(Tổ Quốc) - Sau nhiều tháng im lìm vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt các nhà hát đã khởi dựng các vở diễn mới thu hút khán giả đến với sân khấu. Nhiều chương trình mới đang được các nhà hát dàn dựng phục vụ khán giả dịp đầu Xuân. Tuy nhiên, nỗi lo khán giả vẫn luôn thường trực.
Vượt khó sáng tạo
Trong thời gian qua các nhà hát đã rất khó khăn trong hoạt động tổ chức biểu diễn, tuy nhiên, không vì thế mà sân khấu ngủ quên.
Trong những ngày dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn chia ê kíp để tập luyện.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: "Có rất nhiều chương trình nghệ thuật sáng tạo có chất lượng, hấp dẫn nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 chúng tôi chưa thể quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, trong những ngày giãn cách xã hội, chúng tôi vẫn bám vào các chức năng nhiệm vụ của nhà hát, gìn giữ phát triển nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn mới. Chúng tôi phải cập nhật và hoạt động sao cho hiệu quả nhất".
Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã dàn dựng những chương trình nghệ thuật phù hợp với tình hình, đặc biệt là sáng tác các tiết mục có đề tài phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Nhà hát cũng xây dựng chương trình phục vụ biểu diễn dịp Xuân mới. "Chương trình xuân năm nay ngoài đưa những nét đẹp của không khí ngày Tết vui xuân mang món quà tinh thần đến cho khán giả, chúng tôi cũng khéo léo đưa vào nội dung phòng chống Covid-19. Trong lúc luyện tập chúng tôi cố gắng làm sao để tiếng nói của nghệ thuật, chuyên môn nổi trội mặc dù trong đó có thông điệp mang tính tuyên truyền, nếu làm không khéo sẽ rất là khó hay"- NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, hiện nay, Nhà hát Tuồng đã hoàn thành công tác hậu kì quay 3 chương trình lên nền tảng Youtube của Nhà hát và chuẩn bị phát sóng. "Chúng tôi xác định những ngày đầu năm mới 2022, công tác biểu diễn của Nhà hát tại các lễ hội như những năm trước đây gần như không thực hiện được, Nhà hát Tuồng tham gia những hoạt động biểu diễn quy mô nhỏ. Hiện Nhà hát đang chuẩn bị hậu kỳ phát online trên nền tảng số. Không biểu diễn trực tiếp với khán giả chắc chắn phải dùng nền tảng online tạo ra các hoạt động cho đơn vị. Bên cạnh đó, Nhà hát triển khai tập lại chương trình phục vụ du lịch để biểu diễn tại rạp Hồng Hà"- ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết.
Thời gian ngừng mở cửa đón khán giả tới xem biểu diễn cũng là thời gian các nghệ sĩ rèn luyện nhiều hơn, tham gia các hoạt động, chương trình online để giữ lửa nghề.
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: "Có rất nhiều cuộc thi hát chèo thu hút được rất đông thí sinh tham gia, đó là mô hình hay trong bối cảnh dịch bệnh. Chúng tôi đã làm chương trình online, cuộc thi phát động trong toàn quốc, có các bạn nước ngoài cũng tham gia, có hội đồng giám khảo của nhà hát thành lập để chấm thi online. Điều này đã quảng bá được nghệ thuật chèo, khuyến khích được rất nhiều câu lạc bộ chèo trong toàn quốc và nước ngoài tham gia, nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo được phổ cập rất nhiều".
Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đẩy mạnh các chương trình live stream (8 chương trình) giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ trẻ, giới thiệu được các làn điệu hát chèo với tên gọi "Giữ lửa đam mê". Cùng với đó là các ca khúc, bài hát sáng tác mới về chống Covid-19. "Chương trình "Giữ lửa đam mê" khá hiệu quả, hàng chục nghìn lượt người xem. Chúng tôi cảm thấy khán giả vẫn mong muốn được thưởng thức nghệ thuật chèo. Qua cách làm này, có rất nhiều gương mặt diễn viên trẻ, tài năng được phát hiện. Từ đó cũng giới thiệu được những nghệ sĩ hạt nhân của Nhà hát và khẳng định cách đào tạo của Nhà hát Chèo Việt Nam"- NSND Thanh Ngoan nói.
Nâng cao chất lượng, hấp dẫn khán giả trẻ
Để nghệ thuật đến với khán giả không có con đường nào khác ngoài nâng cao chất lượng các tác phẩm. NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: "Tính hấp dẫn của mỗi một chương trình là yếu tố hàng đầu mà chúng tôi luôn muốn hướng tới và xác định đó là yếu tố sống còn để thu hút khán giả. Với nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ cần hoàn thành một chương trình mà ở đó những nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam vẫn được giữ đậm nét. Từ đó, thổi vào tình yêu đến thế hệ hôm nay để duy trì, gìn giữ nét văn hóa đó trường tồn. Ngoài ra, phải kết hợp với những thông điệp và câu chuyện hiện đại để khán giả nói chung và các em thiếu nhi thấy thú vị, hấp dẫn".
Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng hướng tới mở rộng đối tượng khán giả bằng việc xây dựng những tác phẩm có thể dung hòa các lứa tuổi, đều thấy hấp dẫn. "Chương trình đón Xuân và thông điệp 5k vừa ra mắt của Nhà hát nhận được phản hồi rất tốt của cả đối tượng khán giả lớn tuổi và các em thiếu nhi. Đây là động viên tốt để chúng tôi có tiếp tục thực hiện những chương trình phục vụ khán giả như vậy"- NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Cùng với mong muốn nâng cao chất lượng các tác phẩm, đem đến cho khán giả nhiều yếu tố mới lại, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã kết hợp ra mắt sản phẩm thứ 2 mang yếu tố nghệ thuật của cả hai loại hình. Chương trình nghệ thuật "Thượng thiên Thánh Mẫu" vừa ra mắt mùng 6 Tết vừa qua đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả bởi sự chăm chút kỹ lưỡng, đầu tư lớn về chất lượng của nghệ thuật Cải lương và Xiếc.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi kêu gọi xin tài trợ test nhanh và đã đảm bảo test cho khán giả xem chương trình từ ngày 6 Tết. Mỗi đêm diễn chúng tôi chỉ nhận lượng khán giả khiêm tốn từ 200 – 300 khán giả trong khi quy mô rạp xiếc là 1200 chỗ ngồi. Chúng tôi thực hiện như vậy để đảm bảo giãn cách và thực hiện đúng 5K. Thực sự Ban giám đốc của hai Nhà hát mong diễn viên được diễn, được trở lại sân khấu, tương tác với khán giả để giữ lửa đam mê nghề. Trong hai năm qua, diễn viên Xiếc bị mai một rất nhiều. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phải vật lộn, chúng tôi là những người quản lý nhưng cũng đã phải chấp nhận diễn viên rời bỏ nghề. Hiện giờ, chúng tôi phải duy trì nghề với trạng thái mới, thực hiện thành công các chương trình với mục tiêu đầu tiên là giữ lửa cho nghệ sĩ".
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, có đầu tư biểu diễn, thường xuyên rèn luyện mới giúp các nghệ sĩ trẻ giữ được nghề. Bên cạnh đó, Nhà hát cũng thường xuyên thực hiện việc quảng bá nghệ thuật Tuồng đến giới trẻ thông qua các chương trình sân khấu học đường. "Chúng tôi đang liên kết với các trường, các câu lạc bộ yêu sân khấu, các sinh viên, có điều kiện giới thiệu nghệ thuật Tuồng thông qua các trường cao đẳng, trung học và đại học. Ngoài ra, để quảng bá nghệ thuật Tuồng, Nhà hát đã xây dựng trang web giới thiệu trực tuyến cho học sinh. Trường ĐH Ngoại ngữ đã giao lưu qua mô hình đó, quay chương trình đưa lên youtube quảng bá giới thiệu. Sau này, Nhà hát sẽ đưa mô hình đó đến với các trường, đến với khán giả trẻ, tương tác giới thiệu chuyên sâu về nghệ thuật Tuồng. Ngoài đi biểu diễn trực tiếp với khán giả ở các trường, Nhà hát sẽ phát trực tuyến trên youtube cho các bạn trẻ tiếp cận, để tìm hiểu"- ông Tuấn cho biết.
NSND Thanh Ngoan cho biết, nếu không "thắp lửa" thì nghệ thuật truyền thống sẽ mai một và mất đi. Với nghệ thuật Chèo nếu không "văn ôn võ luyện" diễn viên sẽ hụt hơi, khó khăn khi diễn lại.
"Phải nhanh chóng nhập cuộc. Trong năm 2022, chúng tôi vẫn theo hình thức biểu diễn theo nhóm nhỏ, biểu diễn ở đơn vị hay địa phương theo hình thức 10 – 20 người. Chia nhỏ, làm chương trình ngắn, kể cả diễn online để truyền lửa cho nghệ sĩ của mình và cũng là nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật đối với khán giả"- NSND Thanh Ngoan nói.