• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau phán quyết PCA 12/7: Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Thế giới 19/08/2016 06:07

(Tổ Quốc)-Bất lợi trước thực tế mới, Trung Quốc đánh lạc hướng dư luận, hành động cứng rắn trên biển.

Về lâu dài, Trung Quốc gặp ba điều bất lợi từ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye: Một là, “quyền lịch sử” và đường 9 đoạn bị bác bỏ hoàn toàn; hai là, tất cả các cấu trúc địa lý tại Trường Sa không có quy chế đảo, do đó không có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng; cũng “không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất”; “không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế”; theo đó, ba là, đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát cũng chỉ là “đá”, nghĩa là chỉ có vùng nước 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế, không tạo ra các vùng chồng lấn như Trung Quốc mong muốn.

Tại Trung Quốc, phán quyết đã dấy lên cơn thịnh nộ của công chúng, các cuộc biểu tình chống Mỹ đã diễn ra tại một số thành phố trên khắp Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ và Philippines. Tuy nhiên, chúng được kiểm soát và đi vào thoái trào. Chính quyền Bắc Kinh chỉ muốn tỏ thái độ nhưng không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nghĩa là phơi bày các thất thố về quyết sách và thất bại về ngoại giao - pháp lý.

Mỹ chuyển giao cho hải quân Đài Loan 13 hệ thống súng phóng tên lửa đánh gần, gửi một tín hiệu tới Trung Quốc

Thế tiến thoái lưỡng nan

Sách Trắng do Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 12/7, không nhắc tới đường 9 đoạn; tuy lặp lại tuyên bố “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông nhưng cũng không mạnh mẽ “như đinh đóng cột” trước đây.

Có thể xem đây là một điều chỉnh chủ yếu của Trung Quốc sau phán quyết 12/7 lẳng lặng để cho vấn đề chìm dần.

Nhưng các ứng phó của Trung Quốc trong hơn một tháng qua vừa đối phó và đánh lạc hướng dư luận trong nước, vừa có các hành động  cứng rắn thể hiện thái độ không chấp nhận phán quyết của PCA, đồng thời chứng tỏ với các bên hữu quan, rằng phán quyết không ảnh hưởng đến tuyên bố chủ quyền và lợi ích hải dương của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Với Mỹ, trong một phát biểu tại một diễn đàn kín ở Bắc Kinh tối ngày 16/7, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói rằng các hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông “có thể kết cục trong thảm họa”. Trung Quốc cho thử một số vũ khí chống hạm mới. Nhưng trong một động thái bất thường, ngay trước khi Tòa công bố  phán quyết, Trung Quốc lặng lẽ rút khẩu đội tên lửa phòng không tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Có thể xem là một cử chỉ thỏa hiệp để đổi lấy thái độ kiềm chế của Mỹ về mặt quân sự và ngoại giao liên quan đến phán quyết.

Trung Quốc muốn mở cánh cửa ngoại giao cho đàm phán song phương với các bên liên quan để làm yếu cơ sở pháp lý của các phán quyết 12/7, với Philippines làm đột phá khẩu trong vấn đề Biển Đông. Nhưng việc Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra điều kiện tiên quyết yêu cầu Philippines không được sử dụng các phán quyết trong đàm phán đã bị người đồng cấp Ngoại trưởng Philippines bác bỏ. Các nước liên quan tuy không khuyếch trương phán quyết ở mức làm mất thể diện Trung Quốc, nhưng sẽ dùng các phán quyết như đòn bẩy cho các cuộc đàm phán và đấu tranh pháp lý, ngoại giao trong tương lai.

Trung Quốc biểu dương vũ lực, nhằm làm cho các nước xung quanh Biển Đông ý thức rằng việc Trung Quốc kiểm soát thực tế Biển Đông là xu thế không thể đảo ngược. Nhưng nếu Trung Quốc tiến hành những hành động cực đoan như việc bồi đắp bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough thì có thể gây nên làn sóng phản đối tại Philippines và sẽ đóng sập cánh cửa ngoại giao vừa được hé mở.

Trung Quốc có thể lôi kéo chính quyền mới ở Philippines nhằm yêu cầu Philippines từ bỏ yêu sách và những lợi thế mà các phán quyết của Tòa mang lại, nhưng chính quyền Duterte sẽ phải đối mặt với sức ép lớn ở trong nước nếu thỏa hiệp thiếu nguyên tắc.

Theo kịch bản xấu, Trung Quốc có thể thực hiện một số hành động leo thang nguy hiểm về quân sự, như phong tỏa Bãi Second Thomas, cải tạo bãi Scarborough, đánh chiếm đảo Ba Bình; nhưng sẽ bị Mỹ coi là cực kỳ khiêu khích và châm ngòi một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã gửi đi các thông điệp mạnh rằng hành động cải tạo Scarborough sẽ vi phạm “lằn ranh đỏ”, dẫn Trung Quốc tới sự cô lập hơn nữa. Liên quan đến đảo Ba Bình, chính quyền Mỹ vừa chuyển giao cho hải quân Đài Loan 13 hệ thống vũ khí đánh gần trên biển trị giá 286,6 triệu USD như là một trong các đợt bán vũ khí đã được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2015.

Tòa án Tối cao Trung Quốc mới đây tuyên bố những người đánh bắt cá trong “vùng biển của Trung Quốc” có thể bị bắt giam. Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn kêu gọi Trung Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển", những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây các nhà chứa máy bay chiến đấu tại Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiến hành tuần tra trên không tại các vùng biển tranh chấp, đồng thời tuyên bố tập trận với Nga tại Biển Đông. Để chuyển hướng sự chú ý của dư luận lên phía bắc, Trung Quốc cử các tàu hải cảnh hộ tống 230 tàu cá làm dậy sóng quanh vùng Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Trung Quốc vẫn không chấp nhận thực tế mới. Vì vậy, vào thời điểm này, các hoạt động ngoại giao đang rơi vào bế tắc./.

Nguyễn Ngọc Trường

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ