(Tổ Quốc) -Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra ví dụ như vậy khi trả lời câu hỏi về tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Đại biểu Bùi Thị Minh, Quảng Trị, nêu vấn đề, với tình trạng 191.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH không có việc làm, Bộ có giải pháp gì để tránh lãng phí trong đào tạo và có nên duy trì cách đào tạo như hiện nay không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, ông rất trăn trở về tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, tình trạng này cũng diễn ra cả ở ĐH Harvard (Mỹ). Bộ trưởng giải thích thêm rằng, có những sinh viên ra trường kiếm được việc làm ngay, nhưng cũng có những sinh viên sau khi tốt nghiệp phải cần có thời gian thích ứng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, nhìn kỹ vào nhóm đối tượng thất nghiệp thì thì sinh viên có việc làm ngay rơi vào các nhóm trường tốp trên, có bề dày kinh nghiệm, sinh viên thất nghiệp lâu rơi vào các trường mới thành lập.
Tới đây, Bộ GD&ĐT làm rất mạnh việc điều chỉnh mạng lưới trường học, trường yếu kém có thể sẽ thành phân hiệu, thành viên của một ĐH lớn để có sự liên kết tốt. Các trường ĐH lớn sẽ tập trung ở Trung ương và ĐH vùng, không nhất thiết học ĐH ở tỉnh nhà.
Ngoài ra, Bộ đã làm việc với VCCI (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam), doanh nghiệp để đào tạo lại, bổ sung, quan tâm, siết chặt quá trình đào tạo và đầu ra chứ không chỉ siết chặt đầu vào...
Bộ GDĐT thừa nhận có lỗi khi để số sinh viên ra trường nhiều mà không có việc làm. |
Các Đại biểu đã tái chất vấn nội dung này về trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước tiên, ngành xin nhận trách nhiệm và trong nhiều trường hợp, Bộ GDĐT có lỗi khi để số sinh viên ra trường nhiều mà không có việc làm.
“Tôi xin thành thật nhận lỗi chứ không trốn tránh gì, chúng tôi sẽ vừa làm vừa điều chỉnh”- Bộ trưởng Nhạ nói thêm.
Đặc biệt về chương trình đạo tạo, Bộ trưởng cho biết sẽ không quá chú trọng đào tạo kiến thức mà cần phải có kỹ năng mềm như ngoại ngữ, CNTT. Các trường khi mở chương trình đào tạo phải có ý kiến các nhà tuyển dụng. Hiện Bộ chưa sát sao kiểm tra việc này nhưng thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm soát để đào tạo gắn với thị trường lao động./.
Song Đào – Quỳnh Anh, Ảnh: Nam Nguyễn