• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Siêu tập trận tại Ba Lan, đòn “cảnh cáo” NATO dành cho Nga?

Thế giới 04/06/2018 06:31

(Tổ Quốc) - Tập trận Saber Strike 2018 với sự tham gia của 19 quốc gia tại Ba Lan, là một thông điệp rõ ràng gửi tới Nga từ NATO.

AFP đưa tin, hôm Chủ nhật (3/6), khoảng 18.000 binh lính từ 19 quốc gia, hầu hết là các thành viên NATO, đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên do Mỹ dẫn đầu tại Ba Lan và các nước vùng Baltic. Mục đích của cuộc tập trận là tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của sườn phía đông NATO trước một nước Nga ngày càng lớn mạnh về cả vị thế và sức mạnh quân sự.

Kéo dài cho tới ngày 15/6, cuộc tập trận Saber Strike 2018 bắt đầu sau khi Ba Lan đề xuất đã sẵn sàng cho sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ tại quốc gia này.

Một văn kiện do Bộ Quốc phòng Ba Lan soạn thảo mới công bố tuần trước chỉ ra, Warsaw sẽ chi từ 1,5 tới 2 tỷ USD để thiết lập một căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ của mình.

Thông tin trên ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích từ Moscow. Điện Kremlin tuyên bố, bất kỳ hành động triển khai quân đội nào cũng “không có hề có lợi cho an ninh và ổn định khu vực”.

Cuộc tập trận thường niên Saber Strike 2018 sẽ kéo dài tới ngày 15/6

Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, quân đội Mỹ đã không ngừng tăng cường hiện diện tại sườn đông NATO, đặc biệt là Ba Lan. Tháng 5/2017, Mỹ đã thành lập một trụ sở chỉ huy mới ở Ba Lan, nhằm kiểm soát hoạt động của khoảng 6.000 binh lính Mỹ đang được triển khai trong các chiến dịch của NATO và Lầu Năm góc tại khu vực.

Đây là một trong những lần triển khai quân lớn nhất của Mỹ tại châu Âu kể từ Chiến tranh lạnh. Động thái này nhằm trấn an các đồng minh cực đông trong NATO - hiện đang cảm thấy lo ngại trước các hoạt động diễn tập quân sự của Moscow tại biên giới giữa các nước này với Nga.

Phát biểu tại Warsaw, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông hy vọng các nhà lãnh đạo NATO tham gia một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào tháng 7 tới đây, sẽ “đưa ra quyết định về việc tiếp viện, tính sẵn sàng và cơ động” của các lực lượng binh lính tại châu Âu, đặc biệt là bốn binh đoàn triển khai vào năm 2016. 

Hồi tháng Ba, Ba Lan cũng ký kết một hợp đồng trị giá 4,75 tỷ USD, mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

Trong khi đó, Moscow từng nhiều lần phản đối việc lắp đặt hệ thống Patriot tại Ba Lan và Romania. Theo Moscow, kế hoạch này vi phạm một hiệp ước vũ khí năm 1987 và có thể được thiết kế cho các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Nga. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ