• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Rung chấn” bầu cử Đức: Merkel đột phá thế trận chính trường?

Thế giới 25/09/2017 13:12

(Tổ Quốc) - Kết quả bầu cử Đức 2017 kịch tính hứa hẹn mang lại nhiều thách thức cho Thủ tướng Angela Merkel.

Trong cuộc bầu cử Đức ngày 24/9, liên minh cầm quyền - Đảng Dân chủ cơ đốc giáo CDU và Liên đoàn xã hội cơ đốc giáo CSU của bà Merkel đã giành thắng lợi với 32,9% số phiếu; về nhì là Đảng Dân chủ Xã hội SPD với 20,6% số phiếu.

Đảng chống nhập cư Con đường khác cho nước Đức (AfD) gây bất ngờ với 13%, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) có 10.4% phiếu trong khi đảng Xanh với 9% số phiếu.

Số phiếu AfD giành được – 13% là một chỉ dấu quan trọng về sự giận dữ của cử tri đối với nhập cư và bất bình đẳng – điều cũng được thể hiện bằng việc tỉ lệ ủng hộ cho hai chính đảng lớn sụt giảm mạnh so với cuộc bầu cử 4 năm trước.

Bà Merkel vẫn giành chiến thắng, nhưng không còn tạo được cách biệt quá lớn. Kết quả này cho thấy chủ nghĩa dân túy cực hữu cùng với sự lo ngại về an ninh vẫn đang hiện hữu tại châu Âu.

Thắng lợi ngày 24/9 mang lại nhiều nỗi lo mới cho Thủ tướng Angela Merkel. (Nguồn: AFP)

Bà Merkel cho biết: "Chúng tôi mong đợi một kết quả tốt hơn, điều này là rõ ràng". "Điều tốt là chúng tôi chắc chắn sẽ dẫn dắt chính phủ kế tiếp."

Dù đã giành chiến thắng, nhưng bà Merkel và khối bảo thủ của bà không thể tự mình nắm quyền – điều khiến hoạt động chính trị của bà trong nhiệm kì thứ 4 trở nên phức tạp hơn nhiều.

Thách thức xây dựng chính phủ

Việc định hình và các chính sách của một liên minh cầm quyền mới sẽ kéo dài hàng tuần với các cuộc đàm phán gay gắt. Bà Merkel đã bày tỏ vào tối ngày 24/9 rằng bà hy vọng sẽ có một chính phủ mới "vào dịp Giáng sinh."

Đảng SPD –là đối tác với liên minh bảo thủ của bà Merkel trong 4 năm qua - từ chối gia nhập liên minh cầm quyền mới của bà Merkel và thay vào đó trở thành chính đảng lớn trong vị trí đối lập.

Với tình thế hiện nay, cách tiếp cận đơn giản nhất của Merkel để kiểm soát đa số quốc hội là liên minh ba bên với FDP và Đảng Xanh- một bố cục chưa từng được thử nghiệm ở cấp quốc gia. Josef Joffe, tổng biên tập báo Die Zeit của Đức, nói rằng cuộc bầu cử đã đánh dấu một sự thay đổi kiến trúc trong chính trường Đức và rằng liên minh ba bên mà bà Merkel sắp tới có thể xây dựng sẽ "không ổn định".

Dù không gia nhâp liên minh cầm quyền, bước đi trên của SPD cũng đảm bảo rằng AfD – vẫn ở bên lề vòng xoay chính trị và không thể trở thành đảng đối lập chính tại Đức.

Tuy nhiên, AfD vẫn tuyên bố sẽ phá vỡ nền chính trị đồng thuận của nước Đức khi họ đã thành công có ghế quốc hội.

Alexander Gauland, một trong những nhà lãnh đạo của AfD, nói với những người ủng hộ sau những kết quả thành công rằng: "Chúng tôi đã làm được điều đó. Chúng tôi đang ở trong Quốc hội Đức và chúng tôi sẽ thay đổi nước Đức."

Burkhard Schröder, một thành viên của AfD từ năm 2014 đến từ Düsseldorf, rất vui mừng. "Chúng tôi hoàn toàn hưng phấn," ông nói. "Đây là một chiến thắng mạnh mẽ đối với chúng tôi – điều đang khiến Angela Merkel suy yếu."

Cột mốc cho bà Merkel

Trong khi khối bảo thủ của bà Merkel và Đảng Dân chủ Xã hội SPD đã mất đáng kể sự ủng hộ của cử tri từ năm 2013, chiến thắng ngày 24/9 đã đưa bà Merkel vào hàng ngũ của Konrad Adenauer và Helmut Kohl, các thủ tướng thời hậu chiến giữ chức vụ trong 4 nhiệm kì.

Cuộc bầu cử này là một cột mốc đáng chú ý đối với bà Merkel, 63 tuổi, người phụ nữ đầu tiên trở thành Thủ tướng Đức.

Thành công này cũng là minh chứng cho sự lãnh đạo thực tế và sự tin cậy đối với bà trong việc điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và của Liên minh Châu Âu khi đứng trước các vấn đề dân túy, thách thức từ sự gia tăng hiện diện của Nga và Trung Quốc cũng như sự bất ổn từ việc khó đoán định chính sách từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia rẽ xã hội Đức

Thomas Weilmann, thành viên trong quốc hội Đức và đến từ CDU, bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn qua email: "Chúng tôi sẽ nhớ rõ ngày hôm nay trong suốt lịch sử. "Cũng như ở Mỹ, sự thù ghét đã trở thành một phần của chính trị. CDU không thể và không phù hợp với thái độ này. "

Việc điều hành nước Đức "sẽ trở nên khó khăn hơn", ông Heilmann nói thêm. "Đây chắc chắn không phải là một ngày tốt lành đối với Đức và cũng có thể không tốt đẹp gì cho cả châu Âu."

Clemens Fuest, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế IFO ở Munich, cho biết kết quả này thể hiện những quan ngại rộng rãi về "an ninh, nhập cư và những thách thức tiềm tàng đối với mô hình kinh tế của Đức, giống như toàn cầu hóa".

Tại trụ sở của CDU, Frank Wexler – một công dân Berlin nói rằng kết quả này khiến ông phần nào thất vọng. “Các đảng lớn đang ngày càng thu hẹp.” Và để chống lại AfD, Wexler nghĩ rằng chính phủ phải giải quyết vấn đề biên giới cũng như đưa nước Đức trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ của châu Âu.

Trong khi đó, tại Dresden, ông Gert Frülling, 75 tuổi, một người về hưu cho biết, sẽ là sai lầm khi các bên khác từ chối làm việc với AFD tại Quốc hội "nếu họ (AfD) đưa ra những ý tưởng hay." Ông cũng nói, "Tôi nghĩ rằng không công bằng khi tẩy chay họ".

(Theo NYT)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ