• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Singapore mua chiến đấu cơ tàng hình F-35

Thế giới 13/03/2019 13:10

(Tổ Quốc)- Quyết định của Singapore sở hữu máy bay F-35 làm tăng nguy cơ chia rẽ Mỹ và Trung Quốc, nhưng nâng cao năng lực phòng thủ của nước này.

Hồi đầu tháng 3 vừa rồi, phát biểu tại Quốc hội Singapore, Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, đã tuyên bố về việc mua 12 máy bay chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ. Nếu thỏa thuận này được thực hiện, Singapore sẽ trở thành một trong số đồng minh ít ỏi của Mỹ ở Thái Bình Dương sở hữu F-35, cùng với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong bài phát biểu của mình, ông Ng Eng Hen nhận xét: "Các lực lượng vũ trang thế hệ tiếp theo của Singapore sẽ có tính sát thương cao hơn trong tất cả các lĩnh vực". Điều này cho thấy Singapore dự định sẽ trang bị thêm hàng loạt thiết bị quân sự cho tới năm 2030. Ông này cho biết, Singapore đang dự tính mua 4 chiếc trong đợt đầu tiên và sau đó là 8 chiếc.

Lầu Năm Góc chào hàng máy bay F-35, cho biết, máy bay này có hệ thống điện tử, động cơ và vũ khí tiên tiến nhất thế giới, với "giá cả phải chăng, có tính sát thương và có khả năng sống sót cao nhất từng được sử dụng".

Trước lo ngại Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng, quyết định của Singapore mua F-35 cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng ở Châu Á liên quan tới tham vọng khu vực của Trung Quốc.

Theo Carl Schuster, cựu Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, "Singapore có thể không tin tưởng vào sự đảm bảo của Trung Quốc rằng các yêu sách tại Biển Đông của họ là ôn hòa, không mang ý định quân sự và sẽ không dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát thương mại hàng không và đường biển".

Singapore mua chiến đấu cơ tàng hình F-35 - Ảnh 1.

Quyết định của Singapore mua F-35 cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng ở Châu Á liên quan tới tham vọng khu vực của Trung Quốc.

Mỹ nghi ngờ những tuyên bố ấy. Họ thường cử tàu chiến tới tuần tra tại Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải và thường cử máy bay trinh sát - đôi khi là máy bay ném bom chiến lược - bay qua Biển Đông.

Mỹ cũng có một căn cứ của các máy bay F-35 ở Nhật Bản. Anh cũng cho biết họ sẽ cử một tàu sân bay có máy bay F-35 tới khu vực Biển Đông vào năm 2020.

Timothy Health, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức tư nhân RAND, cho rằng, "Bắc Kinh cần thấy vẫn có những bằng chứng về nhu cầu mạnh mẽ về sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương… Mạng lưới các lực lượng không quân sử dụng máy bay F-35 mở rộng khả năng quân đội của các nước khu vực có thể hợp tác với nhau khi cần thiết". Điều ấy đem tới một thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc.

Tăng cường khả năng phối hợp đồng minh

Bộ phối hợp tác chiến điện tử của máy bay F-35 cho phép tích hợp liền mạch giữa những người sử dụng máy bay này, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng không quân đồng minh. Điều này có thể gây lo ngại cho Bắc Kinh.

Những chiếc F-35 có thể không bị các tuyến phòng không phát hiện và gửi thông tin chi tiết về mục tiêu tới các máy bay có tên lửa tầm xa hoặc tới các hệ thống tên lửa chống hạm trên đất liền.

Một báo cáo hồi tháng 1 năm nay trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã loại trừ bất kỳ mối đe dọa nào từ nhóm các nước sở hữu máy bay F-35 của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng máy bay F-35 không phù hợp với máy bay tàng hình thế hệ thứ năm của Trung Quốc J-20.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen không đề cập tới Trung Quốc khi công bố kế hoạch mua máy bay F-35. Bài phát biểu của ông trước Quốc hội chỉ cho biết các máy bay phản lực "sẽ đóng góp đáng kể vào khả năng của không quân Singapore nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của Singapore".

Người biết lo xa

Các máy bay F-35 có thể làm việc hiệu quả với loại máy bay F-15 khi Singapore thay thế loại F-16 mà họ đã sử dụng trong một thập kỷ.

Trong khi Singapore là một đồng minh thân thiết và lâu năm của Mỹ, cho phép Mỹ có một cơ sở của hải quân tại nước mình, Singapore đang có xu hướng trở thành một nhân tố quan trọng trong các vấn đề quân sự ở khu vực, mặc dù họ không muốn chọc giận Trung Quốc, mà có xu hướng hành động một cách lặng lẽ và tinh tế.

Tuy nhiên, cách tiếp cận tinh tế không nên nhầm lẫn với sự yếu kém về mặt quân sự. Vào năm 2018, Viện Lowy tại Australia đã xếp hàng sức mạnh của Singapore đứng thứ 10 trong số 25 quốc gia ở Châu Á - chỉ đứng sau Australia, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Singapore tự hào về những trang thiết bị quân sự và các mối quan hệ quốc phòng vững chắc trong khu vực. Một nhà bình luận nói rằng: "Singapore thấy vai trò của mình như là một người hỗ trợ an ninh và ổn định khu vực, chứ không phải là một thành viên của bất cứ một liên minh nào nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào".

So với các nước nhỏ và vừa ở khu vực, chính sách quốc phòng của Singapore luôn thể hiện cách tiếp cận đi trước, đón đầu. Họ nằm giữa các nước láng giềng mạnh nên hành động theo triết lý phương Đông "Biết lo cái lo ở xa thì không phải lo cái lo ở gần"./.


Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ