• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rối loạn và xung đột vì “Tài liệu Panama”

Thế giới 05/04/2016 11:07

(Tổ Quốc)- Dính líu của nhiều “chóp bu” trong giới chính trị với hoạt động rửa tiền, trốn thuế làm rúng động dư luận thế giới.

(Tổ Quốc)- Dính líu của nhiều “chóp bu” trong giới chính trị với hoạt động rửa tiền, trốn thuế làm rúng động dư luận thế giới.

Tờ Süddeutsche Zeitung (SZ) của Đức đã nhận được 11,5 triệu tài liệu liên quan đến hoạt động Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama trong suốt 40 năm (từ năm 1975 đến nay) "Tài liệu Panama". Các văn bản, đến từ một nguồn không xác định, vạch ra một cách có hệ thống phương thức mà khách hàng của công ty này tạo và sử dụng tài khoản ở nước ngoài để trốn thuế, rửa tiền hay lách cấm vận, liên quan tới 214.000 công ty ma ở những nơi như quần đảo British Virgin, Liechtenstein và Bahamas.

Đáng chú ý, khoảng 140 chính trị gia khắp thế giới, trong số đó có 12 nhà lãnh đạo các nước đã xuất hiện trong văn kiện này, như có Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Iceland Sigmundur David, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và con trai cựu Tổng thống Ai Cập Alaa Mubarak.



Một số nhà lãnh đạo có dính líu đến "Tài liệu Panama" như: Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Tổng thống U.A.E. Sheikh Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan, Nhà vua Saudi Salman bin Abdulaziz, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Nguồn: Agence France Presse/Getty Images)

Tổng thống Nga Vladimir Putin không có tên trong tài liệu nhưng bị cáo buộc có liên quan tới khoản tiền bí mật 2 tỷ USD thông qua các ngân hàng và các công ty bình phong. Trong khi đó, gia đình của ít nhất 8 thành viên đương nhiệm và cựu lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có người em rể của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có tham gia hoạt động rửa tiền và trốn thuế.

Ngoài ra còn có các nhân vật nổi tiếng, các ngôi sao thể thao (như Lionel Messi) và các trùm ma túy và một số nhà lãnh đạo từng rất có thế lực như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi.

Thực sự khó đoán

Có thể nói sự rò rỉ và công bố “Tài liệu Panama” đã diễn ra hết sức bất ngờ và khó đoán. Không ai có thể lường trước được rằng những dữ liệu về hành vi trốn thuế và rửa tiền trên lại được rò rỉ với dung lượng khổng lồ 2,6 TB (terabyte) – được cho là lớn nhất cho đến nay cũng như có sự liên quan, liên đới rộng khắp giới chính trị và các ngôi sao thế giới. Hiện tại, tổng cộng 107 tờ báo ở 76 quốc gia, phối hợp với Liên đoàn các nhà báo điều tra (ICIJ), đang tham gia xử lý số tài liệu trên - còn lớn hơn cả các dữ liệu của Wikileaks Cablegate, Offshore Leaks, Lux Leaks, và Swiss Leaks gộp lại.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là lần đầu tiên thế giới bị chấn động bởi những vụ rò rỉ dữ liệu tuyệt mật như vậy. Trong bối cảnh thế giới hỗn loạn như hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ kĩ thuật cao, nhiều hành động “trong màn tối” đã được đưa ra ánh sáng.

Trước đó, vụ việc Wikileaks công bố rộng rãi hơn 250.000 bức điện tín của Mỹ, tạo ra một trong những vụ bẻ khóa an ninh lớn nhất lịch sử nước Mỹ cùng hàng loạt các tài liệu về các email cá nhân của các chính trị gia, các báo cáo mật, các vụ nghe lén… của các nhà lãnh đạo trên thế giới đã khiến nhà sáng lập Julian Assange cho tới nay vẫn phải tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London, Anh.

Bên cạnh đó, năm 2013, Edward Snowden đã tiết lộ bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), liên quan đến chương trình nghe lén đồ sộ của chính phủ Mỹ và các đồng minh trên toàn thế giới cũng đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận nóng bỏng ở phương Tây về việc chính phủ xâm nhập vào đời tư như thế nào mà không vượt quá thẩm quyền.

Rúng động về mạng lưới hoạt động trốn thuế, rửa tiền

Khác biệt với các vụ án trước, “Tài liệu Panama” gắn liền với tội danh trốn thuế, rửa tiền hay lách cấm vận – được coi là các “đại kỵ” của phương Tây hay cả Trung Quốc. Thông thường, hoạt động tội phạm này được tiến hành theo các đường dây, mạng lưới trải khắp toàn cầu. Và dựa trên nền tảng thông tin “đồ sộ” như hiện nay thì có thể nói quy mô phạm tội thực sự sau vụ rò rỉ lần này là vô cùng lớn.

Và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng, người dân thế giới đang phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao, nỗi lo sợ từ chủ nghĩa khủng bố hay làn sóng di cư lớn nhất đến châu Âu trong nhiều thập kỉ thì các hành vi trốn thuế, rửa tiền sẽ gây nên một làn sóng phẫn nộ trong người dân.

Hiện tại, hàng loạt các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Áo… đang yêu cầu bản sao danh sách khách hàng “trốn thuế” từ “Tài liệu Panama” để có biện pháp xử lí. Tổng thống Pháp François Hollande còn tuyên bố rằng “Tài liệu Panama” bị rò rỉ là một tin tức tốt lành vì điều đó sẽ giúp Paris tăng doanh thu thuế. “Tôi đảm bảo với các bạn rằng một khi thông tin đã bị tung ra, điều tra sẽ được thực hiện. Các vụ án sẽ được mở ra và phiên tòa sẽ được tổ chức”.

Hệ lụy về chính trị

Vụ rò rỉ tài liệu mật của Mossack Fonseca đã cáo buộc hàng loạt nhân vật “chóp bu”, dù tính xác thực và liên đới của vụ việc còn cần phải điều tra, có thể gây nên một sự rối loạn chính trị, làm giảm sút niềm tin vào giới lãnh đạo cũng như “kích động” một “cuộc xung đột” trong chính trường các nước. Đây được coi là một cơ hội tốt đối với các lực lượng đối lập để hạ bệ đối thủ.

Tại Anh, hoạt động tài chính của hàng trăm nghìn khách hàng, bao gồm các thành viên đảng Bảo thủ ở Thượng viện Anh, các cựu nghị sĩ trong đảng này, cũng như ông Ian Cameron - cha của Thủ tướng David Cameron, đã thực sự gây bối rối đối với Chính phủ Anh – đang tích cực thúc đẩy chống tham nhũng và minh bạch.

Trong khi ở Trung Quốc, “chiến dịch đả hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu để diệt trừ nạn tham nhũng đang cho thấy sự hiệu quả thì những cái tên Trung Quốc trong “Tài liệu Panama” thực sự là một đòn giáng mạnh mẽ.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson  đã bác bỏ cáo buộc dùng một công ty hải ngoại để che giấu hàng triệu USD tiền đầu tư trong ba ngân hàng lớn nhưng cũng đang đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong tuần này.

Nga là một trong những quốc gia có phản ứng sớm nhất và mạnh mẽ nhất đối với các cáo buộc mà “Tài liệu Panama” đưa ra.

Ngày 4/4, phát biểu với báo giới tại thủ đô Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmity Peskov nhấn mạnh: "Tổng thống Putin, nước Nga và các cuộc bầu cử sắp tới là mục tiêu chính của một âm mưu nhằm gây bất ổn tình hình".

Còn gia đình của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngày 4/4 đã lên tiếng bảo vệ khối tài sản của họ sau khi tài liệu công bố rằng ba trong số bốn người con của ông Sharif sở hữu bất động sản tại London (Anh) thông qua các công ty ở nước ngoài. Tuy nhiên, phe đối lập ở Pakistan đã đòi điều tra vụ việc, theo AFP.

Bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, Mossack Fonseca phủ nhận hoàn toàn việc làm sai trái và nói rằng "nhiều bên liên quan được trích dẫn trong văn kiện trên không phải và chưa bao giờ khách hàng của Mossack Fonseca." Công ty này còn tuyên bố việc công bố những dữ liệu trên là "đòn tấn công" nhằm vào Panama.

Cuộc tranh cãi đa chiều xoay quanh “Tài liệu Panama” đang ngày càng trở nên gay gắt. Điều này càng đòi hỏi các nhà điều tra tích cực làm việc. Và sự thật, sớm muộn cũng sẽ được phơi bày.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ