• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sắp đứng đầu thế giới về dân số, Ấn Độ còn một chặng đường dài phát triển

Thế giới 14/11/2022 15:39

(Tổ Quốc) - Khi trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn để bắt kịp đà phát triển, theo Nikkei Asia.

Theo tờ Nikkei Asia, tại châu Á, hai quốc gia đông dân và là láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu đã trở thành đối tượng được so sánh với nhau về nhiều lĩnh vực. Người dân Ấn Độ cũng luôn so sánh họ với nước láng giềng khổng lồ bên cạnh.

Hi vọng về đà tăng trưởng và dân số

Vào thời điểm khi tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ vượt qua Trung Quốc như hiện tại và đà tăng trưởng này dự kiến còn kéo dài ít nhất là trong năm tới, người dân Ấn Độ ăn mừng rằng thành tích kinh tế của họ đang bắt kịp với Trung Quốc.

Và Ấn Độ cũng đang sắp vượt qua Trung Quốc về một chỉ số quan trọng khác. Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người trong tuần này. Bằng các tính toán tương tự dựa trên ước tính tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử vong, dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trong vòng vài tháng tới.

Dân số 1,4 tỷ người của Ấn Độ vẫn đang tăng lên khi tỷ lệ sinh vẫn ở mức cao, một phần là do New Delhi không thực hiện các chính sách kiểm soát dân số cứng rắn. Còn trước đó, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách một con trong nhiều thập kỷ nhằm hạn chế sinh đẻ.

Sắp đứng đầu thế giới về dân số, Ấn Độ còn một chặng đường dài phát triển - Ảnh 1.

Nhiều người tới một trung tâm việc làm tại Kochi với hi vọng được ghi danh vào các buổi phỏng vấn, ảnh: AP

Chính quyền hiện tại của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề xuất một dự luật kiểm soát dân số vào năm 2019 nhưng đã rút lại trong bối cảnh Đảng Bharatiya Janata cầm quyền phản đối. Cũng theo nhận định của chính phủ Ấn Độ, một lượng lớn dân số sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng liên tục của Ấn Độ.

Những người ủng hộ quan điểm này lưu ý rằng tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ (tính toán sự phụ thuộc của người cao tuổi vào lực lượng lao động trẻ) đã giảm trong nhiều năm qua, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc đang tăng lên do hàng ngũ người cao tuổi ngày càng gia tăng.

Còn nhiều việc phải làm để tận dụng nguồn nhân lực

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về đà tăng dân số này. Nhiều nhà phân tích nhấn mạnh việc Ấn Độ thiếu một khu vực sản xuất lớn cần sử dụng nhiều lao động để thu hút lượng lao động ngày càng lớn. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP thời gian trước đây không hề cao và mới đạt mức hai con số trong thời gian ngắn từ cuối những năm 2000.

Thêm vào đó, tương đối ít thanh niên Ấn Độ có các kỹ năng theo yêu cầu của các công ty công nghệ thông tin lớn tại nước này. Nhiều nhà phân tích đã đánh giá mối tương quan giữa số lượng lớn nam thanh niên thất nghiệp hoặc thiếu việc làm với một loạt các tệ nạn xã hội, bao gồm bạo lực đối với phụ nữ và rối loạn xã hội.

Dù đã đạt được những tiến bộ gần đây, chỉ có khoảng 40% dân số được coi là tham gia tích cực vào lực lượng lao động. Phần lớn lao động Ấn Độ vẫn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc khu vực phi chính thức. Sản xuất chỉ chiếm 14% GDP của Ấn Độ, một tỷ trọng thấp hơn so với các nước đang phát triển lớn khác.

Do khu vực sản xuất của họ còn chưa phát triển nhiều, Ấn Độ chưa thể trở thành một nước xuất khẩu hàng hóa sản xuất lớn. Ngay cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nhiều công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các quốc gia lân cận khác đã thành công hơn hẳn Ấn Độ trong việc nắm bắt cơ hội này, trong các lĩnh vực từ quần áo đến điện tử.

Trong nhiều năm, chính phủ Ấn Độ đã nhấn mạnh khả năng tự lực hơn là phát triển thương mại. Chỉ gần đây, chính phủ của Thủ tướng Modi mới bắt đầu chuyển hướng sang xuất khẩu, tiếp tục xúc tiến các cuộc đàm phán với EU và Canada về các hiệp định thương mại tự do. Dường như các nhà chức trách Ấn Độ lúc này đã tin rằng tăng trưởng với định hướng xuất khẩu có thể cung cấp một con đường bền vững cho việc mở rộng kinh tế trong dài hạn, như ở Trung Quốc và các quốc gia Đông Á khác.

Điều đáng chú ý là vẫn dư thừa nhiều lực lượng lao động, người dân Ấn Độ không rơi vào tình trạng vô pháp luật và bạo lực như một số quốc gia đang phát triển ở Mỹ Latinh và châu Phi. Người lao động dư thừa ở Ấn Độ phần lớn xoay sở tìm việc gì đó để làm, thường là trong khu vực phi chính thức hoặc khu vực dịch vụ. Công việc giao đồ ăn hoặc lái taxi đang tạo việc làm cho nhiều người và họ được trả lương.

Để đưa nền kinh tế phát triển tương xứng với quy mô dân số, Ấn Độ vẫn còn nhiều việc phải làm và cần tận dụng nền chính trị tương đối ổn định của họ. Hàng triệu thanh niên vẫn có niềm tin vào chính phủ và cảm thấy có thể tác động đến chính sách một cách hợp pháp bằng lá phiếu của họ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ