(Tổ Quốc) - Những đụn cát vàng trải dài nhô lên hướng về phía mặt trời nóng bỏng. Từ chân cồn cát cao nhất của sa mạc là bầu trời xanh lấp ló ra bên ngoài khoảng không rộng lớn.
Đây là Đồi cát Tottori nằm dọc theo bờ biển của vùng Sanin - nơi dân cư thưa thớt của Nhật Bản. Đồi cát kéo dài 16km dọc theo bờ biển với đỉnh cao nhấp nhô ra hơn 45m. Những đụn cát này đã tồn tại hàng nghìn năm nhưng đang mất dần đi và bị thu hẹp lại.
Kho báu đang cạn kiệt
Các đồi cát Tottori nằm ở bờ biển phía tây hòn đảo Honshu của Nhật Bản. Tottori là tỉnh ít dân cư nhất của Nhật Bản.
Những đồi cát được hình thành trong suốt 100.000 năm do cát được đưa từ dãy núi Chugoku gần đó qua sông Sendai và đổ vào biển Nhật Bản. Qua nhiều thế kỷ, gió và dòng chảy đã di chuyển cát trở lại bờ biển. Những đồi cát tương đối xa lạ đối với những người dân ngoài tỉnh Tottori, cho đến năm 1923, khi những đồi cát xuất hiện trong tác phẩm của tác giả nổi tiếng Nhật Bản là Takeo Arishima – và nhanh chóng trở thành điểm nóng du lịch.
Ngày nay, đồi cát là trung tâm của ngành du lịch tỉnh Tottori, trung bình đón khoảng 1,2 triệu du khách mỗi năm. Đến đây, khách du lịch có thể ghé thăm Bảo tàng Cát, trượt cát và cưỡi lạc đà.
Đồi cát mang lại hàng triệu USD mỗi năm từ thu nhập du lịch nhưng gần đây được cho là đang bị thu hẹp lại. Đồi cát Tottori chỉ còn lại 12% kích thước so với 100 năm trước. Một phần nguyên nhân là ở Tottori, sáng kiến trồng rừng đang được thực thi nhằm mục đích phát triển đồi cát thành rừng và đất nông nghiệp để nuôi sống cộng đồng, ngăn chặn thiệt hại do bão cát và nuôi dưỡng môi trường tốt hơn.
"Nhiều cây thông đã được trồng trên các đồi cát ven biển trên khắp quần đảo Nhật Bản để ngăn cát bay. Đặc biệt là trong thế kỷ 20, khi công nghệ tiên tiến hơn, các khu rừng ven biển đã được phát triển. Các đồn điền thành công đến nỗi nhiều đồi cát ven biển đã được chuyển đổi thành cánh đồng và khu dân cư gần bờ biển, dần dần đồi cát biến mất."
Xây dựng lại sa mạc
Trước tác động do đồi cát biến mất, cộng đồng địa phương đã bắt đầu ý thức đưa những đồi cát này trở lại cuộc sống. Các nhà khoa học cũng tiếp tục nghiên cứu hồi phục đồi cát trước thách thức sa mạc đang ngày càng thu hẹp.
Có lẽ điều này không có gì ngạc nhiên, Nhật Bản là quốc gia rất giỏi trồng rừng. Đất nước này là quê hương của phương pháp trồng rừng Miyawaki nổi tiếng, được phát triển bởi nhà thực vật học Akira Miyawaki vào những năm 1970 và thực hiện trên các khu rừng thưa dân trên toàn cầu, bao gồm cả Amazon của Brazil.
Ngày nay, các tình nguyện viên thường xuyên tụ tập để nhổ cỏ dại cứng đầu mọc trên bãi cát mịn - một truyền thống bắt đầu từ năm 1991 và là một động thái cần thiết nếu muốn ngăn chặn sự gia tăng của cây xanh. Chính quyền tỉnh Tottori đã huy động tiếp cát cho đồi cát, và các biện pháp bổ sung đã giúp đồi cát mở rộng hơn một chút so với diện mạo cách đây 100 năm.
Kểt hợp bảo tồn và phát triển du lịch
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng điều kiện hiếm có của đồi cát là lý do cần phải tăng cường công tác bảo tồn. Ở Trung tâm Nghiên cứu Đất khô cằn thuộc Đại học Tottori, các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu nông nghiệp trên đất khô hạn.
Các điều kiện môi trường của Đồi cát Tottori khác với điều kiện của những vùng đất khô cằn vì khí hậu ẩm ướt. Tuy nhiên, Đại học Tottori cũng đang thúc đẩy nghiên cứu vùng đất khô cằn sử dụng điều kiện cát ở Đồn cát Toortori và các cơ sở thí nghiệm.
Trong khi đó, dưới con đường từ trung tâm nghiên cứu, khách du lịch đang trải nghiệm cuộc phiêu lưu ở thế giới trên cát. Vào mỗi dịp cuối tuần tại đồi cát, du khách sẽ dạo quanh các cửa hàng quà tặng để chọn quà lưu niệm và được gói ghém cẩn thận mang về nhà.
Du khách mua bánh quy cát gừng có đường bột thơm ngon, đi lang thang qua bảo tàng cát gần đó và ăn kem lê mềm. Lạc đà đứng gần lối vào chính của đồi cát để phục vụ chụp ảnh trả tiền và một cửa hàng địa phương cung cấp dịch vụ cho thuê ngắn hạn với những chú chó shiba inu. Những chú chó đáng yêu nô đùa cùng khách du lịch trên đồi. Những người chơi dù lượn và trượt cát háo hức theo dõi điều kiện gió để có được khoảnh khắc hoàn hảo. Vào ban đêm, du khách ngắm sao có thể bắt gặp những chú cáo, thỏ và gấu trúc Nhật Bản – chúng xem đồi cát là nhà.
"Khi đến Đồi cát Tottori, tôi rất vui. Tôi không thể tin được rằng lại có một nơi như thế ở Nhật Bản. Được trải nghiệm nơi này ngoài sức tưởng tượng của tôi", Anya Jarilla – người lần đầu tiên đến đồi cát vào năm ngoái cho biết.
Các nhân viên ở Trung tâm Du khách Cồn cát Tottori nhận xét rằng khách du lịch thường nói rằng họ cảm thấy như trẻ lại khi đến đây, chạy hết tốc lực xuống đồi và ngạc nhiên trước hình dạng luôn thay đổi của cát. Từ ga Tottori, du khách có thể đến đồi cát bằng taxi hoặc xe bus. Các cửa hàng và bảo tàng đều nằm trong khoảng cách đi bộ đến đồi cát và mở cửa cho đến giữa buổi chiều. Đồi cát mở cửa 24/7 và miễn phí vào cửa. Hàng loạt khách sạn giá cả phải chăng và nhà nghỉ truyền thống Nhật Bản sẵn sàng phục vụ du khách – cách đồi cát khoảng 10 phút đi taxi.
Tìm sự cân bằng
Câu hỏi quan trọng đặt ra là bằng cách nào khu vực này có thể thúc đẩy phát triển du lịch nhưng không làm hư hại cồn cát?
Thực tế ảo được xem là công cụ khả thi mang lại doanh thu du lịch trong khi tiếp tục vẫn phải thích ứng với những thay đổi trực quan và nỗ lực bảo tồn cồn cát. Trong thời kỳ hoàng kim của Pokemon Go vào năm 2017, những người sáng tạo trò chơi đã tổ chức một ngày cuối tuần đặc biệt để mời các game thủ bắt Pokemon điện tử tại đồi cát.
Vào năm 2022, công ty amulapo có trụ sở tại Tokyo đã cung cấp trải nghiệm thực tế tăng cường trực tiếp mô phỏng chuyến đi bộ trên mặt trăng trên cồn cát, hoàn chỉnh bằng việc cắm lá cờ trên bề mặt mặt trăng.
Quay trở lại thế giới thực, giữa những lo ngại về quá trình bảo tồn cồn cát sẽ không đi đến đâu thì giới chức trách trong ngành công nghiệp địa phương lại thể hiện quyết tâm tiếp tục quảng bá khu vực này tốt nhất có thể. Vào năm ngoái, cồn cát đã khai trương một trong những cơ sở kinh doanh địa phương hấp dẫn nhất trong khu vực: một quán cà phê tuyệt đẹp do các kiến trúc sư huyền thoại của Kengo Kuma và Assiciates tạo ra, được thiết kế trông giống nấc thang lên trời.
Trong khi đó, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh đến khả năng phục hồi đồi cát và được xem đây là biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn so với trồng rừng.
"Cho dù thiệt hại do sóng thần ở Nhật Bản có khả năng xảy ra trong tương lai gần thì việc xem xét lại quá trình sử dụng đất ven biển hiện tại hay khôi phục đồi cát tự nhiên cho bờ biển Nhật Bản vẫn là điều cần làm", ông Nagamatsu nói.