• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau loạt chiến tích vang dội, sức sống mới Arab dồn tâm điểm Nga và ông Putin

Thế giới 06/05/2019 17:14

(Tổ Quốc) - Các cuộc khảo sát cho thấy thái độ tích cực đối với Putin và đất nước của ông đã vượt qua niềm tin từ lâu vào Hoa Kỳ, theo Bloomberg.

Cây viết Hussein Ibish ngày 6/5 đã có một bài viết trên Bloomberg về hình ảnh của Nga tại thế giới Ả Rập.

Xoay chuyển từ giới trẻ

Rất nhiều người Mỹ lo ngại rằng Nga đang trở lại như một người chơi chính ở Trung Đông nhưng rất nhiều người Ả Rập dường như hy vọng như vậy. Niềm tin này dựa trên sự can thiệp thành công của Nga, cùng với các đồng minh Iran và Hezbollah, trong cuộc chiến Syria. Ngay cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã có nhiều chuyến đi đến Moscow khi Israel cố gắng đảm bảo lợi ích của mình ở Syria.

Trong số các đồng minh Ả Rập của Hoa Kỳ cũng vậy, ảnh hưởng của Nga ngày càng tăng, và không chỉ với các chính phủ.

Sau loạt chiến tích vang dội, sức sống mới Arab dồn tâm điểm Nga và ông Putin - Ảnh 1.

Hoàng Thái tử Saudi Arabia và ông Putin tại một sự kiện thượng đỉnh đa phương. (Nguồn: Bloomberg/AFP)

Hai phiên bản mới nhất của Khảo sát Thanh niên Ả Rập, một nghiên cứu hàng năm về thái độ của những người từ 18 đến 24 tuổi ở Trung Đông và Bắc Phi, cho thấy những người Ả Rập trẻ tuổi ngày càng nhìn vào Nga như một đồng minh và xem Mỹ là không đáng tin cậy hay có mối quan hệ đi xuống.

Những người Ả Rập trẻ tuổi, không gây ngạc nhiên, khi xác định Iran là "đối thủ" chính ở mức 64%, nhưng Hoa Kỳ lại đứng ở vị trí thứ hai với 59%.

Trong khi đó, danh tiếng của Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh khu vực đang suy giảm. Tỷ lệ người Ả Rập trẻ tuổi định vị Mỹ ở vai trò trên đã giảm từ 63% vào năm 2016 xuống 35% vào năm ngoái trước khi tăng một chút ở mức 41% hiện nay. Ngược lại, niềm tin vào Nga tiếp tục ở mức cao dù giảm nhẹ từ 69% năm ngoái xuống còn 65% năm nay.

Ở các quốc gia thuộc vùng Vịnh Ả Rập – những đồng minh khu vực mạnh mẽ của Hoa Kỳ, 43% thanh niên tham gia khảo sát coi Washington là một đồng minh mạnh mẽ hơn so với Moscow, nhưng tỉ lệ người coi Nga mạnh mẽ hơn Mỹ cũng ở mức 42% - chỉ kém tỉ lệ trên 1%.

Nga đảo chiều ngoạn mục

Liên Xô phần lớn đã bị đẩy ra khỏi khu vực sau cuộc chiến Ả Rập-Israel năm 1973 và việc Ai Cập tiến vào quỹ đạo Washington. Và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga đã phải vật lộn để duy trì bất kỳ sự hiện diện nào ở Trung Đông. Nhưng hiện tại, họ được nhìn nhận rộng rãi là một sức mạnh lớn từ bên ngoài.

Sức hấp dẫn của họ lúc này có lẽ có thể được hiểu rõ nhất như là một sự thay thế về mặt lý thuyết cho Hoa Kỳ.

Từ vai trò duy nhất của Moscow ở khu vực Vùng Vịnh là đồng minh quốc tế quan trọng của Iran và là nhà cung cấp vũ khí thay thế cho những bên không tiếp cận được vũ khí từ Mỹ, Nga có thể đóng vai trò là một thế lực ủy nhiệm trong một thực tế đa cực hấp dẫn. Theo đó, các thể chế Ả Rập có nhiều lựa chọn về các sự hỗ trợ quốc tế so với thực tế là hầu hết các nước hiện nay ở khu vực đều dồn tâm điểm vào Mỹ.

Không chắc rằng sự gia tăng thiện cảm rõ ràng này đối với Nga có phải dựa trên các chính sách thực tế của Moscow, đặc biệt là sự can thiệp của nước này vào Syria và sự hỗ trợ cho Iran hay không.

Nhưng chắc chắn rằng cuộc chiến Syria có thể đã giúp nâng cao hình ảnh Nga. Khi Moscow can thiệp vào Syria năm 2015, cùng với Iran và Hezbollah, để hỗ trợ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad, đó được cho là sự can thiệp quốc tế thành công đầu tiên vào thế giới Ả Rập kể từ khi Kuwait giải phóng năm 1991.

Chiến lược này đã mang lại cho Moscow quyền lực là một đối tác mạnh mẽ, một lực lượng cho sự ổn định và là một người chiến thắng. Ngược lại, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama và hiện tại là ông Donald Trump có vẻ còn ngần ngại và kém hiệu quả tại đây mặc dù các cuộc không kích thường xuyên của ông Trump vẫn diễn ra ở Syria và Yemen, và việc khởi động một cuộc chiến tài chính chống lại Tehran. Đây có vẻ như là những hành động mạo hiểm không kèm theo rủi ro.

Cá tính các nguyên thủ

Hơn nữa, các đồng minh Ả Rập của Hoa Kỳ thường sử dụng Nga làm đòn bẩy để có được những gì họ muốn từ Washington. Khi Saudi Arabia cố gắng mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD nhưng có vẻ khó khăn, họ đã chuyển hướng sang mua hệ thống S-400 của Nga để thay thế trước khi đạt được tiến bộ thực sự với Washington. Điều tương tự cũng xảy ra với những nỗ lực của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE về mua mẫu máy bay chiến đấu phản lực hiện đại của Hoa Kỳ. Vương quốc Anh muốn F-35 của Mỹ, nhưng để có được chúng có lẽ sẽ phải đàm phán để có khí tài thay thế từ Nga.

Một điều cũng hữu ích với Nga là vì họ đã vắng mặt ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ, Mỹ sẽ là đối tượng bị đổ lỗi với những sự cố hay sai lầm ở khu vực kể từ những năm 1970, hay cả trước đó, cho tới nay.

Tính cách của các nhà lãnh đạo cũng có vai trò trong việc thay đổi quan điểm trên của giới trẻ Ả Rập. Theo Hussein Ibish, ông Trump được nhìn nhận trên toàn cầu là một người hay thay đổi và từng bị cáo buộc phân biệt chủng tộc. Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể truyền đạt sức mạnh, quyết tâm, sự cứng rắn và vai trò trọng tài.

Do đó, ông Putin dường như đang nhân cách hóa một nước Nga kiên quyết và đáng tin cậy so với một nước Mỹ chưa đủ quyết đoán.

Dù vậy, tuần trăng mật này khó có khả năng kéo dài. Sớm hay muộn, Nga sẽ phải giải thích cho những chính sách của mình. Và với những hạn chế về khả năng triển khai sức mạnh của Nga trên toàn thế giới, với một nền kinh tế không lớn hơn Ý, họ có lẽ đã dồn quá nhiều vào riêng Syria.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ