(Tổ Quốc)-Bình thường hóa với Trung Quốc là cơ hội nhưng không có chỗ cho thỏa thuận ngầm hay đi đêm.
Hiếm có một nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào đề ra cho mình những nhiệm vụ quá khó và mới vào nhiệm sở đã phải tả xung hữu đột như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Đối với những kẻ tổ chức khủng bố, ông tuyên bố “ta sẽ ăn tươi nuốt sống các ngươi”. Ông nặng lời với Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu vì bị phê phán bắn giết những người tình nghi mà không xét xử. Ông răn đe Trung Quốc nếu san lấp bãi cạn Scarborough thì sẽ có đổ máu, kể cả máu của ông…
Nhân vật trực ngôn này đang bức xúc trước những nhiệm vụ bất khả thi khi rời tòa thị chính thành phố Davao tới dinh tổng thống Malacanang tại Manila.
Ba vấn đề hóc búa
Vị tổng thống mới cho rằng chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu của chính phủ ông là các công việc trong nước: “Người dân Philippines mới là quan trọng nhất”. Đồng thời tăng cường nền kinh tế, trấn áp các hoạt động buôn bán ma túy và các phần tử phiến loạn.
Chính quyền Duterte đứng trước ba nhiệm vụ: khắc phục khoảng cách giàu nghèo - vùng miền, duy trì trị an - ổn định đất nước và cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Những điều này đòi hỏi phải áp dụng sách lược tương đối cân bằng nhằm duy trì mối quan hệ kinh tế thương mại gắn bó với Trung Quốc, phục vụ cho chính sách đối nội thực dụng.
Với dân số khoảng 100 triệu người, những năm gần đây nền kinh tế Philippines đạt mức tăng trưởng cao ở châu Á. Quý 1 năm nay, kinh tế nước này tăng trưởng 6,9%. Tuy nhiên, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính ¼ dân số nước này vẫn sống ở mức rất nghèo.
Hạ tầng cơ sở yếu kém đang trở ngại cho tăng trưởng của quốc gia này: Đứng thứ 95/144 quốc gia trong một cuộc khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về chất lượng cơ sở hạ tầng.
Philippines là một quần đảo rộng lớn, trải dài, với nhiều vùng biển, khiến cho các nhiệm vụ kinh tế và an ninh trở nên khó khăn.
Chiến dịch chống ma túy, khiến hơn 3.200 người tình nghi bị thiệt mạng.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy. Phòng Công nghiệp và Thương mại Mỹ đã cảnh báo rằng, chiến dịch chống ma túy đang phá vỡ cam kết tôn trọng pháp quyền của chính phủ Philippines.
Một thực tế rằng Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines, các đơn đặt hàng, đầu tư cũng như du lịch góp phần quan trọng vào việc nâng cao hơn nữa nền kinh tế và cuộc sống của người dân Philippines. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cần hàng tỷ USD. Nhật Bản đã làm hết sức, giờ chỉ còn trông đợi vào Trung Quốc.
Duterte từng nói: “Trung Quốc có tiền, còn Mỹ không có tiền”. Ông từng nói về quan hệ với Trung Quốc: “Xây cho tôi một tuyến đường sắt quanh Mindanao, xây cho tôi một tuyến đường sắt từ Manila tới Bicol, tôi sẽ im lặng (trong vấn đề Biển Đông)”. Ông cũng thừa nhận, các nhà tài trợ Trung Quốc ẩn danh đã chi tiền cho chiến dịch tranh cử của ông.
Theo Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez, Tổng thống Duterte rõ ràng muốn đẩy nhanh gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu là một công tác trọng điểm trong các vấn đề kinh tế, đồng thời mong muốn gia tăng mức độ đầu tư cho hạ tầng cơ sở, mức đầu tư chiếm 5% GDP, nỗ lực giải quyết tình hình khó khăn của Philippines như ùn tắc giao thông và thiếu hạ tầng cơ sở, cản trở phát triển kinh tế.
Một biến số quan trọng chính là Trung Quốc
Việc Trung Quốc đối phó ra sao với chính sách ngoại giao mới của Philippines sẽ là một nhân tố then chốt.
Bắc Kinh từng đánh tiếng, để đàm phán mang lại lợi ích thực chất, Philippines phải tuyên bố phủ nhận kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài 12/7. Nếu không như vậy thì Trung Quốc dựa vào gì để cho Philippines điều kiện ưu đãi? Manila phải quan tâm đến lợi ích chiến lược của Trung Quốc, không được mở rộng hơn nữa các căn cứ quân sự của Mỹ, tốt nhất có thể gạt bỏ sự hiện diện quân đội Mỹ khỏi Philippines.
Nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài là nền tảng căn bản để Philippines tiến hành thương lượng với Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines Yasay từng nhấn mạnh: “Nếu Trung Quốc khăng khăng không thừa nhận một hệ thống được xây dựng bằng các nguyên tắc và luật lệ, họ sẽ bị cô lập. Trung Quốc có rất nhiều thứ để mất”.
Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines là nền tảng cho chính sách ngoại giao của Philippines, là căn cứ để Philippines có địa vị chiến lược trong khu vực. Người Philippines từng ăn mừng việc Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự Clark và Subic vào năm 1992. Nhưng 3 năm sau, Trung Quốc đột ngột chiếm Đá Vành Khăn thuộc quyền kiểm soát của Philippines, nơi các ngư dân nước này thường trú chân trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Bắc Kinh sẽ nắm lấy cơ hội “trời cho”, tăng cường sức ép, áp dụng sức mạnh mềm và sức mạnh “ngầm” (hidden power), các công cụ ngoại giao, kinh tế để xóa bỏ kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản nhằm vào Trung Quốc thông qua mắt xích trở nên yếu tại Philippines.
Tuy nhiên, nhà dân túy đã trở nên thực dụng. Điều có thể mong đợi, chính quyền Duterte có thể tái điều chỉnh chính sách nghiêng về Mỹ và Nhật Bản như những năm qua, đổi thành một xu thế chính sách ngoại giao cân bằng hơn, nhưng nghiêng hẳn sang Trung Quốc là việc không thể xảy ra. Ngày 13/9, Tổng thống Duterte cho biết Philippines “sẽ không cắt đứt dây rốn với các nước đồng minh của mình”, nhưng Philippines “nên là bạn của tất cả mọi người”./.
Người bình luận