(Tổ Quốc) - Theo nhiều tài liệu và thông điệp từ một quan chức thương mại, một thoả thuận 20 năm qua về việc ngừng áp thuế đối với thương mại số giữa Ấn Độ và Nam Phi có thể kết thúc vào tuần tới.
Theo Reuters, điều này có thể khiến người dùng phải trả phí đối với các phần mềm và phim họ tải xuống.
Từ năm 1998, các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã gia hạn lệnh cấm áp thuế đối với khái niệm gọi là "truyền tải điện tử", trị giá lên tới 255 tỷ USD/năm.
Áp lực hiện đang gia tăng về việc dỡ bỏ lệnh cấm khi nhiều sách và phim được số hóa và có nguy cơ bị giảm doanh thu đối với các ấn bản truyền thống.
Ấn Độ và Nam Phi đã lưu hành một tài liệu WTO nội bộ, mà Reuters tiếp cận được trong tuần này, nói rằng việc số hóa tăng lên đã buộc họ phải suy nghĩ lại về vai trò của lệnh cấm. Điều này sẽ được quyết định vào tuần tới và việc tiếp tục thực hiện lệnh cấm đòi hỏi một sự đồng thuận hoàn toàn.
Khi được hỏi về lập trường của mình, Đại sứ Nam Phi tại WTO Xolelwa Mlumbi-Peter cho biết trong một câu trả lời qua email tuần này rằng họ vẫn đang tiến hành tham vấn về quyết định quan trọng này.
Ấn Độ đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Hiện tại, có một số quốc gia cảm thấy tự tin rằng họ có thể đứng ngoài sự đồng thuận toàn cầu, ông John Denton, Tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) cho biết.
Một đề xuất khác đã nhận được sự hỗ trợ từ 21 quốc gia bao gồm Trung Quốc và Canada tìm cách gia hạn lệnh cấm ít nhất sáu tháng khi hết hạn. Nhà trung gian Thụy Sĩ cho biết, một phần lớn các nước WTO đã ra tín hiệu hỗ trợ động thái này.
Một báo cáo gần đây của LHQ cho biết khoản lỗ doanh thu thuế quan tiềm tàng hàng năm do thực thi lệnh cấm trên có thể lên tới 10,4 tỷ USD mỗi năm, với hơn 10 tỷ USD thiệt hại là của các nước đang phát triển trong WTO.
Ngày càng có nhiều sản phẩm sản xuất sẽ được số hóa trong tương lai nên các nước đang phát triển sẽ mất doanh thu thuế quan, theo ông Rashmi Banga, tác giả của báo cáo.