ ra nghi ngờ về việc một robot đồng hành AI như Hyodol có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người cao niên.
Ông cho biết ngay cả các chương trình trợ lý ảo của các ông lớn công nghệ, bao gồm Siri của Apple, Trợ lý của Google hay Bixby của Samsung, cũng vẫn chưa đạt đến mức có thể giao tiếp với người dùng như con người.
"Chăm sóc thể chất (thông qua robot) có thể dễ dàng, nhưng chăm sóc đời sống tinh thần thì khó hơn nhiều.", ông nói thêm.