(Tổ Quốc) - Tờ New York Times nhận định, trong bối cảnh một số thành phố lớn phải áp dụng giới nghiêm vì tình trạng biểu tình bạo loạn và nước Mỹ vẫn là quốc gia có số người nhiễm cũng như tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump còn đang đối mặt với loạt thách thức từ bên ngoài.
Tại châu Âu, các đồng minh truyền thống đã ngừng tìm kiếm sự lãnh đạo của Washington, không còn bày tỏ sự tin tưởng vào người đứng đầu nước Mỹ, thậm chí là "quay lưng" với ông Trump.
Chia rẽ giữa Tổng thống Trump và các đồng minh châu Âu đang ngày càng mở rộng ngay cả trước khi biểu tình bùng phát tại Mỹ. Giờ đây, lời đe dọa sử dụng quân đội để giải quyết bạo loạn đã khiến ông Trump trở thành một tổng thống Mỹ mà một số đồng minh cần phải… giữ khoảng cách. Họ không biết ông sẽ làm gì tiếp theo cũng như không muốn bị kéo vào chiến dịch tái tranh cử của ông.
"Giới lãnh đạo các nước đồng minh nghĩ rằng chỉ trích ông Trump sẽ có lợi cho mình", cựu nghị sỹ châu Âu người Hà Lan Marietje Schaake nói.
Ngay cả người phụ trách chính sách đối ngoại EU là Josep Borrell Fontelles cũng đủ cứng rắn khi mới đây tuyên bố, châu Âu "sốc và kinh hoàng" trước cái chết của George Floyd. Ông Borrell lên án việc "lạm dụng quyền lực" và "sử dụng vũ lực không cần thiết", đồng thời kêu gọi Mỹ "tôn trọng luật pháp và nhân quyền".
Hôm thứ 2 (1/6), giống như nhấn mạnh thêm tình trạng bị cô lập của Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Mỹ đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp từ nước Nga, Vladimir Putin.
Tổng thống Trump ngỏ lời mời ông Putin tới dự thượng đỉnh G7 (hiện đang bị trì hoãn tới tháng 9 sau khi không thể tổ chức kịp trong tháng 6 như ông Trump mong muốn). Tuy nhiên, sau khi Nga bị loại khỏi nhóm các nền kinh tế lớn của thế giới vì quyết định sáp nhập Crimea và ủng hộ cho phe nổi dậy ở miền đông Ukraine, khả năng ông Putin xuất hiện tại một hội nghị G7 trong vai trò khách mời – vấp phải nhiều nghi ngờ.
Cũng trong ngày 1/6, ông Trump còn điện thoại cho tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro của Brazil.
"Điều đó cho thấy ông Trump mất liên lạc với đồng minh ra sao", bà Julianne Smith, một cựu quan chức dưới thời chính quyền Obama chỉ ra. "Đây là một người đàn ông bị cô lập cả ở trong và ngoài nước. Ông ấy cố gắng tìm kiếm bạn bè ở các chỗ khác vì biết rằng quan hệ của mình với đồng minh rất tệ. Tuy nhiên, ông ấy căng thẳng ngay cả với những chính quyền mà mình từng thán phục, như Tập Cận Bình và Putin".
Theo bà Smith, Tổng thống Trump "không hiểu rằng, mặc dù nước Mỹ có quyền lực, nhưng không phải lúc nào cũng chiếm thế thượng phong". Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối tới tham dự thượng đỉnh G7 tại Washington nếu nó diễn ra trong tháng 6 "chứng tỏ thái độ chán nản của các nhà lãnh đạo thế giới – những người cảm thấy họ không nhận được gì sau những đầu tư vào quan hệ với ông Trump".
Với những áp lực từ đại dịch COVID-19 và giờ thêm cả bạo loạn, "dường như điểm yếu của nước Mỹ đang bị bộc lộ", bà Smith cảnh báo.
Thông báo của ông Trump đưa Mỹ rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào giữa tuần trước đã khiến các đồng minh bất ngờ. Chưa hết, các Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đều công khai phản đối đề nghị đưa Nga quay trở lại G7.
"Trường hợp Anh và Nga nói không một cách công khai là rất bất thường", nhất là khi hai nước này có mối quan hệ thân thiết với Mỹ, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nói. "Họ có thể bất đồng một cách riêng tư nhưng tôi nghĩ, họ sẽ là những người cuối cùng đề cập một cách công khai vấn đề mà ông Trump quan tâm".
Nói về thái độ của thủ tướng Đức, mặc dù nguyên nhân được nêu là do những e ngại về virus nhưng một quan chức người Đức giấu tên cho hay, bà Merkel từ chối tới Washington vì tin rằng các hoạt động chuẩn bị ngoại giao chưa đầy đủ; bà không muốn bị vướng vào leo thang căng thẳng Mỹ - Trung; bà phản đối ý tưởng mời Putin tới dự thượng đỉnh G7; bà không muốn bị coi là can thiệp vào chính trị nội bộ Mỹ; và hơn cả là bà ngạc nhiên trước quyết định đơn phương rời WHO của Tổng thống Trump.
Theo học giả Thomas Wright từ Viện Brookings, bất chấp những quan ngại của đồng minh, các vấn đề G7 và kế hoạch tổ chức họp thượng đỉnh vẫn đang được tiếp tục. Tuy nhiên, "các đồng minh nghĩ rằng ông Trump đang hồ đồ và sẽ muốn tránh ông ấy", ông Wright dự đoán.
Trong khi đó, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Thomas Gomart phân tích, tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron theo đuổi một lập trường truyền thống hơn hướng về cải thiện quan hệ với Nga.
"Thái độ của Pháp đối với ông Trump là sự trộn lẫn giữa buồn bã và tức giận", ông Gomart chỉ ra. "Đồng minh chủ chốt của chúng tôi từ chối đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và mỗi ngày tỏ thái độ khiêu khích đối với đồng minh, đồng thời tạo ra những chia rẽ hiện đang bị chính Trung Quốc lợi dụng".
Ngoài ra, ông Gomart cũng lưu ý, trong gần 4 năm qua, Tổng thống Trump vẫn chưa thực sự đạt được một thành tựu ngoại giao nào. Không chỉ thất bại trong nỗ lực giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tìm kiếm một giải pháp hòa bình tại Trung Đông, ông Trump chưa thể cải thiện quan hệ với Nga và còn khiến quan hệ Mỹ - Trung tuột dốc không phanh…
"Ít nhất Macron còn từng thử cố gắng với Trump", ông William Drozdiak, một học giả cấp cao khác của Viện Brookings đánh giá. Nhưng giờ đây, người đứng đầu nước Pháp không còn quá chú tâm vào điều đó nữa.
"Có một nhà lãnh đạo Mỹ từ chối mọi thể chế và hiệp định quốc tế làm tổn thương những người châu Âu như Merkel và Macron – những người vốn có chủ nghĩa đa phương ngay từ trong DNA của mình", ông Drozdiak hài hước so sánh.
Học giả người Pháp cũng lưu ý, bà Merkel có truyền thống là tránh các chuyến công du tới Mỹ kể từ sau tháng 4 của mỗi năm bầu cử. "Bà biết rằng, tại mỗi sự kiện, ông Trump sẽ tìm cách để nó giống như mọi người đang tán thành công ấy, và đó cũng là điều cuối cùng mà bà Merkel muốn làm".