(Tổ Quốc) - Ngân hàng trung ương Singapore đã thắt chặt chính sách tiền tệ vào ngày 14/4 nhằm điều chỉnh lạm phát của nước này chậm lại.
Giá cả hàng hóa cao, chiến lược "0 - Covid-19" của Trung Quốc và việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã ảnh hưởng đến kinh tế Singapore trong quý 1/2022. Theo Reuters, Singapore hiện đang đẩy mạnh cuộc chiến chống lại giá cả leo thang do ảnh hưởng từ căng thẳng Ukraine và Nga. Đồng đôla Singapore (SGD) sẽ có xu hướng tăng mạnh sau khi Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) điều chỉnh các thông số chính sách tiền tệ trong tuần này để quản lý rủi ro lạm phát.
Đây là lần thứ ba MAS điều chỉnh giá trị của đồng SGD kể từ tháng 10/2021 và quyết định lần này là do lo ngại các rủi ro đến tăng trưởng kinh tế của Singapore. Tăng trưởng chậm và giá cả leo thang đang khiến Singapore rơi vào vòng xoáy lạm phát cao - điều khiến giới phân tích cũng đang lo ngại.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 12 năm, MAS thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này cũng thể hiện sự lo ngại của các nhà hoạch định chính sách nước này về tình trạng bất ổn giá cả và những nguy cơ từ việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt hơn các quy định về tiền tệ.
"Căng thẳng tại Ukraine cũng đã khiến cho dự báo lạm phát toàn cầu cao hơn và triển vọng tăng trưởng GDP giảm đi", MAS cho biết trong một tuyên bố.
Thêm vào đó, theo MAS, cú sốc lớn về giá hàng hóa toàn cầu cũng như sức ép gia tăng từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây áp lực lớn cho đời sống sinh hoạt tại Singapore. Vì vậy, MAS cảnh báo rủi ro lạm phát vẫn sẽ tiếp tục tăng cao trong trung hạn. Trong nhiều thập kỷ, MAS đã khá thành công trong việc sử dụng tỷ giá hối đoái của đồng SGD như một công cụ ổn định giá cả trong trung hạn nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, một số nhà phân tích cho rằng tác động từ các bất ổn toàn cầu sẽ được bù đắp phần nào bởi việc Singapore nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế phòng dịch. Singapore, một trung tâm kinh tế và du lịch lớn đã mở cửa du lịch trở lại từ cuối tháng Ba. Quốc gia này cũng thực hiện nới lỏng các hạn chế và cho phép du khách từ khắp các nước trên thế giới đã tiêm phòng nhập cảnh mà không cần phải cách ly.
Thắt chặt hơn các quy định?
MAS quản lý chính sách tiền tệ thông qua sử dụng tỷ giá hối đoái thay vì lãi suất. Lí do là dòng chảy thương mại tự do sẽ khiến đồng đô la Singapore biến động tăng hoặc giảm so với các đối tác thương mại chính mà không chịu một giới hạn nào.
MAS dự kiến điều chỉnh chính sách thông qua ba đòn bẩy: độ dốc, điểm giữa và độ rộng của biên độ chính sách. Hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng MAS sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Tuy nhiên, do sự khác biệt trong quan điểm của họ về mức độ nghiêm trọng của rủi ro đối với tăng trưởng nên nhiều chuyên gia còn bất đồng về cách thức MAS sẽ tiến hành.
Ngân hàng trung ương Singapore dự báo GDP sẽ tăng trưởng khoảng 3% - 5% trong năm nay. Nền kinh tế Singapore đã tăng trưởng 7,6% vào năm 2021, tỷ lệ cao nhất trong một thập kỷ so với chỉ 4,1% vào năm 2020, bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Dữ liệu phân tích ngày 14/4 cho thấy GDP Singapore đã tăng 3,4% từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn được đánh giá là chậm hơn so với quý 4/2021.
Trước đó, MAS đã thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng Giêng, sau khi từng làm điều tương tự vào tháng 10 năm ngoái cũng để đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng.
Vào sáng ngày 14/4, ngân hàng trung ương Hàn Quốc cũng bất ngờ tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2019.
Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đã gia tăng áp lực lên giá tiêu dùng vốn đã tăng nhanh do khan hiếm nguồn cung. Chính phủ Singapore cho biết sẵn sàng áp dụng các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu khủng hoảng Ukraine ngày càng sâu sắc, ảnh hưởng đến tăng trưởng cũng như gây ra lạm phát cao.
MAS khẳng định sẽ vẫn cảnh giác với diễn biến từ môi trường bên ngoài và tác động của nó đối với kinh tế Singapore. MAS dự báo lạm phát cơ bản sẽ giữ mức 2,5-3,5% trong năm 2022, tăng hơn so với mức dự báo trước đó là 2,0%-3,0%.
"MAS hoàn toàn hiểu được rằng nếu lạm phát tiếp tục tăng cao thì họ sẽ phải tiếp tục điều chỉnh các chính sách tiền tệ trong thời gian tới", ông Khoon Goh, Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á tại Ngân hàng đa quốc gia ANZ nhấn mạnh.