(Tổ Quốc) - Tính đến ngày ngày 17/9, lũ lụt do bão Yagi đã cướp đi sinh mạng của 226 người ở Myanmar. Thiệt hại cũng đang cản trở nghiêm trọng nỗ lực cứu trợ khẩn cấp ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
226 người chết sau bão Yagi
Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin vào 17/9 cho biết số người chết vì lũ lụt ở Myanmar do bão Yagi gây ra đã tăng lên 226 người. Số lượng thương vong được thống kê chỉ trong hơn một tuần, ngoài ra vẫn còn 77 người khác đang mất tích.
Thủ đô Naypyitaw, thành phố Mandalay và một số khu vực của tiểu bang Shan hiện nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt.
Điều kiện thời tiết hiện đang cản trở nỗ lực cung cấp viện trợ rất cần thiết.
Cơ quan ứng phó thảm họa của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) cho biết lũ lụt đã ảnh hưởng đến khoảng 631.000 người trên khắp quốc gia Đông Nam Á này.
Cơ quan này cũng nói thêm rằng hầu hết các tuyến đường đi lại đã phong toả. Những cây cầu bị hư hỏng nặng đang cản trở nghiêm trọng nỗ lực cứu trợ mặc dù thực phẩm, nước uống, nơi trú ẩn và quần áo đang là những thứ rất cần thiết đối với người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Liên lạc khó khăn - nhất là ở các vùng hẻo lánh - cũng khiến thông tin thương vong cập nhật chậm.
Tính đến ngày 16/9, lũ lụt đã làm hư hại 2.116 ngôi nhà, 117 tòa nhà, 1.040 trường học, 386 cơ sở tôn giáo và nhấn chìm khoảng 260,2 ha cây trồng.
Trang Global New Light of Myanmar xác nhận hơn 150.000 ngôi nhà đã bị ngập lụt.
"Tổng cộng có 438 nơi trú ẩn đã được thiết lập cho các nạn nhân lũ lụt. Những nhà hảo tâm cũng sẵn sàng quyên góp nước uống, thực phẩm và quần áo", tờ báo nhà nước cho biết.
Theo Cơ quan Thông tin thuộc Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, lũ lụt cũng ảnh hưởng nặng nề đến hàng chục thị trấn trên khắp đất nước Myanmar. Các khu vực và bang bị ảnh hưởng bao gồm Kayah, Kayin, Bago, Magway, Mandalay, Mon, Shan, Ayeyarwady và Naypyidaw.
Đài truyền hình nhà nước Myanmar ghi hơn 150.000 ngôi nhà đã bị ngập lụt và gần 260.000 ha (640.000 mẫu Anh) ruộng lúa và các loại cây trồng khác bị phá hủy.
"Miền Trung Myanmar hiện là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão Yagi" - OCHA cho biết.
Kêu gọi hỗ trợ nhân đạo
Người dân Myanmar đã gắng gượng cứu mùa màng khỏi những cánh đồng ngập lụt nhưng mọi thứ dường như không thể.
Cuộc khủng hoảng thiên tai đang làm sâu sắc thêm nỗi thống khổ của người dân nước này. Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2/2021 và bạo lực đã nhấn chìm nhiều vùng rộng lớn của nước này.
Tại quận Loikaw, ông Chit Thein - người dân làng Phayarphyu nói rằng mọi người vẫn đang chờ đợi sự giúp đỡ.
"Chúng tôi đã mất rất nhiều thứ và giờ lũ lụt đã ập vào nhà nên chúng tôi chẳng còn gì nữa. Mọi người đang trú ẩn tại một tu viện nhưng không có nhiều thức ăn và không ai đến giúp chúng tôi", ông nói.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc hôm 16/9 khẳng định đây là trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của Myanmar, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết chính xác.
Theo Cơ quan phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo, bộ dụng cụ cứu trợ và nơi trú ẩn là những nhu cầu cấp thiết đối với các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nỗ lực cứu trợ đang bị cản trở do đường sá bị chặn, cầu bị hư hỏng và các cuộc đụng độ vũ trang đang diễn ra.
Bão Yagi gây mưa lớn, khiến lũ lụt bắt đầu tấn công Myanmar từ ngày 9/9. Chính quyền Myanmar đã kêu gọi nước ngoài viện trợ và được quốc gia láng giềng Ấn Độ gửi 10 tấn nhu yếu phẩm. UNOCHA cho biết cần thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ Myanmar hơn nữa.
Myanmar trải qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong mùa gió mùa hầu như hàng năm. Nước này đã trải qua lũ lụt nghiêm trọng hồi năm 2011 và 2015, với hơn 100 người chết trong mỗi đợt. Năm 2008, bão Nargis khiến hơn 138.000 người ở Myanmar thiệt mạng hoặc mất tích.
Trong đợt lũ lụt lần này, chính quyền Myanmar đã có lời kêu gọi hiếm hoi về viện trợ nước ngoài và được quốc gia láng giềng Ấn Độ gửi 10 tấn nhu yếu phẩm, bao gồm khẩu phần ăn khô, quần áo và thuốc men. Ngoài ra, Myanmar cũng đã nhận được viện trợ cứu trợ từ các quốc gia khác và một số viện trợ nhân đạo từ Hiệp hội Đông Nam Á sẽ sớm đến.
Cơ quan ứng phó thảm họa của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa để hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả bão lũ./.