• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sản xuất thời bùng phát COVID-19: Rời Trung Quốc từ trước nhưng loạt "ông lớn" vẫn gặp nạn vì khủng hoảng chuỗi cung cấp

Thế giới 09/03/2020 13:02

(Tổ Quốc) - Mặc dù không đặt nhà máy tại Trung Quốc, nhưng nhiều công ty thuộc các lĩnh vực sản xuất khác nhau vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do gián đoạn chuỗi cung cấp vì COVID-19.

Tờ Wall Street Journal nhận định, dịch bệnh virus corona mới – hay còn có tên là COVID-19 hiện bùng phát tại nhiều nước trên toàn thế giới đang làm lộ ra một vấn đề cho ngành sản xuất toàn cầu: ngay cả những công ty đã chuyển đổi sản xuất ra bên ngoài quốc gia châu Á vẫn không thể thoát khỏi ảnh hưởng của chuỗi cung cấp từ Trung Quốc.

Hơn 1,5 năm trước, một nhà sản xuất đồ lót mở nhà máy ở miền đông Bangladesh sau khi muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng và các hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tại nhà máy, 16 giám sát viên kinh nghiệm người Trung Quốc chỉ đạo 500 nhân công người Bangladesh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, hơn một nửa nhân viên Trung Quốc bị giám sát tại quê nhà trong nhiều tuần, khiến sản xuất bị ngưng trệ. Các chuyến hàng vận chuyển nguyên vật liệu từ Trung Quốc cũng bị chậm lại dẫn tới tình trạng khan hiếm.

"Mọi thứ đang tồi tệ hơn nếu Trung Quốc không thể cung cấp nguyên vật liệu cho chúng tôi", một giám đốc điều hành công ty than thở.

Sản xuất thời bùng phát COVID-19: Rời Trung Quốc từ trước nhưng loạt "ông lớn" vẫn gặp nạn vì khủng hoảng chuỗi cung cấp - Ảnh 1.

Mặc dù không đặt nhà máy tại Trung Quốc, nhưng nhiều công ty thuộc các lĩnh vực sản xuất khác nhau vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do gián đoạn chuỗi cung cấp vì COVID-19 (ảnh: WSJ)

Các công ty công nghệ và điện tử vốn ra đời và phát triển từ nhiều sáng kiến cấp quốc gia lớn tại Trung Quốc, giờ đây phải chịu tác động lớn nhất từ việc sản xuất bị đình trệ. Ngành công nghiệp ô tô và y dược bị thiệt hại ít hơn còn các ngành công nghiệp truyền thống như may mặc có nguy cơ thấp do đã bắt đầu rời khỏi Trung Quốc. Mặc dù vậy, các nhà sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguyên vật liệu và kinh nghiệm từ Trung Quốc. Trường hợp công ty may đồ lót ở Bangladesh phía trên là một ví dụ điển hình.

Dịch bệnh kéo dài đem tới áp lực về giá và gánh nặng lên lợi nhuận công ty khi các nhà sản xuất phải tái tập trung nguồn lực để tìm kiếm các nguồn thay thế trong chuỗi cung cấp.

Các nhà sản xuất toàn cầu phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc ở rất nhiều hàng hóa trung gian, từ dây điện trong ô tô sản xuất tại châu Âu tới các chi tiết điện tử trong điện thoại sản xuất tại Brazil.

"Khả năng thế giới tránh được sự gián đoạn trong sản xuất và cung ứng đang giảm mạnh do bị phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc về hàng hóa trung gian", Chi Lo – một nhà nghiên cứu cấp cao của BNP Paribas nhận định.

May mặc là một trong những ngành đầu tiên tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Các công ty tìm kiếm những địa điểm có chi phí nhân công rẻ hơn như Bangladesh – một trong những nước xuất khẩu quần áo lớn nhất thế giới sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, vải của Trung Quốc được xuất khẩu đi tới nhiều quốc gia như Bangladesh, Pakistan… và chiếm tới gần ¾ nhập khẩu may mặc của các nước này. Họ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc đối với những sản phẩm phức tạp hơn như phéc mơ tuy hay khóa cài – vốn cần kỹ năng cao hơn bình thường.

Các chuỗi cung ứng có thể trở nên rối ren hơn khi dịch bệnh lan rộng tại cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả hai nước đều là những nhà cung cấp nguyên vật liệu may mặc lớn ở châu Á.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán vào tháng 1, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc hứng chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng – thậm chí còn bị đánh giá là tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tâm điểm dịch bệnh rơi vào Hồ Bắc, vốn là một trung tâm sản xuất ô tô, càng đẩy ngành này vào tình thế lao đao.

Tháng trước, Fiat Chrysler Automobiles NV cho hay, họ phải tạm ngừng sản xuất tại một nhà máy ở Serbia, Nga vì không có được linh kiện từ Trung Quốc. Giới lãnh đạo công đoàn General Motors Co. ở Mỹ lên tiếng cảnh báo ngưng trệ sản xuất do các bộ phận làm tại Trung Quốc của hai nhà máy Michigan và Texas sắp cạn kiệt. Hyundai Motor Co. Hàn Quốc cũng phải ngừng một dây chuyền sản xuất ở Ulsan bởi lý do tương tự.

Trong khi đó, gã khổng lồ dược phẩm Pháp Sanofi SA thông báo sẽ thành lập riêng một công ty tại Pháp chuyên sản xuất nguyên vật liệu thuốc – trước đó vốn phụ thuộc chặt chẽ vào quá trình sản xuất tại Trung Quốc.

Để giữ cho chi phí thấp, trước khi dịch bệnh bùng phát, các công ty trên toàn thế giới đã tìm cách cắt giảm nguồn hàng và nguyên vật liệu dự trữ, ngay cả sau khi một số cú sốc trong chuỗi cung ứng từng xảy ra như sự kiện sóng thần tại Nhật Bản vào năm 2011 ảnh hưởng nặng tới ngành sản xuất ô tô.

Ông Razat Gaurav, CEO của công ty phần mềm Llmasoft Inc. cho hay, ngành công nghệ có đủ dự trữ cho khoảng 3-12 tuần, còn ngành sản xuất ô tô là từ 2-10 tuần. "Nếu tình hình tiếp tục kéo dài tới nửa sau của tháng 3, chúng ta sẽ chứng kiến những ảnh hưởng khổng lồ tới nguồn dự trữ", ông dự đoán.

Trong khi nhiều nhà máy của Trung Quốc đã bắt đầu quay trở lại làm việc toàn bộ công suất, một số khác vẫn chỉ duy trì hoạt động với 1/3 nhân viên và họ vẫn đang cố gắng hoàn thành các đơn hàng từ năm ngoái.

Trong một lá thư gửi tới Ngân hàng Trung ương Bangladesh vào tháng trước, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh Rubana Huq viết: "Nếu cuộc khủng hoảng tiếp diễn, nó sẽ đẩy chúng tôi vào một thảm họa không thể thay đổi". Hiệp hội đang đề nghị thành lập một quỹ hỗ trợ thảm họa cho các nhà máy may mặc và khuyến khích cho vay thương mại đối với ngành công nghiệp may mặc Bangladesh.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ