(Tổ Quốc) - Sau một năm thành công hơn mong đợi, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2018.
Trong năm 2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “gây sốt” chính trường thế giới bằng hàng trăm dòng tweet, thì người đồng cấp đến từ Trung Quốc, Tập Cận Bình cũng không kém phần bận rộn với sứ mệnh củng cố quyền lực cả trong nội bộ lẫn trên trường quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc được đánh giá là đã có một năm thành công vượt mong đợi, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng để có những bước tiến dài trong năm 2018. Tuy nhiên, thách thức là điều không thể tránh khỏi. Bloomberg chỉ ra 5 khó khăn lớn mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt trong 12 tháng tới.
1. Giữ cho tầng lớp trung lưu Trung Quốc “hài lòng”
Nền kinh tế Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu phục hồi trong năm 2017 với tốc độ tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 2010, giữ được liên tục trong suốt cả một năm. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo về một sự chững lại trong năm tới, trong khi tỷ giá lãi suất của Mỹ sẽ càng khiến cho những nỗ lực giảm nợ của Trung Quôc trở nên phức tạp hơn.
Thách thức lớn nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2018 được cho là “duy trì sự ủng hộ [của tầng lớp trung lưu Trung Quốc] trước những rắc rối kinh tế tiềm tàng”, bà Susan Shirk, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21, thuộc Đại học California, San Diego, Mỹ - nhận định. “Tôi đang chờ để xem điều gì có thể khiến tầng lớp trung lưu không hài lòng”.
Những vấn đề khác nhiều khả năng dẫn đến sự bất mãn của tầng lớp trung lưu Trung Quốc bao gồm không khí ô nhiễm, chất lượng giáo dục và kiểm duyệt trực tuyến… Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra vào tháng Mười, nhiều vấn đề xã hội phát sinh đã cho thấy, nếu không cẩn thận tối đa, mọi việc có thể nhanh chóng đi theo chiều hướng tiêu cực.
2. Gìn giữ hòa bình
Trong năm 2017, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách đối ngoại chủ động hơn nhiều so với trước đây. Bắc Kinh đã công khai thể hiện ý muốn đóng vai trò trung gian, góp phần điều hòa các cuộc xung đột nóng trên thế giới như Afghanistan và Pakistan, Myanmar và Bangladesh, và cả Israel và Palestine… Với động cơ chính là mở rộng lợi ích kinh tế trên toàn cầu, chính sự “non” kinh nghiệm của Trung Quốc trong giải quyết xung đột thế giới, vô hình chung, lại đem đến một số cách tiếp cận mới mẻ.
Mặc dù vậy, theo Bloomberg, một trong những khó khăn lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc trong chính sách đối ngoại, lại chính là làng giềng kiêm đồng minh lâu năm: CHDCND Triều Tiên. Chính quyền ông Kim Jong Un đã tiến những bước dài trong chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình, thậm chí là đạt đến khả năng tấn công nội địa Mỹ. Điều này đã khiến Tổng thống Trump không ngừng tung ra những lời đe dọa sử dụng quân sự. Trong khi Bắc Kinh đáp ứng sức ép từ phía Washington bằng cách thắt chặt các lệnh cấm vận lên Bình Nhưỡng đến mức độ chưa từng có trong tiền lệ, việc ông Tập có thể ngăn ngừa được các hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên hay không, còn là một câu hỏi để ngỏ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2018. |
3. “Tận dụng” những lo lắng của Châu Á về Tổng thống Trump
Việc ông Trump tập trung vào vấn đề giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và nước Châu Á – không phân biệt bạn bè hay đối thủ - đã đem đến cơ hội cho Trung Quốc cải thiện các mối quan hệ trong khu vực. Trong năm 2017, Trung Quốc đã gây dựng được các mối quan hệ tốt hơn với Myanmar, Singapore, Philippines… - tất cả những quốc gia từng ít nhiều có bất đồng với Bắc Kinh trong thời gian trước đó.
Tuy nhiên, Bloomberg nhận định, ông Tập Cận Bình cần phải thận trọng. Bất kỳ hành động gây sức ép kinh tế nào nhằm đạt được mục tiêu địa chính trị, đều có thể khiến những “thiện chí” gần đây của Trung Quốc bị bỏ qua. Năm 2017, một lần nữa Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế du khách nước mình đến Hàn Quốc sau những tranh cãi liên quan đến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
4. Giữ một cái đầu lạnh
Chiến lược của Trung Quốc luôn giữ bình tĩnh trước những tuyên bố của Tổng thống Trump trên mạng xã hội (Twitter) – dường như đã có hiệu quả tốt. Các đồn đoán về một cuộc chiến thương mại tàn khốc giữa Trung Quốc và Mỹ đã không xảy ra; trong khi hai nhà lãnh đạo lại không ngừng trao đổi những lời lẽ nồng ấm trong các cuộc gặp gỡ từ Florida, Hamburg cho tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, tháng cuối cùng của năm đã có một “gợn sóng” khi ông Trump gọi Trung Quốc là một thế lực “xét lại”, thách thức ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.
Năm 2018 có thể sẽ khốc liệt hơn nữa với những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang không ngừng leo thang, và thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc được dự đoán là sẽ tiếp tục mở rộng. Một điểm nóng tiềm tàng là cuộc điều tra của Mỹ trước những cáo buộc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ; kết quả của nó có thể sẽ dẫn đến các hành động trừng phạt, bao gồm cả việc áp dụng mức thuế cao hơn.
5. Luôn giương cao ngọn cờ cải cách
2018 đánh dấu năm thứ 40 của công cuộc cải cách kinh tế đã đưa Trung Quốc lên con đường trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu ra nhiều chính sách tầm cỡ ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới vào cuối tháng Mười vừa rồi, như giảm bớt hạn chế sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng tại Trung Quốc…
Nếu trong nhiệm kỳ đầu tiên (2012 – 2017), vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc ông Tập Cận Bình là một nhà cải cách thị trường hay là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa kinh tế dân tộc; giờ đây, với sức mạnh tuyệt đối của mình, Chủ tịch Trung Quốc đã sẵn sàng cho toàn cầu thấy ông sẽ đi đến đâu trong hành trình mở cửa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Chúng có thể sẽ chứng kiến những cải cách khiến cho nền kinh tế do Nhà nước chỉ đạo trở nên hiệu quả hơn, nhưng điều đó không nhất thiết đi kèm với việc có thêm sự tự do,” Trey McArver, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium Trung Quốc, nhận định.
(Theo Bloomberg)