• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sản phụ bị đuổi xuống lề đường, 9 ngư dân cứu sống 22 thuyền viên Philippin: Hai câu chuyện và hai cái kết đối lập

Thời sự 23/08/2019 07:51

(Tổ Quốc) - Có hai câu chuyện đều có chung một tình huống nhưng có hướng xử lý khác nhau nên cái kết khác và tạo ra những quan điểm dư luận khác nhau.

Câu chuyện đầu tiên là một tài xế chở một sản phụ trong tình trạng nguy cấp, có dấu hiệu sinh non ngay trên xe đã bị tài xế kiên quyết đuổi xuống hè đường. Sau đó sản phụ này đã sinh con và rất đau lòng là đứa bé đã qua đời. Nhiều người đã rất phẫn nộ trước cách hành xử vô cảm, thiếu tình người của lái xe.

Câu chuyện thứ hai là 9 ngư dân của Việt Nam đã cứu sống được 22 thuyền viên Philippin gặp nạn khi đang lênh đênh trên biển, sự sống và cái chết cũng khá mong manh. Sau cuộc giải cứu thành công, các ngư dân không những được nhiều khen ngợi cảm phục tấm lòng họ còn được nhận bằng khen của tỉnh nhà và hi vọng hành động đẹp này sẽ được nhân rộng.

Khen thuong

9 ngư dân sau khi cứu sống 22 thuyền viên Philippin đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang. Ảnh:; VTV

Với các ngư dân, tại sao họ lại sẵn sàng cứu người khi có thể "làm ngơ" trước tiếng kêu cứu của đồng loại giữa trời đất mênh mông "chả ai biết" và cũng chẳng ai phán xét. Thậm chí nếu quyết định cứu giúp họ có nguy cơ đối mặt với hiểm nguy chính tính mạng của mình. Đã có những trường hợp tiếng kêu cứu chỉ là màn kịch ngụy trang của những tên cướp biển hung hãn. Đã có những trường hợp người "chết đuối vớ được cọc" đã dìm luôn người cứu mình vào dòng nước để cùng bỏ mạng bởi sự bấn loạn, mất phương hướng giữa sự sống và cái chết mong manh… Vụ tìm kiếm phi công và máy bay mất tích trên biển cũng từng khiến người cứu giúp bỏ mạng. Vụ giải cứu những đứa trẻ mắc kẹt trong hang ở Thái Lan cũng có người phải hi sinh… và chắc chắn còn không ít những trường hợp rủi ro tương tự đã từng xảy ra nữa. Nhưng không phải vì những rủi ro trong hành trình cứu giúp mà con người chùn bước, không thể dang tay cứu giúp đồng loại của mình thì người gặp nạn chỉ có thể chết trong tuyệt vọng. Những rủi ro này là những bài học kinh nghiệm xương máu để người cứu sau tránh mắc sai lầm và có được thành công.

Thế nhưng, đáng khâm phục là trong một hoàn cảnh như vậy tất cả những ngần ngại của những người ngư dân bám mặt cho biển bám lưng cho trời được gạt sang một bên, sự vô cảm tan biến để tiếng nói của lương tri đồng loại, của tình người cao cả vang lên, hối thúc họ phải cứu người.

Rõ ràng, nếu đặt trong "mối nguy hiểm" có thể xảy ra giữa trường hợp của các ngư dân với tài xế chở sản phụ dọa sinh thì các ngư dân nguy hiểm hơn; lênh đênh trên biển, lượng người cứu đông, lại là người nước ngoài chưa rõ thực hư ra sao... Với tài xế họ chỉ cần bình tĩnh lái xe an toàn đưa sản phụ đến bệnh viện và vượt qua nỗi sợ "truyền miệng", không có căn cứ nhưng đã "bám rễ" vào không ít người làm ăn buôn bán khi cho rằng sẽ đen đủi nếu dính dáng đến "bà đẻ".

Le duong

Hình ảnh sản phụ bị tài xế bỏ rơi sinh con giữa đường khiến nhiều người không kìm nổi nước mắt. Ảnh: Vietnamnet

Đặt giả thiết, ngay cả những ngư dân sẵn sàng cứu người chưa chắc trọn vẹn, người tài xế không đuổi sản phụ xuống xe dọc đường cuối cùng kết quả không tốt đẹp nhưng mong muốn. Nhưng kể cả thế đi chăng nữa thì có lẽ người trong cuộc và ngoài cuộc vẫn không có gì trách móc, vẫn cảm thấy ấm lòng, vẫn thấy người gặp nạn được bao bọc trong vòng tay nhân ái của cộng đồng chứ không bị lạc lõng, bị hắt hủi. Điều đó cũng giống như một ca bạo bệnh, gia đình và bác sĩ đã hết sức tận tình cứu chữa nhưng người bệnh vẫn không qua khỏi để chấp nhận một thực tế đau buồn nằm "ngoài khả năng" xảy ra.

Bởi thế, đặt giữa một bên là sự hắt hủi "người chửa cửa mả" bên lề đường để "sống chết mặc bay", không dính dáng gì đến bản thân với một bên xả thân bất chấp nguy hiểm lao vào cứu giúp dòng người không phải đồng bào thân yêu của mình mới thấy những khoảnh khắc đối lập kinh khủng, những nhói đau cứ dồn lên trong trái tim bao người.

Có lẽ người tài xế không lường được khi mình bỏ lại sản phụ ở lề đường sẽ nhận những áp lực dữ dội từ phía dư luận đến vậy. Cũng như 9 ngư dân cứu người không phải vì sau đó nghĩ mình nhận được lời ca tụng, sự cảm phục , được nhận bằng khen mà trước hết vì sự thanh thản chính lương tâm chúng ta. Mỗi lựa chọn hành xử của mỗi người trong cùng một sự việc sẽ đem đến kết quả và đánh giá khác nhau trong cộng đồng. Nếu những toan tính lấn át sự đồng cảm và tình yêu thương thì chúng ta sẽ còn nhiều sự vô cảm.

Hai câu chuyện khác nhau nhưng lại không dễ quên. Câu chuyện buồn tuy khép lại vì nó đã xảy ra và vĩnh viễn không thể thay đổi cái kết như một phép kỳ diệu. Nhưng người ta khó lòng quên được, vẫn cần phải nhắc đến để ít nhất sự chai sạn trong ai đó thức tỉnh, để thấy cuộc sống này cần lắm một tấm lòng, một hành xử nhân ái. Còn câu chuyện ấm áp tình người của những ngư dân càng củng cố thêm lòng tin về cái tốt vẫn còn hiệu hữu trong cuộc đời. Rằng bên cạnh sự vô cảm làm chúng ta phẫn nộ, lên án thì vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng "thương người như thể thương thân" để nhân lên và truyền đi sự ấm áp trong cuộc đời.

Thượng tọa Thích Nhật Từ trong cuốn Mở lối yêu thương có định nghĩa về hạnh phúc: "Hạnh phúc chính là sự làm chủ tấm thân, cảm xúc, tâm tư, thái độ, hành vi và lối sống. Hạnh phúc sẽ chào đón bạn khi bạn mở được cánh cửa tâm hồn cảm thông, thương xót, cứu giúp, vị tha và hữu ích". Một định nghĩa giản dị, dễ hiểu nhưng để thực hiện được có lẽ phụ thuộc vào mỗi chúng ta.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ