• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sân khấu nghệ thuật tìm đường tới khán giả trong thời dịch Covid-19

Văn hoá 29/09/2021 20:05

(Tổ Quốc) - Khoảng thời gian gần hai năm qua chứng kiến sự thay đổi của các hình thức biểu diễn nghệ thuật từ truyền thống tới hiện đại, không chỉ ở các nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển mà ngay cả Việt Nam, các đơn vị nghệ thuật cũng tìm cách thay đổi để thích nghi trong tình hình dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 khiến cho mọi hoạt động bị đảo lộn, nền kinh tế cũng như các lĩnh vực của đời sống bị ảnh hưởng nặng nề. Trong thời gian giãn cách xã hội, thuật ngữ WFH (viết tắt của Work from home) đã trở nên quen thuộc với những người có thể làm việc trên môi trường mạng tại nhà mà không cần đến cơ quan, công ty… mặc dù trước đó, hình thức làm việc này được một số ngành nghề, công việc không yêu cầu người lao động làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp áp dụng.

Những người sử dụng hình thức làm việc này cùng với những đối tượng khác trong xã hội (học sinh sinh viên, người lao động tự do…) đã tạo ra thói quen sử dụng mạng Internet (các công cụ, tiện ích, ứng dụng… được các nền tảng cung cấp dịch vụ trên mạng Internet) như một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ và nhu cầu giải trí của mọi người cũng thay đổi theo.

Sân khấu hướng tới mọi người

Trước đại dịch, việc xem các chương trình giải trí cũng như việc thu các khoản phí từ cung cấp các dịch vụ trên các nền tảng công nghệ không thu được những khoản phí như kỳ vọng của các doanh nghiệp/công ty kinh doanh trên nền tảng mạng Internet.

Tuy nhiên, tới đầu năm 2020, giải trí trên mạng đã trở thành một giải pháp được nhiều người lựa chọn bởi các khán giả giờ đây không thể hoặc khó có thể đến được các địa điểm tập trung đông người.

Nhiều quốc gia đã ra lệnh đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim, các sân khấu biểu diễn nghệ thuật chìm trong bóng tối. Tình trạng này dẫn đến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gần như "đóng băng" mọi hoạt động. Nhân viên của những đơn vị này thậm chí còn không thể có việc làm.

Chính từ thực tế khó khăn này đã khiến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật buộc phải tìm những hướng đi mới. Trong đó, các phương án biểu diễn nghệ thuật trên các nền tảng, mạng xã hội… được xem như là giải pháp phù hợp nhất vào lúc này.

Sân khấu nghệ thuật tìm đường tới khán giả trong thời dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Khán giả trên toàn thế giới xem lễ trao giải Grammy lần thứ 63 trên nhiều kênh phát sóng (ảnh từ kênh Grammy online)

Việc mở cửa lại các nhà hát, sân khấu đã dần dần được những "ông trùm" sân khấu thế giới triển khai. Tại Mỹ, những chương trình giải trí thực hiện trong các trường quay ảo thu hút hàng nghìn khán giả tham gia mỗi lần diễn ra các sự kiện lớn như lễ trao giải Grammy 2021 hồi tháng 3 vừa qua.

Hay như một số nhà hát lớn của nước này sau khi đóng cửa đã tìm cách để phục vụ khán giả lại. Nhà hát Public tại New York vẫn sản xuất các chương trình biểu diễn và đưa lên các nền tảng phát thanh, truyền hình và mạng Internet; trong đó, các chương trình biểu diễn trực tuyến là hướng đi chủ yếu trong hơn 1 năm qua của Nhà hát này.

Giám đốc nghệ thuật Oskar Eustis của Nhà hát Public khẳng định "Tôi nghĩ điều đầu tiên chúng tôi cần làm lúc này không phải là đòi hỏi mọi người đến với mình mà chúng tôi phải đến với mọi người…".

Bằng cách đơn giản hóa sân khấu nghệ thuật và đa dạng hóa các đối tượng khán giả của sân khấu, Oskar Eustis cho hay, "Tìm đến tận nhà mọi người chính là cách chúng tôi muốn khán giả biết rằng, chúng tôi không muốn mọi người phải đến với chúng tôi. Mà chúng tôi sẽ tìm đến khán giả và mang tới những cơ hội được thưởng thức và cảm giác được làm khán giả cho mọi người".

Giám đốc nghệ thuật Stephanie Ybarra của Trung tâm Sân khấu Baltimore thì cho rằng những thay đổi này không chỉ để sân khấu trở nên dễ tiếp cận hơn, mà còn vì "Nó liên quan rất nhiều tới việc biến các đơn vị văn hóa nghệ thuật của "riêng" thành các đơn vị văn hóa nghệ thuật hướng đến đông đảo người dân".

Đa dạng các phương thức sân khấu nghệ thuật

Sân khấu nghệ thuật tìm đường tới khán giả trong thời dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Khán giả thưởng thức các tiết mục biểu diễn tại nhà hát Moonlight Mobile (ảnh: Reuter)

Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhà hát Moonlight Mobile tại thành phố Nagoya đã tìm ra cách tạo ra không gian thưởng thức nghệ thuật khác biệt dành cho khán giả. Nhà hát này xây dựng một sân khấu hình tròn với các buồng nhỏ được thiết kế bao quanh sân khấu chính. Các khán giả được bố trí ngồi trong các buồng riêng biệt và thưởng thức nghệ thuật qua khe cửa nhỏ hướng về phía sân khấu.

Rất đông khán giả sau khi xem các buổi biểu diễn có nhận định tích cực về cách làm này và tỏ ra khá hài lòng về các buổi biểu diễn. Đây vừa là "cứu cánh" cho Nhà hát, các nghệ sĩ trẻ mà cũng là cách để kéo khán giả trở lại các sân khấu nghệ thuật tại Nagoya trong bối cảnh ngành công nghiệp giải trí của đất nước này đang phải trải qua muôn vàn khó khăn vì đại dịch.

Còn tại Hàn Quốc, quốc gia nổi tiếng thế giới với nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh trong hơn 2 thập kỷ qua thì coi đại dịch Covid-19 là một cơ hội để thúc đẩy sự ra mắt nền tảng K-POP (Văn hóa đại chúng Hàn Quốc) và giới thiệu mô hình kinh doanh OMO (Online Merges with Offline - Hợp nhất trực tuyến với ngoại tuyến) giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với ngành công nghiệp văn hóa. Covid-19 cũng đã bất ngờ kích thích lối sống và kinh doanh trực tuyến trở nên sôi động hơn, thu hẹp phần nào tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp nội dung văn hóa so với dự kiến của đất nước này.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống 'sáng đèn' để phục vụ khán giả online

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay tại Việt Nam, nhận định dịch bệnh không thể kết thúc sớm, hàng loạt chương trình nghệ thuật trực tuyến đã được các nhà hát triển khai trong thời gian gần đây. Các sân khấu trực tuyến được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn và sự lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều tầng lớp khán giả.

Các hình thức sân khấu trực tuyến, nhà hát truyền hình hay nhà hát trực tuyến, truyền dẫn các tác phẩm sân khấu trên sóng phát thanh… mặc dù không thay thế hoàn toàn cho hình thức nhà hát truyền thống trình diễn trước khán giả nhưng cùng tồn tại và phục vụ đồng thời cho khán giả trực tiếp đến sân khấu, khán giả qua màn ảnh nhỏ hoặc trên các phương tiện thu phát số khác.

Cũng trong thời dịch, nhiều Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được thực hiện trên nền tảng số, hệ thống mạng xã hội cũng được đặt kỳ vọng sẽ tạo sự lan tỏa, thu hút sự tham gia và sáng tạo cộng hưởng của công chúng, đáp ứng mục tiêu kép vừa giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đặc sắc của văn hóa văn hóa vừa đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.

Với những thay đổi này, thời gian sau đại dịch các đơn vị biểu diễn nghệ thuật sẽ nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tìm được những hướng đi mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả, đồng thời khắc phục được phần nào khó khăn mà các đơn vị này đang "nhọc nhằn" tìm cách khắc phục trong suốt thời gian qua.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ