• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau Nga, đến lượt Tổng thống Mỹ “lọt tầm ngắm” của ông Macron

Thế giới 13/07/2017 15:29

(Tổ Quốc) - Tổng thống Pháp sẽ áp dụng chiến lược gì để thể hiện sự khác biệt trong cuộc gặp gỡ với người đồng cấp nước Mỹ?  

Chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày mai (14/7) đặt mục tiêu tái khẳng định “mối quan hệ hữu nghị” giữa Washington với Paris, cũng như kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ chính thức can dự vào Thế chiến thứ nhất.

Nhận định về chuyến thăm, hãng tin Sputnik cho rằng, đây là một cơ hội để Tổng thống Pháp Emmanuel Macron biểu thị sự khác biệt của bản thân so với các nhà lãnh đạo khác của châu Âu trong mắt người đồng cấp đến từ nước Mỹ; bên cạnh đó, nó cũng đem đến những lợi ích nhất định cho chính quyền Trump.  

Chiến lược của Tổng thống Macron

“[Đối với ông Trump], Tổng thống Pháp muốn giữ một khoảng cách nhất định, giúp ông ấy có thể củng cố sự lãnh đạo của mình. Và không như Thủ tướng Angela Merkel, ông Macron không cần phải quan tâm đến việc tái bầu cử, ông ấy chỉ mới nhậm chức, vì vậy đây chính xác là cách khiến ông ấy trở nên nổi bật,” Marie-Cecile Naves, một nhà nghiên cứu tại Viện các vấn đề quốc tế và Chiến lược của Pháp (IRIS) cho biết.

Bà Naves cho rằng, trước đó, ông Macron từng không ít lần bày tỏ sự không đồng tình với các chính sách của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ tới đây là một cách để thiết lập mối quan hệ tương lai với ông chủ Nhà Trắng, và giúp cho lịch sử quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia vượt qua được những căng thẳng xuất phát từ tính cách của Tổng thống Trump.

“Ông Macron không giấu giếm những khác biệt với Tổng thống Trump, nhưng theo cách cho phép ông ấy có thể chìa tay với ông Trump, có lẽ là trong tương lai,” Naves nói.

Manuel Lafont Rapnouil, người đứng đầu Văn phòng Paris của Hội đồng đối ngoại châu Âu tin rằng, quan hệ Pháp – Mỹ có lịch sử lâu dài, và “bất kỳ ai trở thành Tổng thống Mỹ tháng Mười một năm ngoái, cũng sẽ mời người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa rồi.”

Bất chấp những nghi ngại về hợp tác hai nước và hình ảnh của ông Trump, Tổng thống Macron muốn duy trì mối quan hệ chiến lược với nước Mỹ, bởi vì “đó là lợi ích lâu dài cho Pháp, vì vậy chúng ta cần phải gây dựng nó, cho dù ông Trump có là Tổng thống hay không,” Rapnouil nói.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Quỹ Robert Schuman, Pascale Joannin cho rằng, có khả năng ông Trump và ông Macron sẽ gặp mặt bà Angela Merkel – người cũng sẽ có mặt tại Paris trong ngày 14/7: “Có thể sẽ có một cuộc gặp ba bên [giữa Macron, Trump và Merkel], trước hay sau lễ diễu hành hôm 14/7. Điều này không phải là không thể xảy ra.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels hồi tháng Năm (ảnh: Sputnik)

Lợi ích cho chính quyền Trump

Theo Jean-Luc Marret, nhà nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS), chuyến thăm Pháp sẽ là cơ hội để ông Trump có thể xóa bỏ hình ảnh một Tổng thống Mỹ đang bị cô lập. “Nó thậm chí sẽ xác nhận rằng, chương trình nghị sự của ông ấy đang mang một hình ảnh quốc tế. Vì vậy, đây là cách tiếp cận hai bên đều có lợi,” Marret nói.

Ý kiến trên nhận được sự đồng tình từ Naves. Chuyên gia này bổ sung thêm, chuyến thăm của ông Trump mang theo thông điệp rằng, Tổng thống Mỹ “được chào đón” ở nước ngoài, và ông “chính là người có thể ‘khiến nước Mỹ vĩ đại một lần nữa’”.

“Tôi không nghĩ châu Âu muốn chống lại Trump. Bà Merkel và ông Macron thừa nhận rằng có rất nhiều sự khác biệt, nhưng họ không muốn chống lại nó, họ muốn bảo toàn những gì có thể bảo toàn,” Rapnouil phân tích, đồng thời chỉ ra, những bất đồng giữa các bên đang trải rộng trên các lĩnh vực như khí hậu, hạt nhân Iran…

An ninh và chống khủng bố

Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ chắc chắn sẽ chia sẻ một số chủ đề tương đồng. “Những câu hỏi về an ninh là trách nhiệm chung,” Charles de Marcilly, người đứng đầu văn phòng Brussels của Quỹ Robert Schuman nhận định. Rapnouil đồng tình khi cho rằng, an ninh và khủng bố là “một lĩnh vực thích hợp cho quan hệ hợp tác Pháp – Mỹ.”

Chuyến công du tới Pháp là một cơ hội để Tổng thống Trump giải thích chính sách của mình, bởi vì nó thể hiện “tầm nhìn của ông ấy về an ninh, quốc phòng và và chủ nghĩa yêu nước,” Jean-Luc Marret nói.

“Có lẽ về khía cạnh này, Tổng thống Pháp sẽ muốn nhắc nhở [ông Trump] về sự tham gia của cộng đồng quốc tế,” de Marcilly dự đoán thêm.

Tuy nhiên, Rapnouil  nhấn mạnh, những khác biệt trong vấn đề biến đổi khí hậu, sẽ không được phép có những tác động tiêu cực lên mối quan hệ của Pháp với Mỹ trong lâu dài, chỉ bởi vì chính quyền Mỹ đã rút ra khỏi hiệp định Paris: “Có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta không thể khiến chính quyền Trump thay đổi lập trường, tốt hơn là chúng ta nên làm việc với những bên khác của Mỹ để đảm bảo rằng, ít nhất một phần nào đó của nước Mỹ có tham gia vào chính sách biến đổi khí hậu thế giới. Và hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ có được một người ủng hộ trong chính quyền Trump (hoặc chính quyền khác) – một cá nhân có thể thay đổi quyết định, và đưa nước Mỹ trở lại với hiệp định Paris.”

Song song với chuyến thăm của Tổng thống Nga

Rapnouil cũng đề cập đến chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Paris vào cuối tháng Năm, chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Pháp nhậm chức. “Có thể thấy ông Macron sẽ sử dụng những cơ hội mang tính biểu tượng và lịch sử này để thực thi chính sách đối ngoại, và xây dựng bối cảnh cho các mối quan hệ với những nguyên thủ toàn cầu. Ông ấy đã làm được điều này với Putin, và bây giờ sẽ là Trump,” chuyên gia này đánh giá.

(Theo Sputnik)

 

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ