(Tổ Quốc) - Các khoản đầu tư lớn từ Hàn Quốc vào Việt Nam được cho là sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Tăng cường đầu tư
Theo Korea Times, các công ty bán lẻ Hàn Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam, nơi có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, các lãnh đạo của một số công ty Hàn Quốc cho biết.
Lotte Group, một trong hai gã khổng lồ bán lẻ hàng đầu tại Hàn Quốc cùng với Shinsegae, đang có những hoạt động tích cực nhất trong bối cảnh này. Công ty hiện có 20 công ty thành viên hoạt động tại Việt Nam, bao gồm Lotte GRS, Lotte Shopping và Lotte Culture Works.
Được biết, Lotte Shopping chuẩn bị khai trương tổ hợp Lotte Mall West Lake Hanoi, tại Hà Nội vào tháng 8 tới. Tập đoàn Lotte đã đầu tư tổng cộng 250 triệu USD (329,7 tỷ won) vào dự án này. Đây sẽ là khu phức hợp trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam, bao gồm khách sạn và khu văn phòng cho thuê.
Gã khổng lồ bán lẻ này cũng đang đầu tư khoảng 900 triệu USD để thành lập Thủ Thiêm Eco Smart City, đây là khu phức hợp bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng, nhà ở và rạp chiếu phim. Vào tháng 8, Thủy cung Lotte World cũng sẽ được khai trương tại Hà Nội.
"Thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 100 lần trong 20 năm qua. Đây là điểm đến kinh doanh hấp dẫn với tỷ lệ dân số trẻ cao, yêu thích ẩm thực Hàn Quốc, K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc. Tại Lotte Mall West Lake mới khai trương, chúng tôi sẽ cung cấp khoảng 3.600 mét vuông trải nghiệm cho người tiêu dùng trẻ tuổi thưởng thức các nội dung văn hóa như không gian yoga, xưởng thủ công và cửa hàng sách", một đại diện của Lotte Shopping cho biết.
Trong khi đó, Shinsegae có kế hoạch mở cửa hàng Emart thứ ba tại Việt Nam theo hợp đồng nhượng quyền chính với Tập đoàn THACO trong nửa cuối năm nay.
GS Retail đã mở hơn 200 cửa hàng tiện lợi GS25 tại quốc gia Đông Nam Á này. Liên doanh địa phương của công ty dự kiến sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bằng cách ký kết hợp đồng đầu tư với Tổ chức Tài chính Quốc tế.
Lợi thế của Việt Nam
Việt Nam có thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu người. Dân số tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ đạt 56 triệu người trong 10 năm tới, với tốc độ tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á là 10,1% trong giai đoạn 2016-2021.
Trong thành phần dân số, những người dưới 30 tuổi chiếm 50% dân số trong khi dân số trong độ tuổi lao động chiếm 70%.
"Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn vì có lượng dân số trẻ và đang trong độ tuổi lao động đáng kể. Ngoài ra, các sản phẩm của Hàn Quốc rất được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng nhờ nhạc K-pop và phim Hàn Quốc. Trong thời điểm nhiều nhà bán lẻ đang tìm kiếm điểm đến kinh doanh tiếp theo sau Trung Quốc, không có lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam vào lúc này", một đại diện của công ty bán lẻ Hàn Quốc cho biết.
Theo Reuters, công ty điện tử Hàn Quốc LG Innotek sẽ tăng đầu tư vào nhà máy tại thành phố cảng Hải Phòng lên 1 tỷ USD trong hai năm tới.
Động thái này sẽ đưa tổng vốn đầu tư của công ty vào Việt Nam lên khoảng 2 tỷ USD. Thông báo này được đưa ra sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vào tuần trước.
Trả lời báo Kinh tế & Đô thị, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cho biết: theo thống kê, có khoảng trên 80% vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2022 là vốn mở rộng từ những dự án hiện hữu. Điều này là vô cùng tích cực bởi nó chứng tỏ các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn hiệu quả tại Việt Nam và họ muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại đây.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp hai nước ngày 23/6, hơn 100 công ty Hàn Quốc và Việt Nam đã trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác. Với những động thái gần đây của các doanh nghiệp Hàn Quốc, thời gian tới vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, lên tới cả tỷ USD.